Một số nội dung quan trọng của Chỉ thị 35
Chỉ thị 35 đề ra 7 yêu cầu, gồm: (1) Công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp. (2) Lãnh đạo tổ chức thảo luận thật kỹ lưỡng, sâu sắc, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, định hướng lớn nêu tại dự thảo các văn kiện Đại hội XIV của Đảng và đại hội đảng bộ cấp trên. (3) Công tác nhân sự phải bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, cấp ủy. (4) Công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử phải thực hiện đúng nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm đồng bộ, tổng thể, liên thông, chặt chẽ, dân chủ, khoa học, khách quan, công tâm, minh bạch, trách nhiệm giải trình... (5) Có cơ chế, tiêu chí sàng lọc hiệu quả để không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài... (6) Đoàn đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên. (7) Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội, phải thường xuyên làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, nhất là công tác thông tin, tuyên truyền...
Về nội dung đại hội đảng bộ các cấp, chỉ thị đưa ra yêu cầu thực hiện 4 nội dung: (1) Tổng kết thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 và xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ 2025 - 2030; (2) Thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIV của Đảng và văn kiện đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp; (3) Bầu ban chấp hành đảng bộ nhiệm kỳ 2025 - 2030; (4) Bầu đoàn đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên.
Chỉ thị cũng nêu rõ, những nơi thực sự có khó khăn về công tác chuẩn bị nhân sự, được cấp ủy có thẩm quyền đồng ý thì đại hội với 3 nội dung, chưa tiến hành bầu cấp ủy khóa mới.
Đối với việc chuẩn bị văn kiện đại hội và tổ chức thảo luận các dự thảo văn kiện, chỉ thị quy định dự thảo văn kiện của cấp ủy trình đại hội gồm 2 báo cáo chủ yếu là báo cáo chính trị của đảng bộ và báo cáo kiểm điểm của cấp ủy. Việc xây dựng và đóng góp ý kiến vào văn kiện phải phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc; có hình thức phù hợp, thiết thực để lấy ý kiến các đồng chí cán bộ lão thành, cán bộ nguyên lãnh đạo, giới trí thức, nhà khoa học, chuyên gia và ý kiến tham gia, góp ý, hiến kế của cán bộ, đảng viên, Nhân dân. Có kế hoạch tuyên truyền về dự thảo báo cáo chính trị trên các phương tiện thông tin đại chúng để Nhân dân tham gia đóng góp ý kiến. Các cấp ủy chuẩn bị dự thảo nghị quyết đại hội để đại hội thảo luận, quyết định...
Về công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy, chỉ thị nêu rõ việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự cấp ủy khóa mới phải quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 26 ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; tiêu chuẩn cán bộ nêu tại Quy định số 89 ngày 4/8/2017, Quy định số 214 ngày 2/1/2020 của Bộ Chính trị khóa XII và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước...
Một số điểm mới cơ bản trong Chỉ thị số 35
Về cơ bản, thực hiện bố trí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND ở các cấp. Thực hiện bố trí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở cấp huyện, cấp xã đối với những nơi có đủ điều kiện (địa phương có quy mô hợp lý; nhân sự có phẩm chất, năng lực, uy tín, có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao; được ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh đồng ý). Phấn đấu đổi mới không dưới 1/3 tổng số cấp ủy viên trong mỗi nhiệm kỳ. Thực hiện cơ cấu 3 độ tuổi trong cấp ủy các cấp và phấn đấu thực hiện trong ban thường vụ, thường trực cấp ủy. Tiếp tục thực hiện phân công, bố trí công tác mới hoặc giới thiệu ứng cử ở địa phương, cơ quan, đơn vị khác đối với các đồng chí bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương trở lên đã giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp (từ 8 năm trở lên) tại 1 địa phương, cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, Chỉ thị số 35 điều chỉnh một số nội dung so với nhiệm kỳ đại hội trước.
Việc quán triệt, học tập, nghiên cứu Chỉ thị 35 ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị cùng với các văn bản chỉ đạo liên quan là rất cần thiết, bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội XIV của Đảng, tạo tiền đề để đất nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới.