Quay về E-magazine Theo dõi Báo Lào Cai trên Google News
Phía sau cánh cổng là bầu trời xuân

Phía sau cánh cổng là bầu trời xuân

Hôm nay đã là cuối tháng Chạp, đường phố tấp nập người và xe. Không khí tết đã chạm cửa mỗi gia đình, ai cũng hối hả hoàn thành nốt phần việc dở dang để về nhà sum họp cùng người thân.

Trên chuyến xe xuôi về quê, tôi thiêm thiếp chìm vào giấc ngủ từ lúc nào không hay. Trong giấc mộng đẹp, tôi nghe rõ giọng trầm ấm thân thuộc.

tv9.png

Mẹ tôi quần xắn ống vểnh vừa từ vườn rau về nghe thấy vậy lại tất tả đi vo gạo, đãi đỗ. Anh em tôi thì chỉ chờ có vậy là cùng nhau mang cái nồi quân dụng ra bờ ao để đánh rửa và rửa lá dong. Việc đã phân từ nhiều năm nên không cần bố mẹ nhắc, chúng tôi cũng rất tự giác làm. Người thì cao mét mốt mà cái nồi cũng ngót nghét bảy mươi phân nên anh tôi kéo phần nhiều chứ chả thể khênh được. Tôi thì lũn cũn ôm bó lá dong to hơn người theo sau. Ra đến bờ ao, việc đầu tiên chúng tôi làm không phải là cọ nồi, rửa lá mà trèo ngay lên tảng đá to, nơi có cây ngõa rất to xòa bóng. Bỏ túi muối trắng giã với ớt giấu trong túi quần ra, anh em tôi chọn những ngọn ngõa non, tước bỏ vỏ thế là đã có món ngon để liên hoan. Sau một hồi liên hoan, anh em tôi chia việc cho nhau cùng làm. Tôi nhỏ hơn nên chỉ phải rửa một phần lá dong.

tv2.png

Nhà tôi nằm ở khu núi cả, bố tôi kỳ công dẫn nước lần từ trên núi về để phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Bên khe nước lần trong vắt, anh em tôi tỉ mẩn rửa từng chiếc lá dong và cẩn thận phân loại theo từng kích cỡ để lúc gói bánh bố mẹ tôi không cần phải mất công lọc lần nữa.

Sau thời gian chuẩn bị, cuối cùng giây phút anh em tôi mong chờ cũng tới. Trên khoảng sân rộng trước hiên nhà, mẹ tôi trải tấm chiếu rộng để chuẩn bị gói bánh. Phía góc vườn, một chiếc bếp củi được bắc sẵn, lửa đã đỏ rực làm ấm cả không gian. Nhưng điều tôi thích nhất ở chiếc bếp lửa đó là dưới lớp than đỏ hồng, vài bắp ngô, củ khoai lang đang nằm yên chờ chín.

tv3.png

Tôi nhỏ tuổi nhất nên được bố mẹ phân cho nhiệm vụ lau lá bánh, anh tôi thì được giao đo và cắt lá bánh theo khuôn. Bố mẹ tôi đảm nhiệm phần gói và xếp bánh vào chiếc nồi quân dụng. Tôi yêu sao những phút giây gia đình quây quần bên nhau như thế và ước gì nó kéo dài mãi. Vừa gói bánh, bố mẹ tôi vừa kể lại cho chúng tôi nghe những kỉ niệm của các thành viên trong gia đình. Năm nào cũng nghe ngần ấy câu chuyện nhưng chúng tôi vẫn rất thích thú, thi thoảng còn cười phá lên khi nghe những kỷ niệm vui. Tôi mỗi lần như vậy lại phấn khích đứng lên nhảy nhót và cười sảng khoái, tiện tay thì với luôn mấy trái táo ở phía hàng rào. Bố tôi rất nghiêm khắc, dù trong vườn nhà tôi có nhiều cây ăn quả, cây nào cũng sai trĩu cành nhưng anh em tôi không bao giờ được phép tự ý hái ăn khi bố mẹ chưa đồng ý. Những lúc như thế này là cơ hội hái táo tự do hiếm có mà không bị mắng nên tôi tận dụng triệt để.

tv11.png

Sau khi đã gói xong những chiếc bánh vuông vức để dâng lên gia tiên và một phần dành biếu những gia đình hàng xóm trong khu tập thể, chỗ gạo, đỗ còn thừa chính là nguyên liệu để anh em tôi thỏa ước ao tự tay gói những chiếc bánh cho riêng mình. Cũng đong đong, đếm đếm, gói ép nhưng những chiếc bánh do anh em tôi gói không có tiêu chuẩn nào để xếp hạng. Ấy thế mà trong mắt chúng tôi, đó là những chiếc bánh tuyệt vời nhất vì do chính tay chúng tôi tự gói, tự luộc và sẽ được thưởng thức trước tiên.

tv5.png

Gói bánh xong, bên bếp lửa hồng, gia đình tôi lại cùng nhau ăn ngô nướng, khoai nướng và trông nồi bánh chưng. Cho đến tận bây giờ, dù đã bước qua tuổi bốn mươi nhưng những lời dạy của bố mẹ bên ánh lửa năm nào về cách sống, cách làm người, lòng tự trọng… tôi vẫn nhớ như in. Chính những lời dạy bảo đó đã giúp anh em tôi có cuộc sống tốt đẹp như ngày hôm nay.

tv6.png

Xe dừng trước cổng cũng là lúc tôi tỉnh giấc. Nhẹ nhàng đẩy chiếc cổng khép hờ, phía trong sân, khung cảnh yên bình ngày nào vẫn không thay đổi, có hai người tóc bạc đã đứng chờ gia đình tôi tự bao giờ. Các con tôi thấy ông bà liền chạy thật nhanh và sà vào lòng để được ôm thật chặt, được đôi bàn tay da đã nhăn nheo vuốt ve mái đầu xanh. Còn tôi, bước thật chậm để cảm nhận cảm giác thanh bình khi đi về phía bầu trời xuân của mình - nơi có những ký ức đẹp, có những người dành cả thanh xuân để nuôi chúng tôi khôn lớn, trưởng thành.

tv7.png

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Gìn giữ nét đẹp văn hóa Then Giáy

Gìn giữ nét đẹp văn hóa Then Giáy

Trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Giáy ở Bát Xát, cúng Then, làm Then là một nghi thức quan trọng nhằm hóa giải những điều không may mắn, cầu mong thần linh phù hộ cho con người luôn khỏe mạnh, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tuy nhiên, chỉ những người có duyên, am hiểu sâu sắc về văn hóa, thuộc nhiều bài cúng mới có thể làm Thầy Then và đi hành lễ.

Để di sản tỏa sáng trong đời sống đương đại

Để di sản tỏa sáng trong đời sống đương đại

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) năm 2024 đã chính thức đi vào đời sống với nhiều điểm mới, thể hiện rõ tính ưu việt, mở ra những kỳ vọng đối với công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa một cách hiệu quả trong kỷ nguyên mới.

Bản sắc và hội nhập

Bản sắc và hội nhập

Lào Cai và Yên Bái - hai vùng đất ở thượng nguồn sông Hồng, chung một mái nhà dưới dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, đã chính thức hợp nhất thành tỉnh Lào Cai mới theo Nghị quyết 202/2025/QH15 ngày 12/6/2025 của Quốc hội khóa XV. Tỉnh Lào Cai mới không chỉ mở rộng về không gian địa lý, tăng quy mô dân số mà còn là điểm hội tụ tinh hoa văn hóa của vùng Tây Bắc, mở ra nhiều cơ hội hội nhập và phát triển từ việc phát huy giá trị các di sản văn hóa, vững bước vào kỷ nguyên mới.

Viết giữa gian bếp nhỏ

Viết giữa gian bếp nhỏ

Góc làm việc của bà không phải phòng riêng, chỉ là chiếc bàn bên căn bếp nhỏ. Trên giá sách kế bên là những cuốn sách, tài liệu cũ quý giá, những thứ mà bà đã dành nhiều năm để sưu tầm, nghiên cứu. Đó là ấn tượng đầu tiên khi tôi có mặt tại nhà bà Trần Thị Minh, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật cũng là hội viên Hội Nhà báo tỉnh.

Rơm vàng kể chuyện tái sinh

Rơm vàng kể chuyện tái sinh

Ngày hè, nắng như rót mật xuống những thửa ruộng ở thung lũng Nghĩa Đô, cũng là lúc những sợi rơm vàng óng phơi mình trên bãi đất sau mùa gặt. Ở Nghĩa Đô, rơm không còn là phế phẩm nông nghiệp chỉ dùng để đun nấu hay lót chuồng trại chăn nuôi gia súc. Rơm đang “sống lại” trong những đôi tay tài hoa của phụ nữ bản người Tày, bản người Dao bên bếp lửa, dưới mái nhà sàn; hay góc sân nhỏ của những ngày nông nhàn sau mùa gặt, trong những câu chuyện đời thường đẹp như thơ…

fb yt zl tw