Quay về E-magazine Theo dõi Báo Lào Cai trên Google News
Nậm Mả - xã có 2 thôn

Nậm Mả - xã có 2 thôn

Với 2 thôn, Nậm Mả là xã có ít thôn nhất không chỉ của huyện Văn Bàn mà cả của tỉnh. Địa bàn rộng, dân cư thưa, lợi thế phát triển kinh tế hầu như không có gì nổi bật là những thách thức mà cấp ủy đảng, chính quyền và người dân nơi đây phải đối mặt trên chặng đường thu hẹp khoảng cách phát triển với các xã trên địa bàn huyện.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từ khi tuyến đường Tằng Loỏng - Khe Lếch thông xe, người dân Nậm Mả có điều kiện đi lại, giao thương thuận lợi hơn, nhưng để rút ngắn khoảng cách phát triển với mặt bằng chung của huyện Văn Bàn thì vẫn còn xa.

2-4353.jpg

Tuyến đường như một ranh giới vô hình ngăn cách giữa một bên là thị tứ Võ Lao sầm uất, một bên là Nậm Dạng, Nậm Mả còn nhiều khó khăn. Đón chúng tôi ở đường bê tông đầu thôn, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Nậm Mả Giàng A Khảo nói vui: Từ Võ Lao vào đây như một thế giới khác, ngoài kia phố xá nhộn nhịp bao nhiêu thì vào đây tĩnh lặng bấy nhiêu.

Nậm Mả ở cái khoảng cách không xa mà cũng chẳng gần trong những chuyến công tác của chúng tôi, bởi vậy mà ít khi chúng tôi nán lại mảnh đất này. Cũng phải mấy năm trời, nay tôi mới trở lại đây, khu vực trung tâm đã có nhiều đổi thay, trụ sở xã nay được xây kiên cố bề thế với khoảng sân rộng nhìn ra con suối và cánh đồng, bên cạnh là trụ sở công an xã đang xây dựng.

3-3573.jpg

Nậm Mả trước đây có 4 thôn, gồm Nậm Trang, Nậm Hu, Nậm Mả và Tà Chủ. Trải qua nhiều lần sáp nhập rồi chia tách các thôn, đến nay xã còn lại 2 thôn là Nậm Trang và Nậm Mả đặt theo tên của 2 dòng suối. Trung tâm xã là thôn Nậm Mả, còn đi theo tuyến đường bê tông hướng về phía xã Nậm Dạng là thôn Nậm Trang.

Bí thư Đoàn Thanh niên xã - Giàng A Khảo ngỏ ý đưa tôi đi một vòng quanh xã để hình dung rõ hơn về mảnh đất và cuộc sống người dân nơi đây. Tuyến đường bê tông ngược theo dòng Nậm Trang đưa chúng tôi từ trung tâm xã đến các khu dân cư xa xôi nằm rải rác từ ven suối kéo đến lưng chừng núi.

Nậm Mả giáp ranh với Nậm Chày, Liên Minh, Nậm Dạng, Võ Lao, Phú Nhuận, tiếng là xã nhỏ có 2 thôn nhưng xã có diện tích tự nhiên rộng tương đương với Võ Lao, chỉ có điều dân thưa nên theo quy định phải sáp nhập các thôn. Theo đường bê tông qua các khu dân cư người Mông ở Nậm Mả vẫn phảng phất đâu đó pha trộn không gian sinh sống của người Tày, ấy là nhà sàn, đồi cọ.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nậm Mả - Vù A Trùng cho biết: Nậm Mả có 256 hộ, 1.367 nhân khẩu, gồm 4 dân tộc, trong đó dân tộc Mông chiếm 99%. Trước đây, Nậm Mả cũng có nhiều người Tày sinh sống, sau khi người Mông nơi đây di cư từ nhiều địa phương trong tỉnh như Bắc Hà, Si Ma Cai, Sa Pa đến thì người Tày chuyển dần ra khu vực Võ Lao, Văn Sơn ở vùng đất thấp hơn, nhiều cánh đồng màu mỡ. Tên đất, tên suối đã được đặt theo tiếng Tày vẫn được giữ nguyên.

4-6104.jpg

Hôm chúng tôi đến Nậm Mả đúng đợt cơn lũ quét lịch sử vừa tràn qua. Những người sống lâu năm ở đây cũng không thể tưởng tượng được cơn lũ lại xảy ra trên dòng suối quanh năm hiền hòa, lại càng khó giải thích hơn nữa khi thời điểm diễn ra lại không phải vào mùa mưa như quy luật. Dẫu sao điều may mắn nhất là không có thương vong xảy ra.

Một tuần sau khi cơn lũ đi qua nhưng sức tàn phá ghê gớm của nó vẫn hiện rõ trên những cánh đồng phủ đầy cát sỏi, trên những ngấn nước lưng nhà. Mảnh đất vốn đã nghèo khó nay lại phải gánh chịu thiên tai, dường như trời đất cũng muốn thử thách thêm ý chí, nghị lực của những người dân nơi đây. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nậm Mả - Vù A Trùng tâm sự: Hậu quả cơn lũ có thể nặng nề hơn nếu những năm qua người dân nơi đây không bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng trên địa bàn.

5-8760.jpg

Trước đây, người Mông di cư về Nậm Mả thường sống ở trên cao, tập quán canh tác chủ yếu là phát rừng, trồng ngô, lúa nương, diện tích rừng ngày càng thu hẹp kéo theo đó là nguồn nước ngày càng khan hiếm.

Những năm tháng quẩn quanh trong nghèo khó đã thôi thúc người dân nơi đây phải chuyển hướng sang sản xuất nông nghiệp bền vững hơn đó là cấy lúa nước và trồng rừng. Nhờ thế, đã hình thành những khu dân cư ở vùng thấp hơn, những khu vực trước đây bỏ hoang khi đất canh tác bạc màu đã được bà con phủ xanh bằng những đồi quế, màu xanh đang dần trở lại.

Bà Giàng Thị Phi, Trưởng thôn Nậm Trang cho biết: Thôn có 138 hộ, những năm gần đây cây quế được bà con phát triển mạnh, nhiều hộ nhờ thu hoạch quế mà xây được nhà mới, có điều kiện cho con cái đi học các trường chuyên nghiệp.

Một mô hình nông nghiệp sản xuất hàng hóa mới cũng được thai nghén là mô hình trồng khoai sọ địa phương. Những hiệu quả kinh tế bước đầu đã tạo niềm tin để bà con nhân rộng. Xã đã thành lập được hợp tác xã để liên kết sản xuất và làm đầu mối cung ứng giống, phân bón, bao tiêu sản phẩm cho người dân.

6-60.jpg

Bà Giàng Thị Hà, thành viên hợp tác xã, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nậm Mả cho biết: Sản phẩm khoai sọ Nậm Mả đã được đánh giá đạt OCOP 3 sao. Đây là điều kiện thuận lợi để mở rộng thị trường, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.

Cùng với thi đua phát triển kinh tế, những năm qua, người dân Nậm Mả tích cực tham gia phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới. Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng trên chặng đường xây dựng nông thôn mới, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương luôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động tạo đồng thuận trong Nhân dân. Sự đồng thuận ấy biểu hiện rõ nhất trên những tuyến đường giao thông nông thôn được hình thành từ tinh thần tự nguyện hiến đất của bà con.

Ông Giàng A Tra, thôn Nậm Trang là một điển hình như thế. Vừa qua, Nhà nước có chủ trương mở mới tuyến đường Nậm Trang 1 dài 800 m kêu gọi bà con hiến đất, gia đình ông đã hiến gần 80 m đất dọc theo tuyến đường và chặt bỏ hàng chục cây quế 4 năm tuổi.

Ông Giàng A Tra tâm sự: Làm đường này xong, việc đi lại và vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn, mình là người được hưởng lợi nhiều nhất nên hiến đất là chuyện bình thường, trong thôn cũng có nhiều người hiến lắm, đâu phải riêng tôi. Để làm tuyến đường này, đã có 11 hộ hiến 5.087 m2 đất lâm nghiệp và 8.920 cây quế, mỡ, xoan từ 2 - 5 năm tuổi, tham gia 170 ngày công đắp lề đường.

Xã chỉ có 2 thôn nhưng công việc của cán bộ, công chức xã chẳng vì thế mà nhàn hơn so với các xã khác.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nậm Mả - Vù A Trùng

Những tuyến đường liên thôn, nội đồng đang tiếp tục được nâng cấp, mở rộng, đường kết nối từ xã Nậm Mả ra xã Võ Lao cũng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, mở thêm những cánh cửa mới để người dân Nậm Mả rộng đường kết nối, trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã - Vù A Trùng chia sẻ: Xã chỉ có 2 thôn nhưng công việc của cán bộ, công chức xã chẳng vì thế mà nhàn hơn so với các xã khác. Riêng việc làm sao để đạt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã là một thử thách, đến nay xã đạt 9 tiêu chí, nếu năm nay đạt thêm 6 tiêu chí như đăng ký thì vẫn còn 4 tiêu chí phải phấn đấu, trong đó có những tiêu chí rất khó như thu nhập, hộ nghèo... Tuy nhiên, điều đáng mừng là chúng tôi đã tìm thấy những dư địa tạo nên sự đổi thay cho quê hương, đó là những mô hình sản xuất hàng hóa đang hình thành hoặc những tuyến đường thênh thang đang dần hoàn thiện…

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Tập huấn kỹ năng tổ chức sản xuất kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch cộng đồng

Bảo Yên: Tập huấn kỹ năng tổ chức sản xuất kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch cộng đồng

Ngày 22/4, Hội Nông dân tỉnh Lào Cai tổ chức lớp tập huấn kỹ năng sản xuất kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch cộng đồng cho gần 140 đại biểu là cán bộ, hội viên nông dân tiên tiến; chủ trang trại, tổ kinh tế hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn huyện Bảo Yên.

Hiệu quả quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi thủy sản

Hiệu quả quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi thủy sản

Thành bại của nuôi thủy sản phụ thuộc nhiều vào chất lượng nguồn nước tự nhiên. Đồng hành với người nuôi thủy sản, tỉnh Lào Cai chú trọng công tác quan trắc, cảnh báo môi trường nước trên địa bàn, phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất, phòng ngừa dịch bệnh thủy sản, góp phần phát triển nuôi hiệu quả, bền vững.

Hái chè cổ thụ vụ xuân ở Tả Củ Tỷ

Hái chè cổ thụ vụ xuân ở Tả Củ Tỷ

Tháng Tư hằng năm là thời điểm người dân xã Tả Củ Tỷ, huyện Bắc Hà bắt đầu vào vụ thu hoạch lứa búp chè cổ thụ đầu tiên trong năm. Họ phải vượt núi, băng qua những cánh rừng, trèo lên cây chè cổ thụ cao vài mét để hái từng búp chè xanh non mơn mởn.

Cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu gạo

Cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu gạo

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam hiện ở mức 578 USD/tấn. Trong khi đó, gạo cùng chủng loại của Thái Lan đã giảm sâu trong tuần qua, xuống mức thấp hơn so với Việt Nam, đạt 575 USD/tấn, còn gạo của Pakistan là 587 USD/tấn. Thị trường gạo thế giới vẫn đang tiếp tục ghi nhận nhiều biến động từ cả phía các quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu gạo.

Chắc chắn hoàn thành mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng

Chắc chắn hoàn thành mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng

Mặc dù mới qua nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 nhưng có thể khẳng định mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng chắc chắn hoàn thành. Để làm rõ nội dung này, phóng viên Báo Lào Cai đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Quang Vĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngăn chặn sâu đo hại quế lây lan ra diện rộng

Ngăn chặn sâu đo hại quế lây lan ra diện rộng

Hiện nay, tại một số địa phương như Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn có sâu đo gây hại mạnh trên cây quế với mật độ phổ biến 30 - 100 con/cây, cục bộ có nơi đến 200 con/cây. Ngành chức năng và các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn, không để sâu lan ra diện rộng.

fb yt zl tw