Huyện Si Ma Cai hiện có gần 1.500 ha cây ăn quả ôn đới (mận Tả Van, lê VH6, đào Pháp), trong đó hơn 650 ha đã cho thu hoạch quả, giá trị sản xuất bình quân đạt 120 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, hiện diện tích cây ăn quả chủ yếu được trồng nhỏ lẻ, manh mún, nhiều hộ chưa cải tạo, chăm sóc, quy hoạch được vùng sản xuất tập trung. Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư thâm canh còn hạn chế, dẫn đến thu nhập trên 1 ha canh tác chưa tối ưu.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai cho biết: Để phát triển vùng cây ăn quả bền vững, nâng cao giá trị trên 1 ha đất canh tác, huyện đã tổ chức phát động ra quân chăm sóc, cải tạo diện tích cây ăn quả ôn đới sau thu hoạch; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, cải tạo cây ăn quả cho người dân; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người dân về vai trò, tác dụng của chăm sóc, cải tạo vườn cây ăn quả ôn đới định kỳ, nhất là sau mỗi vụ thu hoạch.
Theo đó, huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch triển khai chăm sóc, cải tạo vườn cây ăn quả ôn đới, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công trách nhiệm cho từng cán bộ, công chức, viên chức phụ trách chỉ đạo, hướng dẫn từng nhóm, từng hộ. Phát huy tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong phong trào làm vườn (vườn của cán bộ phải tự chăm sóc trước, đạt từ loại khá trở lên, không có vườn kém hiệu quả).
Tại mỗi xã, thị trấn, chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức các buổi hướng dẫn tại các vườn theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, thực hành trực tiếp để người dân nắm được quy trình kỹ thuật, áp dụng ngay tại vườn của gia đình.
Gia đình bà Vàng Thị Dung, thôn Chính Chư Phìn, xã Lùng Thẩn có hơn 200 gốc mận, lê, trong đó hơn 100 cây đang cho thu hoạch, còn lại là diện tích trồng mới. Bà Dung cho biết: Gia đình trồng lê, mận gần 10 năm nay. Trước đây, tôi để cây phát triển tự nhiên, ít chăm sóc, chỉ làm cỏ quanh gốc. Mấy năm gần đây, được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, tôi đã thực hiện bón phân đúng thời kỳ, nhất là giai đoạn sau thu hoạch quả; tỉa thưa cành yếu, vin cành tạo tán và bọc quả cho lê... Kết quả cho thấy, những cây được chăm sóc tốt cho quả to, đẹp, giá bán cao hơn. Năm nay, gia đình thu được hơn 80 triệu đồng từ bán lê, mận, cao hơn 30 triệu đồng so với năm trước. Vụ tới, tôi tiếp tục chăm sóc, cải tạo vườn cây ăn quả của gia đình và tuyên truyền những hộ khác trong thôn cùng làm theo.
Xã Lùng Thẩn hiện có 538 ha cây ăn quả ôn đới, trong đó hơn 250 ha đã cho thu hoạch. Xác định đây là hướng đi phù hợp để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, cấp ủy đảng, chính quyền xã đã tuyên truyền, đôn đốc, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc, cải tạo vườn cây ăn quả. Đến nay, hầu hết hộ trồng cây ăn quả theo hướng hàng hóa đã tiếp cận và thực hiện các khâu chăm sóc cây từ làm cỏ, bón phân, tỉa cành, vin cành, bọc quả…
Ông Thền Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Việc tỉa cành, tạo tán sau thu hoạch là giải pháp kỹ thuật quan trọng trong canh tác cây ăn quả, giúp cây cho năng suất, chất lượng quả ổn định ở vụ sau. “Chăm sóc cây ăn quả sau thu hoạch là yếu tố quyết định đến năng suất và chất lượng quả vụ tiếp theo. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn, người dân cần áp dụng đúng các quy trình, kỹ thuật chăm sóc vườn cây để tiếp tục có những vụ mùa bội thu” - ông Hùng cho biết.