Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tính đến ngày 21/9, toàn tỉnh có 188 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung bị thiệt hại, hư hỏng, gồm Si Ma Cai 61 công trình, Bát Xát 43, Văn Bàn 28, Bảo Yên 18, Bắc Hà 10, thành phố Lào Cai 10, Sa Pa 7, Mường Khương 7, Bảo Thắng 4. Ngoài ra, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn khác bị thiệt hại nhưng chưa rà soát, thống kê được khối lượng do không thể tiếp cận hệ thống tuyến ống, đầu mối ở các khu vực bị sạt lở.
“Sau khi xảy ra mưa lũ, đa số hệ thống công trình cấp nước tại các địa phương bị ảnh hưởng đã dừng hoạt động, nguồn nước cung cấp phục vụ sinh hoạt của người dân bị gián đoạn, ô nhiễm và thiếu trên diện rộng. Có hơn 50.000 hộ ở khu vực nông thôn không có hoặc thiếu nước sinh hoạt vào thời điểm đó”, ông Nguyễn Quang Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết.
Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý, vận hành, khai thác 28 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn. Mưa lũ gây thiệt hại đối với cả 28 công trình, hầu hết khu vực đập đầu mối bị đất đá vùi lấp, trong đó 12 công trình bị nước lũ cuốn trôi tuyến ống, đất đá sạt lở làm đứt gãy tuyến ống.
Công ty TNHH Dịch vụ cấp nước Lào Cai ký hợp đồng quản lý, khai thác 46 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn các huyện Mường Khương, Bảo Thắng, Văn Bàn, thị xã Sa Pa. Trận mưa lũ vừa qua khiến 20 công trình bị đất đá vùi lấp đập đầu mối, 25 công trình do đất đá sạt lở làm đứt gãy nhiều đoạn đường ống cấp nước, khiến hơn 7.000 hộ sử dụng nước sinh hoạt bị ảnh hưởng.
Ngay sau mưa lũ tạm rút, các đơn vị quản lý và ký hợp đồng quản lý, khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh đã khẩn trương tiếp cận hiện trường, tiến hành khắc phục sự cố do thiên tai gây ra, như nạo vét đập đầu mối để thu nước, nối các đoạn ống bị đứt gãy, xử lý chống ô nhiễm để kịp thời cấp nước sinh hoạt trở lại, phục vụ người dân.
Chỉ 2 ngày sau lũ, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã xử lý, khắc phục và cấp nước sinh hoạt trở lại đối với 27/28 công trình. Riêng công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn thôn Làng Thâu, xã Xuân Thượng (Bảo Yên) do hư hỏng nặng nên chưa khắc phục xong.
Đối với các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn do Công ty TNHH Dịch vụ cấp nước Lào Cai ký hợp đồng quản lý, khai thác, đơn vị đã khắc phục, cấp nước ổn định đối với 20 công trình, 25 công trình bị hư hỏng nặng đã xử lý, cấp nước được 50% nhu cầu sử dụng.
Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kêu gọi UNICEF hỗ trợ các thiết bị chứa và xử lý nước sinh hoạt khẩn cấp. Theo đó, UNICEF đã hỗ trợ 1.000 bồn chứa nước (dung tích 1.000 lít/bồn), 200 bình lọc nước bằng gốm, 1 triệu viên Aquatabs cấp phát cho 5 xã: Quang Kim, Mường Vi (Bát Xát), Thải Giàng Phố, Bản Liền, Hoàng Thu Phố (Bắc Hà).
“Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh còn gần 25.000 hộ khu vực nông thôn thiếu nước sinh hoạt hoặc sử dụng nước không hợp vệ sinh do ảnh hưởng của mưa lũ”, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nguyễn Quang Ngọc thông tin.
Thời gian tiếp theo, ngành nông nghiệp tỉnh đẩy nhanh việc thống kê thiệt hại đối với các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn do mưa lũ gây ra, từ đó đề xuất với Trung ương, các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ hóa chất, máy lọc nước, dụng cụ chứa nước ban đầu cho người dân, cũng như kinh phí để khắc phục, sửa chữa các công trình cấp nước.
Dự kiến, ngành nông nghiệp tỉnh đề nghị hỗ trợ giải quyết các vấn đề trước mắt về nước sinh hoạt cho người dân với tổng kinh phí hơn 79 tỷ đồng, bao gồm hỗ trợ thiết bị lọc, bồn nước 76,7 tỷ đồng và hỗ trợ vật tư, dụng cụ sửa chữa 2,5 tỷ đồng (trong đó đã đề xuất nguồn UNICEF hỗ trợ 10,2 tỷ đồng). Cùng với đó, đầu tư sửa chữa khôi phục hạ tầng công trình cấp nước sinh hoạt đối với 75 công trình, tổng kinh phí đầu tư 207,9 tỷ đồng, trong đó đề nghị hỗ trợ từ UNICEF 103,4 tỷ đồng để sửa chữa 28 công trình; 47 công trình đề xuất ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh.