Theo chân anh Lý Văn Nội, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô, tôi đã khám phá 2 trong số những thác nước ấy và thực sự ấn tượng trước vẻ đẹp tự nhiên của chúng.
Điểm đến đầu tiên trong hành trình khám phá những “mạch nguồn” của người Tày nơi đây là thác Vắng Kheo ở bản Thâm Mạ. Để đến được thác nước này, chúng tôi đã phải đi bộ hơn 1 km từ chỗ gửi xe máy.
Sau khoảng 20 phút thử thách bản thân bằng việc luồn lách, leo trèo men theo dòng nước, chúng tôi đã được chiêm ngưỡng thác nước tuyệt đẹp và khá nguyên sơ. Thác có 3 tầng nhưng mỗi tầng cách nhau một đoạn đường, phải leo ngược dốc. Đứng trước tầng thác thứ 2, cảm nhận những giọt nước mát lạnh bung lên từ dòng thác, mọi mệt mỏi, nóng bức vì quãng đường vừa leo như tan biến.
Trước mắt tôi là “non nước hữu tình”, ẩn sau những tán cây, dòng nước trắng xóa đổ xuống như dải lụa, tiếng nước ào ào kết hợp với tiếng chim rừng ríu rít đâu đây tạo nên những thanh âm rất riêng của núi rừng, khiến ai đặt chân đến đều không muốn rời đi.
Chúng tôi không lên tầng thác trên cùng bởi rất khó leo, lại hẹp. Người dân nơi đây cũng thường tới 2 tầng thác dưới. Những tầng thác này vừa đẹp, lại có vũng nước sâu và to ngay dưới chân thác. Đó là nơi tuyệt vời cho những ai muốn tắm mát, bơi lội để giải nhiệt.
Những ngày hè oi ả, người dân đi làm nương, chăn trâu quanh vùng thường tranh thủ vào thác Vắng Kheo để lấy nước uống, tắm mát hoặc nghỉ ngơi, thư giãn dưới những gốc cây dưới chân thác.
Cũng theo anh Nội, trong tiếng Tày, Vắng là vũng, Kheo là sâu, trong lành. Người dân nơi đây gọi là thác Vắng Kheo, ý muốn nói rằng, thác nước này có vũng nước sâu và nguồn nước trong lành. Vậy nên dù ở khá xa khu dân cư nhưng nhiều người dân trong vùng vẫn làm đường ống dẫn nước từ thác về để sử dụng. Nguồn nước ngọt lành này đã nuôi lớn bao thế hệ người Tày nơi đây.
Sau thác Vắng Kheo, chúng tôi tiếp tục khám phá và chiêm ngưỡng thác bản Hốc - điểm dừng chân lý tưởng của du khách khi tới Nghĩa Đô. Thác bản Hốc thuộc địa phận bản Hốc, cách trung tâm xã Nghĩa Đô khoảng 2 km. Đường vào thác bản Hốc không khó như thác Vắng Kheo.
Theo chân cán bộ xã dẫn đường, tôi vừa được ngắm những cánh đồng đang vào vụ cấy, được hòa mình vào không gian bản làng của người Tày với những ngôi nhà sàn truyền thống tựa lưng vào núi.
Ông Ma Văn Quyết, 59 tuổi, sinh ra và lớn lên ở bản Hốc cho biết, thác bản Hốc bắt nguồn từ rừng già, chảy len lỏi qua những cây cổ thụ, ghềnh đá, uốn lượn qua nhiều vạt rừng rồi mới đổ xuống. Núi đá hai bên tạo thành một vòm cung tựa như cửa thác để dòng nước chảy xuống. Dưới chân thác là vũng nước sâu, trong vắt và mát lạnh.
Tôi sống ngay gần thác bản Hốc nên từ nhỏ thường xuyên cùng mọi người trong bản tới đây chơi và tắm thác. Mùa đông thì thôi, chứ mùa hè, ngày nào đi chăn trâu về cũng vào thác tắm, rồi bắt cua, cá suối về để mẹ nấu món ngon đổi bữa. Bây giờ, bọn trẻ, thanh niên trong bản cũng vậy. Nhiều thế hệ người Tày đã lớn lên nhờ dòng nước này.
Dưới ánh nắng mặt trời rọi xuống, tôi có thể quan sát thấy cả những đàn cá nhỏ bơi lượn dưới đáy. Thác nước chảy xuống tạo thành dòng suối nhỏ len lỏi qua những ghềnh đá rồi chảy ra dòng Nậm Luông, trở thành nguồn nước tưới cho những cánh đồng lúa, rau màu của người dân.
Hành trình khám phá những “mạch nguồn” của người Tày ở Nghĩa Đô của tôi phải tạm dừng vì trời đột nhiên đổ mưa rào. Người dẫn đường - anh Lý Văn Nội nói vui: Những cơn mưa rào mùa hạ ở Nghĩa Đô vẫn thoạt đến và thoạt đi như vậy. Đó cũng là đặc trưng của vùng đất này.
Vắng Kheo và bản Hốc là 2 trong số 5 thác nước (còn có thác Thung, thác Đôi và Phạ Phân) ở 4 bản của xã Nghĩa Đô. Đó chính là những “mạch nguồn” ngọt lành, trong mát đã nuôi dưỡng thể chất, bồi đắp tâm hồn bao thế hệ người Tày nơi đây. Các thác nước này cũng là những điểm đến hấp dẫn cho những người thích trải nghiệm, khám phá thiên nhiên hoang sơ, kỳ vỹ và hòa mình vào cuộc sống cộng đồng của mảnh đất thơ mộng, hữu tình, giàu bản sắc bên dòng Nậm Luông.
Nội dung: Hoàng Thương
Trình bày: Khánh Ly