Sôi nổi cuộc tranh tài hùng biện tiếng Việt của học sinh, sinh viên Nhật Bản

Ngày 2/11, tại trường Đại học Ngoại ngữ Kanda, tỉnh Chiba đã diễn ra cuộc thi hùng biện tiếng Việt của 21 học sinh, sinh viên đến từ 8 trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông đang đào tạo tiếng Việt trên khắp đất nước Nhật Bản.

Thí sinh tham dự đọc bài thơ Nguyệt Cầm (tác giả Xuân Diệu). Ảnh: Xuân Giao/PV TTXVN tại Nhật Bản
Thí sinh tham dự đọc bài thơ Nguyệt Cầm (tác giả Xuân Diệu). Ảnh: Xuân Giao/PV TTXVN tại Nhật Bản

Đây thực sự là cơ hội để các bạn học sinh, sinh viên Nhật Bản đang theo học tiếng Việt có thể giao lưu, gặp gỡ và nâng cao trình độ ngôn ngữ cũng như tìm hiểu về văn hóa Việt Nam, qua đó phục vụ tốt cho việc học tập và định hướng nghề nghiệp sau này.

Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, đây là lần thứ 18 trường Đại học Ngoại ngữ Kanda tổ chức cuộc thi hùng biện cho các học sinh, sinh viên Nhật Bản đang học tiếng Việt. Năm nay thành phần đăng ký không chỉ có các sinh viên đại học mà còn có thêm các em học sinh trung học và cao đẳng tham dự ở nhiều trình độ khác nhau.

Ban tổ chức trao giải cho thí sinh xuất sắc nhất trong nhóm sinh viên sắp tốt nghiệp. Ảnh: Phạm Tuân/PV TTXVN tại Nhật Bản
Ban tổ chức trao giải cho thí sinh xuất sắc nhất trong nhóm sinh viên sắp tốt nghiệp. Ảnh: Phạm Tuân/PV TTXVN tại Nhật Bản

Phát biểu khai mạc cuộc thi, cô Iwai Misaki, Chủ nhiệm ngành Đông Nam Á, Khoa Ngôn ngữ châu Á, Đại học Kanda cho biết, bộ môn tiếng Việt được thành lập vào tháng 4/2001 và đến nay đã có 20 khóa sinh viên tốt nghiệp.

Cuộc thi là sân chơi để các sinh viên, học sinh thể hiện khả năng thuyết trình, khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt, qua đó nâng cao kỹ năng ứng dụng tiếng Việt trong học tập và trong công việc sau này. Cô bày tỏ kỳ vọng trong tương lai nhiều người trong số các thí sinh tham dự cuộc thi ngày hôm nay sẽ trở thành cầu nối hữu nghị giữa hai nước.

Đại diện cho Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, bà Vũ Thị Liên Hương, Bí thư thứ nhất, Trưởng Bộ phận giáo dục, thành viên Ban giám khảo đánh giá cao công tác giảng dạy tiếng Việt của trường Đại học Ngoại ngữ Kanda cũng như vai trò kết nối các trường đại học, phổ thông, cao đẳng có giảng dạy tiếng Việt tại Nhật Bản. Thông qua chương trình này các em sinh viên Nhật Bản có thể giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Việt cũng như thúc đẩy hơn nữa sự quan tâm đến văn hóa Việt Nam cũng như tiếng Việt trong thời gian tới.

Ban tổ chức trao giải cho thí sinh xuất sắc nhất trong nhóm sinh viên mới học tiếng Việt dưới 1 năm. Ảnh: Xuân Giao/PV TTXVN tại Nhật Bản
Ban tổ chức trao giải cho thí sinh xuất sắc nhất trong nhóm sinh viên mới học tiếng Việt dưới 1 năm. Ảnh: Xuân Giao/PV TTXVN tại Nhật Bản

Trong cuộc lần thứ 18 này, các thí sinh tham gia phần thi hùng biện sẽ nói về hai chủ đề rất thú vị gồm: (1) Nhận định và bình luận về câu nói của cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela: “Nếu bạn nói bằng ngôn ngữ mà người nghe được học, anh ấy sẽ ghi nhớ bằng não bộ. Nếu bạn nói bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của anh ấy, anh ấy sẽ nhớ bằng cả trái tim” và (2) Phát biểu cảm nghĩ về câu nói của nhà văn Haruki Murakami: “Học một ngôn ngữ mới là trở thành một con người mới”.

Ở các phần thi hùng biện, với vốn kiến thức và khả năng tiếng Việt của mình, các thí sinh đã lần lượt chia sẻ quan điểm của mình. Bạn Miura Kotaro, đến từ trường Đại học châu Á - Thái Bình Dương kể về trải nghiệm của mình khi học tiếng Việt như một hành trình khám phá về một nền văn hóa mới với cách nhìn mới, suy nghĩ mới và kết luận lý do học tiếng Việt là vì “yêu mến đất nước và con người Việt Nam”.

Còn bạn Song Kaeun, một sinh viên người Hàn Quốc đang học tiếng Việt tại trường nữ sinh Showa thì nói về những điều thú vị trong cách xưng hô trong tiếng Việt. Trong đó, các đại từ nhân xưng như “anh, chị, em” giúp bạn cảm nhận được rằng dường như tất cả những người nói tiếng Việt như là các thành viên trong một đại gia đình. Bạn Kaeun cũng ấn tượng về sự tự tin, chủ động và hòa đồng của người Việt Nam đối với người nước ngoài và cho rằng điều này đã truyền cảm hứng để bạn Kaeun sẵn sàng chinh phục những thử thách mới trong cuộc sống và trong công việc.

Ban tổ chức và các thí sinh chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Xuân Giao/PV TTXVN tại Nhật Bản
Ban tổ chức và các thí sinh chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Xuân Giao/PV TTXVN tại Nhật Bản

Trao đổi với phóng viên TTXVN, thầy Kasuga Atsushi, giáo viên tiếng Việt, Khoa Ngôn ngữ châu Á, Đại học Ngoại ngữ Kanda cho biết, qua 18 lần tổ chức cuộc thi hùng biện, số lượng các thí sinh đăng ký tham gia tương tự như năm ngoái nhưng khả năng tiếng Việt ngày càng tốt hơn. Các thí sinh được phân chia theo các nhóm tùy vào khả năng tiếng Việt của mỗi người.

Ví dụ, nhóm A là sinh viên năm thứ nhất hoặc học sinh trung học; nhóm B dành cho sinh viên năm thứ hai; nhóm C là sinh viên chưa từng du học ở Việt Nam; nhóm D là sinh viên đã du học ở Việt Nam hơn 6 tháng và nhóm E là các thí sinh có bố, mẹ người Việt. Thầy Kasuga cho rằng, đây là dịp rất tốt để các em sinh viên Nhật Bản đang học tiếng Việt trên khắp cả nước có thể giao lưu học hỏi kinh nghiệm và nâng cao khả năng tiếng Việt thông qua thuyết trình hay đọc thơ.

Cuộc thi cũng dành sân khấu cho các thí sinh mới bắt đầu với yêu cầu đọc diễn cảm bài thơ “Nguyệt cầm” của nhà thơ Xuân Diệu và “Quê hương nỗi nhớ” của nhà thơ Hoàng Thanh Tâm. Mặc dù phát âm có một số từ chưa thật trôi chảy nhưng hầu hết các thí sinh đều đọc thuộc hoàn toàn và có những hình thức biểu cảm rất riêng, giàu cảm xúc. Qua đó nhận được sự khích lệ của các thầy cô giáo và đông đảo bạn bè, người thân đến cổ vũ, động viên.

Kết thúc cuộc thi, lần lượt các giải Nhất, Nhì, Ba thuộc các nhóm đã được thầy Miyauchi Takahisa, Hiệu trưởng trường Đại học Kanda trao giấy chứng nhận kèm theo các món quà động viên.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN, bạn Ando Fuma, sinh viên năm thứ 4 Đại học Osaka, người đạt giải đặc biệt của cuộc thi hùng biện năm nay bày tỏ xúc động khi nhận được phần thưởng và cho biết dự định sau khi tốt nghiệp đại học sẽ quay trở lại Việt Nam để làm phiên dịch cho một công ty công nghệ thông tin.

Các thí sinh trình diễn liên khúc các bài hát của Việt Nam. Ảnh: Phạm Tuân/PV TTXVN tại Nhật Bản
Các thí sinh trình diễn liên khúc các bài hát của Việt Nam. Ảnh: Phạm Tuân/PV TTXVN tại Nhật Bản

Cũng tại cuộc thi lần này, các bạn sinh viên, học sinh Nhật Bản cũng có dịp giao lưu với các bạn sinh viên Việt Nam đang học tiếng Nhật ở trường Đại học Ngoại ngữ Kanda thông qua chương trình văn hóa văn nghệ như diễn kịch "Bạch Tuyết”, biểu diễn nhạc cụ dân tộc và ca hát đặc sắc.

Theo baotintuc.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi chấm dứt đổ máu ở Syria

Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi chấm dứt đổ máu ở Syria

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 5/12 cho rằng hiện có nhu cầu cấp thiết về việc tiếp cận nhân đạo ngay lập tức với toàn bộ dân thường đang cần hỗ trợ ở Syria và quay trở lại tiến trình chính trị do LHQ bảo trợ để chấm dứt tình trạng đổ máu ở quốc gia Trung Đông này.

Tăng tốc tìm kiếm hiệp ước đối phó đại dịch toàn cầu

Tăng tốc tìm kiếm hiệp ước đối phó đại dịch toàn cầu

Các cuộc đàm phán liên quan thỏa thuận toàn cầu về đại dịch được nối lại vào tháng 12/2024, nhằm sớm xây dựng nền tảng vững chắc để thế giới ứng phó hiệu quả các thách thức y tế trong tương lai. Giới quan sát kỳ vọng, các nhà đàm phán sẽ nắm cơ hội này để khơi thông thế bế tắc, giúp các nước “cán đích” trước thời hạn chót là tháng 5/2025.

Liên hợp quốc kêu gọi hành động để giúp đỡ người dân Gaza

Liên hợp quốc kêu gọi hành động để giúp đỡ người dân Gaza

Theo thông báo của Cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) về người tị nạn Palestine (UNRWA) ngày 1/12, hiện có trên 415.000 người dân Gaza di tản đang trú ẩn tại các trường học của cơ quan này. UNRWA cũng cho biết hàng trăm nghìn người khác đang phải sống trong điều kiện tồi tệ hơn tại những nơi trú ẩn tạm thời.

Cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội, Australia tiên phong bảo vệ trẻ em trong môi trường trực tuyến

Cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội, Australia tiên phong bảo vệ trẻ em trong môi trường trực tuyến

Australia vừa trở thành nước đầu tiên trên thế giới thông qua dự luật cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội. Với bước đi được đánh giá là quyết liệt chưa từng có, Australia tiên phong trong việc siết chặt các quy định liên quan các nền tảng số nhằm bảo vệ trẻ em trong môi trường trực tuyến.

fb yt zl tw