7 giờ, rất đông người đã có mặt tại Nhà văn hóa phường Bắc Cường (thành phố Lào Cai) để dự lễ mừng thọ các cụ từ 70 tuổi trở lên. Năm nay, phường Bắc Cường tổ chức mừng thọ cho 174 người cao tuổi. Mở đầu buổi lễ là chương trình văn nghệ do Hội Người cao tuổi phường biểu diễn, sau đó lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường ôn lại truyền thống “kính lão đắc thọ” của dân tộc, chúc mừng và tặng quà người cao tuổi. Tại buổi lễ, con cháu của các cụ có mặt rất đông, trên tay họ cầm bó hoa, gương mặt ánh lên vẻ rạng ngời, tự hào vì gia đình có thành viên “đắc thọ”.
Cụ Nguyễn Thị Vui ở tổ 8, phường Bắc Cường là 1 trong 2 cụ 100 tuổi có mặt tại lễ mừng thọ do phường Bắc Cường tổ chức. Tuổi đã cao nhưng cụ Vui vẫn khỏe mạnh, thi thoảng bị đau xương khớp nhẹ. Cụ có 10 người con và 60 cháu, chắt. Cụ Vui chia sẻ, kinh nghiệm sống lâu là nhờ ăn uống khoa học, chịu khó tập một số động tác thể dục hít thở và luôn sống vui vẻ, lạc quan.
Con trai cụ Vui - ông Nguyễn Duy Sửu - tự hào: Gia đình chúng tôi 4 thế hệ chung sống hòa thuận trong cùng một ngôi nhà. Cứ cuối tuần, các anh em trong gia đình lại tập trung đông đủ để ăn uống, chuyện trò cho mẹ vui. Mẹ là tấm gương, là chốn yên bình, sợi dây kết nối để các con, cháu tìm về.
Đầu năm 2024, thị trấn Khánh Yên (huyện Văn Bàn) cũng tổ chức mừng thọ cho 57 người cao tuổi. Xúc động trước sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương dành cho người cao tuổi, cụ Đỗ Tín Nhiệm (75 tuổi) bày tỏ sẽ tích cực tham gia phong trào thi đua “Tuổi cao - gương sáng”, xứng đáng với 18 chữ vàng “Tuổi cao, chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” mà Đảng và Nhà nước đã phong tặng người cao tuổi…
Những năm qua, công tác chăm lo cho người cao tuổi luôn được các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh quan tâm, nhất là tổ chức mừng thọ các cụ từ 70 tuổi trở lên. Năm 2024, toàn tỉnh tổ chức mừng thọ cho hơn 6.000 người cao tuổi, cùng với đó là các hoạt động quan tâm, chăm lo cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn dịp tết Nguyên đán. Đây là nguồn động viên, khích lệ người cao tuổi tiếp tục phát huy trí tuệ, tích cực tham gia các hoạt động của hội và vận động gia đình, con cháu tích cực học tập, lao động sáng tạo, đóng góp công sức xây dựng quê hương, đất nước. Nhiều hoạt động, phong trào, cuộc vận động được triển khai hiệu quả có sự góp sức tích cực của người cao tuổi tại các địa phương, như xây dựng nông thôn mới, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Tuổi cao - gương sáng”...
Không rõ phong tục mừng thọ chính xác có từ bao giờ nhưng đã được lưu truyền từ đời này sang đời khác và tồn tại cho đến ngày nay. Mừng thọ là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, ăn quả nhớ người trồng cây, cũng như sự kính trọng người già, hiếu nghĩa, biết ơn với ông bà, cha mẹ. Điều này cũng thể hiện sự quan tâm của xã hội với người cao tuổi, thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm. Những người già rất vui khi được con cháu mừng tuổi trong ngày tết. Đặc biệt, đối với người Việt Nam, người tuổi càng cao càng được kính trọng.
Trước đây, những người từ 50 đến 60 tuổi đã tổ chức mừng thọ nhưng ngày nay, tuổi thọ trung bình cao hơn nên những người tuổi tròn chục từ 70 trở lên mới tổ chức mừng thọ. Trong tâm thức dân gian của người Việt, mỗi người sinh ra đều mong muốn đạt được “ngũ phúc” là “phúc”, “lộc”, “thọ”, “khang”, “ninh”, trong đó “thọ” là yếu tố khó nắm bắt nhất nên cũng là điều mọi người mong muốn nhất. Tuổi thọ là điều quý giá nhất của đời người mà không phú quý nào sánh bằng.