Xã Minh Lương có địa hình phức tạp, độ chia cắt lớn. Đồi, núi cao chiếm khoảng 75% tổng diện tích tự nhiên toàn xã. Đặc biệt, hầu hết diện tích của xã nằm bên sườn Tây của 2 dãy núi Kao Đảm và Vàng Lừu nghiêng theo hướng từ Tây Bắc xuống Nam. Vì vậy, toàn bộ khu dân cư đều nằm ở cuối các khe suối chảy từ trên núi xuống trước khi nhập vào suối Chăn - con suối lớn nhất góp phần tiêu thoát lũ cho các xã thượng huyện Văn Bàn. Do đặc điểm địa hình nên hằng năm, vào mùa mưa, các khe, suối thường có lũ ống, lũ quét xảy ra với cường độ lớn, gây nhiều thiệt hại về tài sản của người dân cũng như hạ tầng ở các thôn, bản.
Đặc biệt, trên địa bàn xã còn tình trạng người dân đào, đãi vàng trái phép ở một số khu vực sườn núi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá cao khi có mưa, lũ... Điều này càng đặt ra cho địa phương những khó khăn trong phòng, chống thiên tai.
Ở xã Minh Lương, khi nhắc đến hậu quả do mưa, lũ gây ra, nhiều người chưa hết bàng hoàng khi nhắc đến 2 đợt mưa lũ lịch sử năm 2013 và năm 2021 xảy ra trên địa bàn. Đợt thứ nhất xảy ra từ ngày 5 đến 11/9/2013. Khi ấy, vấn nạn khai thác vàng trái phép tại khu vực núi rừng Xanh, rừng Vầu diễn ra phức tạp. Mặc dù trước khi có mưa lớn, chính quyền địa phương đã rà soát, truy quét, đẩy đuổi lao động ở các bãi vàng xuống chân núi tránh trú nhưng nhiều người vẫn cố tình ở lại. Vậy nên khi xảy ra mưa lũ trong nhiều ngày liên tiếp đã khiến 12 người tử vong do sạt núi.
Đợt mưa lũ thứ hai là vào rạng sáng ngày 17/4/2021, lũ ống trên thượng nguồn suối Nậm Liệp đổ về tràn qua thôn Minh Hạ 1, cuốn theo đất, đá, cây cối, làm hư hỏng 25 nhà dân, chết hàng nghìn con gia súc, gia cầm và hư hỏng 50 xe máy của người dân. Đặc biệt, lũ ống đã làm 3 người chết và 1 người mất tích.
Thời gian qua, xã Minh Lương đã tập trung khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra với kinh phí hàng chục tỷ đồng, như khắc phục các tuyến đường giao thông nông thôn tại thôn 2 Minh Chiềng, thôn 3 Minh Thượng và thôn 2 Minh Hạ; hỗ trợ xử lý các điểm sạt lở, đảm bảo giao thông tại các tuyến đường liên thôn trên địa bàn xã; đầu tư khắc phục hậu quả lũ, bão đối với các công trình kè bảo vệ người và tài sản, gồm 2 điểm tại thôn Minh Hạ 1 và công trình thủy lợi Nà Cúm...
Theo đánh giá của UBND xã Minh Lương, trên địa bàn xã đang tồn tại 2 điểm có nguy cơ sạt lở lớn tại thôn Minh Thượng 1 và Minh Thượng 2, ảnh hưởng đến 54 hộ. Tại các điểm này, sườn núi đã có vết nứt với chiều dài khoảng 450 m, chiều rộng từ 20 cm đến 2 m, độ lún sâu 20 cm đến 10 m. Nguyên nhân là khu vực này trước đây có nhiều hầm lò khai thác vàng đã khoét sâu vào lòng núi khiến nền địa chất yếu và sau những trận mưa lớn, bề mặt đỉnh đồi bị tách ra. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn 1 điểm có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ ống, với 5 hộ ở thôn Minh Hạ 1 nằm trong vùng nguy hiểm.
Ông Ngô Quang Trung, Chủ tịch UBND xã Minh Lương cho biết: Ngay từ đầu mùa mưa lũ, chính quyền xã đã rà soát các điểm có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Xác định được những bất cập, khó khăn đang đặt ra cho công tác phòng, chống thiên tai, cấp ủy đảng và chính quyền địa phương đã xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai với phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”. Tuy nhiên đến nay, việc di dời các hộ trong vùng nguy hiểm vẫn chưa thực hiện được, do thiếu kinh phí và chưa tìm được quỹ đất sắp xếp dân cư và hầu hết các hộ vì điều kiện kinh tế khó khăn nên không muốn chuyển đến nơi ở mới.
Việc di chuyển, sắp xếp dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm tại Minh Lương đặt ra rất cấp thiết. Nếu chỉ phụ thuộc vào nguồn lực của xã và người dân địa phương thì việc triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả do thiên tai sẽ rất khó khăn. Huyện Văn Bàn và các sở, ban, ngành của tỉnh cần kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ xã thực hiện các phương án phòng, chống thiên tai, tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.