Trang sử hào hùng
Lần theo địa danh lịch sử “Phố Ràng” trong bài thơ Việt Bắc, chúng tôi tìm về thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên (Lào Cai). Ngay giữa trung tâm thị trấn, có khu di dích lịch sử cấp Quốc gia mang tên “Di tích Chiến thắng đồn Phố Ràng” vẫn sừng sững soi bóng bên dòng sông Chảy.
Theo các nguồn tư liệu lịch sử chính thống cũng như Lịch sử Đảng bộ huyện Bảo Yên (Lào Cai) thì đồn Phố Ràng được quân địch xây dựng trên cao điểm 442, diện tích rộng gần 1 ha. Đây là một vị trí chiến lược, có thể khống chế toàn bộ khu vực lòng chảo thị trấn Phố Ràng và các khu vực lân cận. Thế đồn gần như 3 mặt là sông, ở vị trí đồn có thể bao quát, theo dõi toàn bộ các hoạt động ở sông và hai bên bờ. Pháp cho xây dựng một hệ thống công sự vững chắc với nhiều lô cốt, giao thông hào, hàng rào tre vót nhọn ken dày đặc quanh cứ điểm; mìn, vật cản và ụ súng được bố trí xung quanh đồn. Địch còn bố trí 2 trung đội Âu - Phi, 1 đội lính khố đỏ, 1 trung đội lính dù, 1 trung đội lính dõng, các loại vũ khí sẵn sàng đánh trả và cản bước tiến của các cánh quân ta lên giải phóng vùng Tây Bắc.
Ngày 19/5/1949, chiến dịch sông Thao mở màn, quân ta đã diệt 2 vị trí là Đại Bục và Đại Phác (huyện Trấn Yên, Yên Bái) thuộc phân khu Nghĩa Lộ, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch ở hữu ngạn sông Hồng thuộc tỉnh Yên Bái. Thừa thắng, ta tiến đánh tiểu khu Phố Ràng là cứ điểm xung yếu, căn cứ đầu não của địch và cũng là sở chỉ huy của tiểu khu.
18 giờ ngày 24/6/1949, pháo binh của ta bắt đầu bắn vào đồn địch, áp chế các ụ súng. Sau hơn 40 giờ chiến đấu liên tục với khí thế mãnh liệt, kiên cường, dũng cảm, ta và địch giành giật nhau từng đoạn giao thông hào, từng lô cốt và ụ súng. Đúng 08 giờ ngày 26/6/1949, quân ta đã làm chủ trận địa, hạ được đồn, bắt sống được tên quan Ba chỉ huy đồn, tiêu diệt hơn một đại đội địch. Đồn Phố Ràng bị hạ, một bộ phận quân địch rút chạy theo 2 hướng về Nghĩa Đô và Lào Cai, ta tiếp tục tổ chức đánh chặn tiêu diệt 50 tên, bắt sống nhiều tên khác. Sở chỉ huy Phố Ràng bị tiêu diệt đã làm rung chuyển tuyến phòng thủ của địch từ Phố Lu đến Nghĩa Đô, làm cho địch tổn thất, hoang mang và lo sợ tột cùng.
Chiến thắng đồn Phố Ràng đã phá vỡ một mắt xích quan trọng trong tuyến phòng thủ Bảo Hà - Phố Ràng - Nghĩa Đô - Yên Bình, thúc đẩy sự tan rã của địch, tạo tiền đề cho bộ đội chủ lực tiến vào giải phóng Phố Lu và tiến đánh đồn Nghĩa Đô, góp phần quan trọng đưa chiến dịch Sông Thao đến toàn thắng, đập tan tuyến phòng thủ trọng yếu của địch, giải phóng trên 600 km2 và hàng chục vạn nhân dân các dân tộc Tây Bắc thoát khỏi ách kìm kẹp của địch. Trận đồn Phố Ràng là chiến thắng hào hùng, oanh liệt đã được ghi vào trang sử vẻ vang của dân tộc.
Hồi tưởng lại không khí hào hùng 75 năm về trước, ông Lồ Văn Tính, một cựu chiến binh ở xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên còn nhớ như in: “Tôi vẫn còn cảm nhận rõ không khí cam go, vô cùng ác liệt trong trận đánh đồn Phố Ràng. Khi đó, pháo mình bắn, súng cối yểm trợ, các cánh quân tiến lên công đồn theo các hướng như kế hoạch. Để mở lối tiến công lên hệ thống công sự kiên cố, quân ta chủ yếu dùng bộc phá. Tiếng bộc phá, pháo, súng cối nổ rung trời khiến tinh thần địch nhanh chóng rơi vào hoảng loạn. Các mũi tiến công nhanh chóng phá tan thế trận phòng thủ của địch. Tại nhiều ụ, chốt, quân địch nhanh chóng hạ vũ khí quy hàng. Sau khi tiến lên sát đồn tại cao điểm 442, quân ta dùng quả bộc phá lượng thuốc hơn 1 tạ, khi tiếng nổ của khối bộc phá rung chuyển trời đất, quân địch lúc này hoàn toàn tê liệt, ta kiểm soát hoàn toàn đồn Phố Ràng...”.
“Sau hơn 40 giờ chiến đấu liên tục, từ ngày 24 đến ngày 26 tháng 6 năm 1949, với tinh thần sáng tạo, mưu trí, không ngại hy sinh, bộ đội chủ lực của ta cùng quân và dân huyện Bảo Yên đã tiêu diệt đồn Phố Ràng, góp phần quan trọng đưa chiến dịch Sông Thao đến chiến thắng cuối cùng. Bài học quý giá nhất của quân đội chúng ta lúc bấy giờ và lực lượng vũ trang là tinh thần dũng cảm, kiên quyết tiến công tiêu diệt địch. Trận đánh Phố Ràng sau này cũng đã được các nhà lịch sử quân sự ghi nhận là trận đánh công kiên đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam chúng ta” - Cựu chiến binh Trần Bá Đường, ở tổ 3a, thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên kể lại.
Trận đồn Phố Ràng là chiến thắng hào hùng, oanh liệt đã được ghi vào trang sử vẻ vang của đất nước ta. Với ý nghĩa đó, từ năm 1999, Di tích đồn Phố Ràng được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao - Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia, trở thành chứng tích đặc biệt, niềm tự hào của nhân dân các dân tộc huyện Bảo Yên nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung.
Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng
Khoảng thời gian 75 năm trước, chiến thắng đồn Phố Ràng đã mở ra bước ngoặt lịch sử cho việc giải phóng Lào Cai và rộng hơn là vùng Tây Bắc khỏi ách kìm kẹp của thực dân Pháp. Năm tháng đi qua, nhưng chiến thắng Phố Ràng vẫn vang vọng đến hôm nay và mai sau, là niềm tự hào và nguồn cổ vũ, động viên nhân dân các dân tộc Bảo Yên thi đua phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Và hơn thế, từ lâu, Di tích lịch sử đồn Phố Ràng đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay về tinh thần anh dũng, hy sinh quên thân vì quê hương đất nước của thế hệ cha ông.
Không chỉ đi vào lịch sử dân tộc, địa danh Phố Ràng còn đi vào thơ ca, với những vần thơ bất hủ trong bài thơ Việt Bắc của cố Nhà thơ Tố Hữu, trong bài thơ có đoạn:
“...Ai về ai có nhớ không?
Ta về ta nhớ Phủ Thông, đèo Giàng
Nhớ sông Lô, nhớ phố Ràng
Nhớ từ Cao-Lạng nhớ sang Nhị Hà...”
Cùng với thơ ca, Chiến thắng đồn Phố Ràng lịch sử còn trở thành mạch cảm xúc bất tận tạo nên thiên ký sự để đời mang tên “Trận Phố Ràng” của liệt sỹ, nhà văn Trần Đăng. Ký sự của ông đã thuật lại sinh động quá trình quân ta tiến đánh đồn Phố Ràng, để mỗi thế hệ hậu sinh hôm nay, mỗi khi đọc tác phẩm và cảm nhận được rõ hơi hướng những thời khắc hùng tráng của lịch sử...
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Quốc Bảo, Bí thư Huyện ủy Bảo Yên cho biết: Những năm qua, Di tích Lịch sử Chiến thắng đồn Phố Ràng là phần quan trọng trong lịch sử đảng bộ địa phương, chúng tôi luôn xác định Di tích đồn Phố Ràng một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về tinh thần anh dũng bất khuất của cha ông. Đồng thời qua đó góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị về văn hóa của vùng đất, con người, là niềm tự hào và nguồn cổ vũ, động viên lớn lao nhân dân các dân tộc Bảo Yên thi đua phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Với lộ trình biến di sản thành tài sản, phát huy hiệu quả các tiềm năng hiện có trong phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế du lịch, thời gian qua địa phương đặc biệt quan tâm chú trọng việc bảo tồn, tôn tạo Di tích lịch sử đồn Phố Ràng gắn với công tác tuyên truyền giáo dục, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương, khai thác tiềm năng thế mạnh xây dựng phát triển thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên thành huyện phát triển khá của tỉnh Lào Cai trong tương lai gần.
“Với quyết tâm xây dựng Di tích đồn Phố Ràng thành một điểm nhấn, địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ, những năm qua huyện Bảo Yên không ngừng quy hoạch, đầu tư tôn tạo, xây dựng Di tích đồn Phố Ràng thành một điểm đến đặc biệt ở Bảo Yên, vừa giáo dục truyền thống cách mạng cho thệ hệ trẻ, vừa phát huy bảo tồn những giá trị về văn hóa, cổ vũ tinh thần anh hùng ca của dân tộc. Và hơn thế, trách nhiệm của các thế hệ hậu sinh chúng ta hôm nay phải xây dựng Khu Di tích đồn Phố Ràng thực sự xứng tầm với giá trị lịch sử, làm vốn tài sản tinh thần vô giá cho hôm nay và mai sau” - Bí thư Hoàng Quốc Bảo nói.
Phát huy hào khí trận Phố Ràng
Trên mảnh mảnh đất Phố Ràng - nơi diễn ra trận quyết chiến ác liệt năm xưa, nay đã thay da đổi thịt, trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện Bảo Yên, cửa ngõ giàu đẹp phía Nam của tỉnh Lào Cai. Phát huy truyền thống anh hùng, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, 75 năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Bảo Yên luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất; khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng vững mạnh.
Về kinh tế - xã hội, những năm gần đây, huyện Bảo Yên có cách làm sáng tạo là lựa chọn mũi nhọn, thế mạnh để tập trung phát triển, tạo sức đột phá rõ rệt. Như với phát triển nông, lâm nghiệp là thực hiện theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ, khoa học - kỹ thuật tiên tiến. Vùng hàng hóa nông sản tập trung được hình thành và ngày càng lớn mạnh với 572 ha chè, 25.200 ha quế, 285 ha chuối, 264 ha cây ăn quả... Toàn huyện có 35 sản phẩm đã được chứng nhận đạt tiêu chí OCOP từ 3 sao cấp tỉnh trở lên. Bên cạnh đó, huyện Bảo Yên cũng dành nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch tâm linh; ưu tiên tiểu thủ công nghiệp; phát triển các ngành kinh tế gắn với quy hoạch và tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội.
Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện Bảo Yên lần thứ XXII đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn huyện đạt bình quân 13,39%/năm, đứng thứ 4 toàn tỉnh; tổng giá trị sản phẩm xã hội trên địa bàn đạt 9.296 tỷ đồng, gấp 1,7 lần so với năm 2020; thu nhập bình quân đầu người đạt 58 triệu đồng/người/năm, gấp 1,5 lần so với năm 2020, đứng thứ 4 so với các huyện, thị xã, thành phố; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp; trong đó, tỷ trọng ngành công nghiệp xây dựng chiếm trên 32%, dịch vụ chiếm trên 42%, nông nghiệp chiếm gần 30%. Nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, giá trị sản phẩm trên 01 ha đất canh tác đạt 90 triệu đồng; tỷ lệ che phủ rừng đạt 63,13%, giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 270 triệu đồng/ha; tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống dưới 5%...
Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên; giáo dục mũi nhọn trong nhóm dẫn đầu của tỉnh. Chất lượng dịch vụ y tế được nâng cao, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được đẩy mạnh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường; năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền được nâng lên, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố.
Trước những thời cơ, vận hội mới, Bảo Yên có nhiều dư địa để tạo ra bước phát triển mạnh mẽ. Là huyện cửa ngõ phía Nam của tỉnh với hệ thống giao thông kết nối từng bước được đầu tư, Đảng bộ huyện có truyền thống đoàn kết, gắn bó; Nhân dân trong huyện anh dũng, kiên cường trong đấu tranh cách mạng, cần cù, sáng tạo trong lao động, học tập, năng động để làm giàu cho quê hương. Những yếu tố đó là điều kiện để Bảo Yên đi lên trên nền tảng nội lực của chính mình trong bối cảnh mới.
Phát huy hào khí trận Phố Ràng, với tinh thần đoàn kết, chủ động sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bảo Yên đang nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, xây dựng Bảo Yên trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025, xứng đáng với niềm tin yêu của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện và sự kỳ vọng của cấp trên...