Nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm trong công tác xã hội, chị Lý Thị Cưn (dân tộc Giáy), Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Dìn Chin luôn được cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân trên địa bàn yêu quý và kính trọng. Chị Cưn luôn tâm niệm rằng, gia đình hạnh phúc là nền tảng tạo sự tự tin và là động lực để chị tiếp tục cống hiến vì cộng đồng. Do vậy, chị luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc với hội viên cũng như người dân xã Dìn Chin.
Trong xã hội hiện nay, vai trò của phụ nữ ngày càng được nâng cao. Phụ nữ tham gia công tác xã hội không còn quá xa lạ. Tuy vậy, ở vùng cao vẫn còn những rào cản, định kiến đối với nữ giới; những khó khăn khách quan như địa hình phức tạp, nhận thức của người dân không đồng đều, vẫn tồn tại tập quán lạc hậu… Hơn 10 năm hết lòng với công việc, chị Nùng Thiên Nga (dân tộc Nùng), Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lùng Khấu Nhin thường xuyên vắng nhà để đến các thôn, bản xa xôi giúp đỡ, hỗ trợ hội viên.
Vất vả là thế, chị Nga tìm về gia đình như “điểm tựa” tinh thần. Đồng hành với vợ, anh Lù Dung Chín luôn sẵn sàng chia sẻ việc nhà, chủ động chở vợ xuống thôn tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân. Nhờ những chuyến đồng hành này, anh biết thông cảm và thương vợ nhiều hơn.
Đến thời điểm hiện tại, chị Nga vẫn luôn hãnh diện khi có một gia đình bình đẳng, hạnh phúc và làm hành trang mỗi khi đi tuyên truyền bà con phòng chống bạo lực gia đình, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… Từ đó, không ít hội viên hiểu rõ những giá trị to lớn của gia đình, từng bước thay đổi nhận thức, mạnh dạn thể hiện vai trò của mình trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc.
Mường Khương nâng cao đời sống tinh thần của phụ nữ
Phụ nữ tham gia công tác xã hội phải đảm nhiệm “vai trò kép”, đồng nghĩa đặt lên vai họ thêm 2 gánh nặng, vừa làm tròn việc gia đình vừa làm tốt công việc xã hội. Đặc biệt, với phụ nữ dân tộc thiểu số vùng cao, việc “xé” bỏ những rào cản để khẳng định vai trò của mình luôn cần sự chia sẻ từ gia đình và người thân.