Hơn 10 năm gắn bó với nghề sản xuất ván bóc, anh Mai Tiến Thắng, xã Thượng Hà (huyện Bảo Yên) nhiều lần chứng kiến sự bấp bênh của thị trường và đã từng phải đóng cửa xưởng, chịu thua lỗ bởi sản phẩm tồn kho nhiều, không tiêu thụ được
Vẫn quyết tâm bám nghề, anh Thắng đã nghiên cứu kỹ thị trường trong nước và các thị trường xuất khẩu mới, từ đó đầu tư hơn 10 tỷ đồng mua dây chuyền máy móc hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm nhằm chinh phục thị trường trong nước và xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, Nhật Bản… Tháng 7 vừa qua, anh thành lập Hợp tác xã Nông - lâm sản Thành Lâm để liên kết sản xuất, thuận lợi tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm của HTX đã đa dạng hơn gồm ván bóc, ván ép… phục vụ ngành thiết kế nội thất, ngoại thất, công trình công cộng, dân dụng, bao bì… Với quy mô 3 xưởng sản xuất ván bóc, 1 xưởng sản xuất ván ép, trung bình Hợp tác xã Nông - lâm sản Thành Lâm tiêu thụ hơn 3.000 m3 gỗ nguyên liệu/năm, cung cấp ra thị trường hơn 1.500 m3 sản phẩm, tạo việc làm cho gần 60 lao động tại địa phương.
Trước đây, 100% sản phẩm của cơ sở xuất bán sang thị trường Trung Quốc, thì nay chỉ khoảng 20% sản phẩm xuất sang thị trường này, còn 80% sản phẩm ván loại A cung cấp thị trường trong nước với giá cao và ổn định.
Huyện Bảo Yên có 58 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh lâm sản. Đầu năm 2022 đến cuối năm 2023, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến gỗ tại huyện Bảo Yên gặp nhiều khó khăn do không tìm được đầu ra, một số cơ sở phải tạm dừng hoạt động. Sang năm 2024, cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn đã sôi động trở lại (với công suất khoảng 70% theo quy mô của từng doanh nghiệp và cơ sở). Nhiều cơ sở đã chủ động đầu tư, nâng cấp thiết bị, thay đổi công nghệ bóc, tạo ra các sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Từ đầu năm đến nay, các cơ sở đã sản xuất và cung cấp gần 15.000 m3 ván bóc ra thị trường, bằng 82% tổng sản lượng sản xuất của năm 2023.
Lào Cai có nhiều tiềm năng phát triển ngành chế biến lâm sản. Toàn tỉnh hiện có 265 cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản (giảm 55 cơ sở so với năm 2023). 2 năm 2022 và 2023, các cơ sở sản xuất ván bóc gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, phần lớn cơ sở hoạt động cầm chừng, một số cơ sở phải ngừng hoạt động.
Từ đầu năm 2024 đến nay, các cơ sở chế biến gỗ ván bóc nhận được nhiều đơn hàng với giá bán sản phẩm tăng so với trước. Các cơ sở đã sản xuất hơn 32.600 m3 ván bóc (tăng hơn 4.200 m3 so với năm 2023), tiêu thụ hơn 86.000 m3 gỗ rừng trồng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện số lượng doanh nghiệp, cơ sở đầu tư máy móc, dây chuyền hiện đại để sản xuất gỗ ván bóc còn ít. Các xưởng sản xuất trên địa bàn tỉnh chủ yếu phát triển manh mún, mạnh ai nấy làm, thiếu liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các cơ sở vẫn chủ yếu sản xuất và xuất bán dạng thô sang thị trường Trung Quốc, chưa đầu tư chế biến sâu phục vụ thị trường trong nước, xuất khẩu sang các thị trường có phẩm cấp cao nên giá trị kinh tế thấp. Hoạt động chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu ổn định.
Theo ông Vũ Hồng Điệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, để phát triển ổn định ngành chế biến lâm sản nói chung và sản xuất gỗ ván bóc nói riêng, các cơ sở cần chủ động nâng cấp dây chuyền, thiết bị, công nghệ và sản xuất các sản phẩm theo nhu cầu thị trường. Đơn cử như đối với gỗ quế, hiện trên 70% sản phẩm gỗ rừng trồng của tỉnh là quế, tuy nhiên gỗ quế hiện chủ yếu dùng làm cây chống (dùng trong xây dựng), sản xuất ván bóc nên giá trị kinh tế thấp, lãng phí nguồn nguyên liệu. Các cơ sở cần đầu tư, nâng cấp dây chuyền sản xuất để tận dụng nguồn nguyên liệu này trong sản xuất các sản phẩm đồ mộc dân dụng, ván dán, ván ghép thanh…
Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tập huấn, tuyên truyền cho người dân và doanh nghiệp về phát triển kinh tế tuần hoàn trong lâm nghiệp đặc biệt đối với tận dụng các phụ phẩm trong chế biến lâm sản (làm viên nén, than, ….) để phát huy hết giá trị gia tăng của rừng và bảo vệ môi trường.