Quay vềE-magazineTheo dõi Báo Lào Cai trênGoogle News
Những chiếc mâm mây và đôi tay tài hoa

Những chiếc mâm mây và đôi tay tài hoa

Đến “xứ mưa” Y Tý (huyện Bát Xát) hỏi thăm nhà ông Ly Giờ Lúy giỏi nghề đan mâm mây, từ người già đến trẻ nhỏ ai cũng biết. Trong câu chuyện với người đường xa, họ còn không quên tấm tắc: Mâm mây của già Lúy đan đẹp lắm. Không chỉ đan cho nhà dùng, già còn làm bán cho bà con và khách du lịch nữa đấy!

Men theo lời giới thiệu, tôi đến thôn Lao Chải, tìm gặp người đàn ông có đôi tay tài hoa.

Tỉ mẩn trên từng ngón tay

Giờ đang là cuối hạ, đầu thu, nhưng đất trời Y Tý đã mang dáng vẻ của buổi cuối thu, đầu đông. Mới 4 giờ chiều mà sương đã rơi đặc quánh bên hiên nhà. Những mái nhà trình tường bàng bạc màu mây khói.

2.jpg

Nhà già Lúy nằm ngay đầu thôn Lao Chải. Trước sân nhà, người đàn ông có nước da ngăm đen, chừng 70 tuổi đang cặm cụi chẻ nan, chuốt nan rồi lại cặm cụi đan, ghép các mảnh tre, sợi mây thành các bộ phận để làm chiếc mâm mây truyền thống của người Hà Nhì. Đôi bàn tay chai sạn vì nương rẫy, vì tuổi tác, nhưng đầy tài hoa lướt nhanh trên các sợi mây, tre để tạo hình, ghép dáng cho mâm.

Thấy có khách đến chơi, già Lúy đon đả mời chào, rồi chạy vội vào trong nhà lấy chiếc mâm mây màu bồ hóng ngả ra giữa sân mời nước. Vừa trao chén trà cổ thụ nóng hổi, già Lúy vừa vui vẻ: Với người Hà Nhì, chiếc mâm mây là vật dụng không thể thiếu trong các dịp lễ trọng, như lễ hội Khô già già, tết Thiếu nhi, tết Nguyên đán, thì phải có chiếc mâm mây để bày lễ vật trong nhà, ngoài công viên (khu sinh hoạt chung ngoài trời của cộng đồng người Hà Nhì, dùng làm nơi cúng bái thần linh) để dâng cúng lễ vật. Hay như mỗi khi có khách đến nhà, mang mâm mây ra mời rượu, mời chè cũng là tỏ lòng thịnh tình, hiếu khách.

Già Lúy còn giới thiệu thêm, làm mâm mây rất kỳ công, để đan một chiếc mâm mây, người thạo nghề như già cũng phải mất 8 - 10 ngày mới hoàn thành trong điều kiện đã đủ các nguyên liệu, còn người mới học nghề phải mất đến cả tháng. Đó là còn chưa kể công đoạn chuẩn bị nguyên liệu phải chuẩn bị trước đó mấy tháng. Do nguyên liệu đều từ tự nhiên, như mây, trúc, tre, giang, nên ngày trước, những người làm mâm phải lên tận rừng xa tìm kiếm, chọn cây già, dẻo, dai chắc nhất trong rừng. Việc khai thác cây cũng phải chọn từ mùa thu trở đi, bởi nếu chọn vào mùa hè, mưa nhiều, cây lúc đó ngậm nước dễ bị mối mọt.

Nguyên liệu thô được mang từ rừng về, người làm mâm sẽ cắt khúc thành những kích thước mong muốn, rồi chẻ, tước, vuốt để có sợi nan tròn, dẹt, dài, ngắn tùy ‎ý sử dụng cho từng bộ phận. Rồi lại trăn trở hong lửa, hong gió qua tháng tháng, ngày ngày để sợi đan được dẻo dai, bền chắc.

3.jpg

Ngồi nghe già Lúy kể chuyện, tôi cũng phần nào hình dung sự kỳ công, tỉ mẩn của người đan mâm và có dịp ngắm kỹ chiếc mâm mây được ví như linh hồn của dân tộc Hà Nhì. Mâm có chân hình trụ với một chiếc mặt mâm cỡ lớn, nhìn nghiêng tựa như chiếc trống đồng. Sự xinh đẹp nằm ở những nốt đan trên các bộ phận đế, thân, vành và mặt mâm.

Đầu tiên, phải đan vành mâm, sau đó là chân mâm và sau cùng là đan mặt mâm. Mỗi bộ phận sẽ dùng những nguyên liệu khác nhau và cách đan cũng khác nhau. Chân mây được đan bằng các nan tre, giang hoặc mai theo kiểu đan hình chữ “x” dọc thân. Vành mâm được đan bằng mây theo kiểu đan nong 2, tạo thành những mảng xoắn bện chắc chắn. Mặt mâm đan ba lớp bằng các nan tre, trúc, mai chẻ bản to, đan chéo 6 nan, sao cho mỗi nốt đan là hình lục giác, nhìn xa như những bông hoa được xếp kề nhau. Đây là công đoạn khó nhất, đòi hỏi người đan phải tỉ mẩn và khéo léo, nếu không cẩn thận thì không thể ghép kín bàn mâm với chân mâm được. Điều này đòi hỏi người đan phải thật khéo tay và có sự tính toán hợp lý thì vòng của chân, thân và mặt mâm mới khớp nhau. Trước khi đan phải chuốt nan trúc và dây mây thật bóng thì chiếc mâm thành phẩm mới đẹp. Sau khi việc đan lát hoàn thành, người ta sẽ treo mâm lên gác bếp, để mâm ngậm bồ hóng, vừa tạo nên màu nâu đẹp, lại giúp mâm bền chắc, không bị mối mọt.

Đau đáu nghề cha ông

Tôi mê mải “sống” trong câu chuyện nghề của người Hà Nhì; đôi tay già Lúy vẫn lướt đều trên những que đan dưới ánh điện loang loáng, giọng âm vang về những ngày xưa cũ, mà không hay trời đã ngả về đêm. Hơi lạnh bắt đầu ngập tràn, già Lúy đưa tôi vào nhà trong. Bếp củi đã được nhen lên tự lúc nào, than hồng rực một góc. Qua ánh lửa, tôi có dịp chiêm ngưỡng “kho báu” của già. Xung quanh bếp là những chiếc mâm có mặt tròn xoe như chiếc trống đồng. Già Lúy tự hào về kho báu này lắm, vừa giới thiệu với tôi, đôi mắt ông vừa ánh lên lấp lánh.

a4.png

Không ai biết chiếc mâm mây và nghề đan mâm mây có từ khi nào, chỉ biết rằng những người đã sống “xưa như Trái Đất” ở “xứ mưa” này như già Lúy cũng từng đặt câu hỏi ấy với ông bà, cha mẹ mình, nhưng đều nhận được cái lắc đầu, ai cũng bảo rằng khi bắt đầu biết cầm dao, những cậu bé Hà Nhì đã được dạy vót nan mây, nan tre và học nghề từ những người đàn ông lớn tuổi trong gia đình. Có lẽ khi người Hà Nhì in dấu chân trên mặt đất, thì nghề đan mâm mây đã xuất hiện và gắn chặt với họ như cuộc sống của họ gắn chặt với rừng xanh.

Tôi tò mò vì việc đan mâm mây chỉ có đàn ông đảm nhiệm, liệu có điều kiêng gì không, hay phụ nữ không khéo tay, cần mẫn bằng cánh mày râu? Già Lúy bảo, phụ nữ Hà Nhì cũng khéo tay lắm, nhưng họ cũng đã đủ bận với các việc gia đình, đồng áng rồi, nên những người đàn ông thường đảm nhiệm việc này.

Thời già Lúy, đàn ông ai cũng biết đan mâm mây. Những lúc nông nhàn, vào mùa khô, làng trên xóm dưới rủ nhau đi rừng lấy cây mây, cây tre để làm nguyên liệu vui như trảy hội. Ai cũng mong có chiếc mâm truyền thống bền đẹp nhất để dùng trong gia đình và còn làm quà để tặng cho những người thân quen. Vậy nhưng, xã hội ngày càng hiện đại, khi cuộc sống con người hối hả với nhiều mối bận tâm, trong khi đan mâm mây tiêu tốn nhiều thời gian, đòi hỏi sự cần mẫn, thì nhiều người già dần quên nghề cũ, còn người trẻ cũng không mặn mà học nghề xưa.

Cùng với đó, đồ dùng công nghiệp chiếm ưu thế, những chiếc mâm mây được biến tấu làm bằng nhôm vừa nhẹ, vừa dễ cọ rửa, giá thành lại rẻ. Trong khi giá mâm nhôm chỉ vài trăm nghìn, thì mâm đan mây thủ công có giá từ 1,5 đến 2,5 triệu đồng tùy kích cỡ.

a5.png

Già Lúy nhìn sâu vào bếp lửa, giọng chầm chậm: “Bây giờ đã không còn nhiều người đan mâm mây, cả Y T‎ý người đan mâm mây hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay, như ông Ly Hờ Suy, Chu Thó Se, Phu Giờ Lù, Sò Giờ Vù, Ly Ché Đo. Thanh niên bây giờ cũng có ít người theo học đan lát, có người học biết đan rồi nhưng không thực hành nên dần quên hết. Lớp người chúng tôi mà về với tổ tiên thì có lẽ nghề đan mâm sẽ không còn ai biết đến. Người Hà Nhì mà không dùng chiếc mâm của mình thì còn đâu là người Hà Nhì nữa”. Nói rồi già Lúy thở dài. Tiếng thở như của ngàn xưa vọng lại khiến người nghe cũng thấy có phần nuối tiếc.

Đem trăn trở của già Lúy trao đổi với ông Phạm Văn Tâm, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bát Xát, chúng tôi được biết trong định hướng bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa cổ, nghề đan mâm mây của dân tộc Hà Nhì được đưa vào các chương trình, dự án nhằm tạo sinh kế cho người dân, đặc biệt gắn việc phát triển các nghề với phát triển du lịch cộng đồng. Như ở xã Y Tý gắn với định hướng phát triển du lịch, các bản người Hà Nhì cổ như Lao Chải, Choản Thèn sẽ được tập trung bảo tồn, phát huy nghề truyền thống, bằng cách trình diễn, truyền dạy, tạo hướng phát triển thu nhập, để giữ mãi những nghề xưa.

Khép lại câu chuyện về nghề cổ, đôi bàn tay chai sạn vì nương rẫy, vì tuổi tác nhưng đầy tài hoa làm nên những chiếc mâm mây với họa tiết, hoa văn đẹp mắt của già Lúy như sợi chỉ buộc nối quá khứ, hiện tại và tương lai cứ trở đi, trở lại trong tôi. Mong rằng sẽ có thêm nhiều sợi chỉ mới, nhiều sắc màu mới lưu giữ nghề xưa, thổi hồn vào văn hóa bản địa, vào sản phẩm thủ công truyền thống.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Giao lưu tình thơ - nhạc

Giao lưu tình thơ - nhạc

Sáng 1/12/2024, Chi hội Thơ và Chi hội Âm nhạc (Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lào Cai) tổ chức chương trình giao lưu Tình thơ - nhạc.

Khám phá không gian văn hoá Tây Bắc tại thủ đô

Khám phá không gian văn hoá Tây Bắc tại thủ đô

Chiêm ngưỡng 100 bức chân dung của người dân vùng cao trên giấy Dó, khám phá tập tục, văn hoá của người Thái qua các thiết kế sắp đặt cùng show trình diễn thị giác là những trải nghiệm thú vị khi người dân đến với triển lãm thị giác Tây Park - Ngàn tổ chức tại Area 75 Art & Auction, 75 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong những ngày này.

Hà Nội khẳng định vị thế là một 'kinh đô ẩm thực'

Hà Nội khẳng định vị thế là một 'kinh đô ẩm thực'

Hà Nội có nền ẩm thực nổi tiếng lâu đời, nơi có nhiều món ăn độc đáo. Lễ hội Ẩm thực Hà Nội 2024 với sự tham gia của hơn 80 gian hàng, với những món đặc sản của Hà Nội, các vùng miền, món ăn quốc tế hấp dẫn, Hà Nội khẳng định vị thế là một “kinh đô ẩm thực”.

Chương trình truyền hình thực tế: Cuốn hút từ điểm nhấn văn hóa Việt

Chương trình truyền hình thực tế: Cuốn hút từ điểm nhấn văn hóa Việt

Thời gian gần đây, các chương trình truyền hình được “làm mới” bởi dàn nghệ sĩ nổi tiếng và đặc biệt là sự phô diễn độc đáo của một số loại hình âm nhạc truyền thống. Hay giới thiệu các điểm đến lịch sử, danh lam thắng cảnh… đã lan tỏa mạnh mẽ văn hóa Việt đến với cộng đồng.

Hệ giá trị quốc gia, văn hóa và gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới

Hệ giá trị quốc gia, văn hóa và gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới

Ngày 28/11, tại thành phố Việt Trì, Tỉnh ủy Phú Thọ phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn vùng Trung du và miền núi phía bắc”.

Tranh dân gian Việt: Hồn xưa, sắc mới

Tranh dân gian Việt: Hồn xưa, sắc mới

Tranh dân gian Việt Nam, từ lâu đã gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần người dân. Những dòng tranh như Đông Hồ, Hàng Trống, Làng Sình, Kim Hoàng không chỉ là sản phẩm nghệ thuật mà còn chứa đựng những thông điệp về nhân sinh quan, tín ngưỡng và phong tục. Trong dòng chảy hiện đại, tranh dân gian đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi sự đổi mới để tồn tại và tiếp tục khẳng định giá trị trong đời sống đương đại.

Trăn trở giữ nghề truyền thống

Trăn trở giữ nghề truyền thống

Ở một góc nhỏ trong thôn người Nùng Dín ở xã Nấm Lư, huyện Mường Khương vẫn có đôi tay miệt mài, chăm chỉ cầm kim khâu và chỉ thêu, may vá mỗi ngày với trái tim yêu văn hóa truyền thống, đam mê nghề thủ công của dân tộc mình.

Khai mạc Ngày hội Sách và Tuổi trẻ Lào Cai năm 2024

Khai mạc Ngày hội Sách và Tuổi trẻ Lào Cai năm 2024

Ngày 26/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố Lào Cai, Thư viện tỉnh Lào Cai phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thông thành phố Lào Cai, Thành đoàn Lào Cai và Công ty TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ KBS Việt Nam (viết tắt là Công ty KBS Việt Nam) tổ chức Ngày hội Sách và Tuổi trẻ Lào Cai năm 2024.

22 tác phẩm đoạt giải ảnh nghệ thuật "Tự hào một dải biên cương"

22 tác phẩm đoạt giải ảnh nghệ thuật "Tự hào một dải biên cương"

Cuộc thi và Triển lãm ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia “Tự hào một dải biên cương” nhằm quảng bá vẻ đẹp tự nhiên nên thơ, hùng vĩ cũng như những nét văn hóa độc đáo của đồng bào vùng biên, khắc họa cuộc sống, lao động, sinh hoạt, rèn luyện chiến đấu của quân và dân khu vực biên cương Tổ quốc, góp phần khơi dậy, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc…

fbytzltw