Năm 2010, thôn Ky Công Hồ được Nhà nước đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt, trong đó có 1 bể chứa nước. Tuy nhiên, hiện bể chứa này đã bị đập bỏ do xuống cấp. Cùng với đó, toàn bộ hệ thống dẫn nước của công trình cũng bị bỏ hoang, dẫn đến hư hỏng không thể sửa chữa hoặc tái sử dụng được. Nguyên nhân dẫn đến công trình bị bỏ hoang và xuống cấp là do hiệu quả sử dụng không cao, địa hình dốc, chia cắt, dân cư không tập trung.
Để giải quyết tình trạng “khát” nước sinh hoạt, người dân trong thôn đã tự đầu tư mua ống dẫn để “nối” nước từ các khe về nhà. Nhiều đường ống dẫn chỉ bằng ngón tay cái, kéo chằng chịt như mạng nhện, vắt vẻo qua các hẻm núi, cột điện, ruộng bậc thang... Tuy nhiên, đường ống dẫn nước đều bằng nhựa, chỉ dùng được một thời gian ngắn là bị gãy, đứt.
Anh Chảo Láo San ở thôn Ky Công Hồ cho biết: Gia đình phải mua gần 500 m đường ống nhựa để “nối” nước từ khe về nhà nhưng nguồn nước này chỉ đủ phục vụ sinh hoạt hằng ngày và vào mùa khô cũng phải dùng rất tiết kiệm.
Chị Chảo Líu Pèng ở cùng thôn cũng cho hay: Do nhà ở xa khe nước nên đường ống dẫn nước dài (khoảng 1 km) dẫn đến bị gấp khúc, thậm chí vỡ ống trong quá trình sử dụng. Không có tiền mua ống thay thế nên tôi thường xuyên phải buộc dây cao su để “hàn” chỗ ống bị vỡ.
Qua trao đổi với anh Chảo Láo Sử, Trưởng thôn Ky Công Hồ chúng tôi được biết, hầu hết ống dẫn nước của người dân có đường kính nhỏ, bằng nhựa nên rất dễ bị dập nát, vỡ… Ngoài ra, do khoảng cách xa, nhiều đường ống thường xuyên bị gấp khúc dẫn đến tắc nước và hư hỏng liên tục, người dân mất nhiều thời gian và công sức sửa chữa. Ngoài ra, vào mùa khô, nguồn nước khan hiếm nên thường xuyên xảy ra tranh chấp, thậm chí không ít trường hợp còn cắt hoặc rút ống dẫn ra khỏi nguồn nước khiến nhiều người bức xúc.
Đồng chí Tẩn Láo Sử, Bí thư Đảng ủy xã Tòng Sành cho biết: Cấp ủy đảng, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn vệ sinh các nguồn nước hiện có trên địa bàn. Hiện tại, xã đã được phê duyệt đầu tư mới một công trình cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tuy nhiên, cần sự đồng thuận cao của người dân thì mới có thể triển khai được, tránh tình trạng làm xong lại bỏ hoang như công trình trước. “Cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể cùng vào cuộc, vận động người dân tham gia những phần việc đối ứng, đồng thời bầu ra nhóm quản lý để chủ động trong việc bảo quản, vận hành công trình sau này. Có như vậy, người dân thôn Ky Công Hồ sẽ không phải nhọc nhằn “nối” nước từ các khe về nhà” - Bí thư Đảng ủy xã Tòng Sành Tẩn Láo Sử nói.