Đó là lời chào của chị Phương Mai, mở đầu cho mỗi clip đăng trên mạng xã hội. Nụ cười hiền hậu, chất phác, trang phục giản dị và chất giọng ngọt ngào, hình ảnh chị Phương Mai trở nên quen thuộc với đông đảo người sử dụng mạng xã hội khi thường xuyên đăng các clip giới thiệu về nét đẹp của cuộc sống vùng cao và nông sản Tây Bắc. Không phải ai cũng biết, cô gái này vốn là người Hải Dương, về làm dâu tại xã Trịnh Tường (huyện Bát Xát).
Tôi biết chị Phương Mai lần đầu qua lời kể cách đây hơn 3 năm của anh Tẩn Tường Nhân - YouTuber người dân tộc Dao. Chị Phương Mai là người yêu mà anh Nhân quen khi đăng tải các clip làm thiện nguyện lên YouTube. Khi đó, chị Mai đang làm việc tại Singapore, nhưng chỉ sau 28 ngày trò chuyện qua mạng xã hội, anh đã sang tận đất nước xa xôi để gặp và đưa về Bát Xát, làm con dâu của người Dao đỏ. Từ đó, chị Mai sống ở vùng đất mới như người bản địa.
Sau khi tốt nghiệp ngành Việt Nam học, Trường Đại học Thành Đô, chị Phạm Thị Phương Mai sang Singapore làm việc trong lĩnh vực du lịch, khách sạn khoảng 4 năm. Xa quê hương, sau một thời gian làm việc, chị dành thời gian cuối ngày để lên mạng xã hội tìm hiểu, theo dõi thông tin về Việt Nam và vô tình xem được kênh YouTube “Trịnh Tường TV”. Hình ảnh chàng trai người Dao hiền lành, chất phác một mình đi làm thiện nguyện và tự quay lại hành trình đó đã chạm đến trái tim chị. Không dừng lại ở sự mến mộ, chị chủ động, mạnh dạn nhắn tin cho anh Nhân: “Em muốn làm con dâu của bố anh thì phải làm như thế nào?”. Đáp lại tin nhắn của chị, anh Nhân nhắn đùa: “Em không cần phải làm gì cả, cứ ở đó, gia đình anh sẽ đến đón”.
Chưa đầy 1 tháng trò chuyện, 2 người đã tìm được nhiều điểm chung. “Dù chưa từng gặp anh Nhân ở ngoài đời, nhưng tôi cảm phục những việc anh đã làm. Chỉ nhìn hình ảnh, nghe lời anh nói, tôi đã nghĩ đây là người đồng hành mà mình tìm kiếm và tôi muốn được làm những việc ý nghĩa đó cùng anh”, chị Mai nhớ lại cảm xúc của nhiều năm trước.
Không còn là tin nhắn đùa, anh Nhân đã biến lời nói thành hành động. Sau gần 1 tháng trò chuyện, anh sang Singapore gặp chị. Tháng 12/2019, anh đón chị Mai lên xã Trịnh Tường. Những trở ngại về văn hóa, môi trường sống và cả ngôn ngữ không cản trở được tình yêu của anh chị, họ cùng nhau tiếp tục hành trình lan tỏa “việc tử tế”.
Tò mò về cô gái đặc biệt mà anh Nhân kể, cuối năm 2021, tôi quay lại Trịnh Tường và gặp được chị Mai. Đó là một buổi trưa, sau giờ tan học, chúng tôi đến Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trịnh Tường (Bát Xát) đón Sẩu, Chải và Sua - 3 em nhỏ mồ côi được vợ chồng chị Mai giúp đỡ. Từ đây, tôi thêm cảm phục những hành động nhân văn của anh chị. Trên mảnh đất vùng cao còn nhiều mảnh đời bất hạnh, anh chị đã đồng hành gieo trồng “hạt giống yêu thương” và lan tỏa những giá trị tốt đẹp.
Như người mẹ, chị Phương Mai chỉ dạy các em từng việc nhỏ, từ quét nhà, nấu ăn đến giặt giũ quần áo. Đến với nhau bởi cảm phục lòng tốt, chị Mai cùng anh Nhân tiếp tục việc làm thiện nguyện. Có lúc chị trở thành người trò chuyện với các em nhỏ, khi lại trở thành quay phim để anh Nhân khuân vác đồ nặng hoặc giúp bà con dựng nhà. Thông qua kênh YouTube mà cả hai cùng thực hiện, hàng trăm nhà hảo tâm không chỉ trong nước mà cả kiều bào ở Đức, Mỹ, Hàn Quốc… đã liên hệ để hỗ trợ các em nhỏ, bà con dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Chị Mai, anh Nhân đã trở thành cầu nối giúp đỡ hàng chục gia đình ở vùng cao xây nhiều ngôi nhà cho người neo đơn, trẻ mồ côi; dành nhiều suất học bổng cho trẻ em nghèo vượt khó; giúp đỡ hơn 1 nghìn học sinh có nước nóng sử dụng qua 3 công trình nước nóng ủ trấu vào mùa đông.
Chị Phương Mai chia sẻ thêm: Mong muốn của 2 vợ chồng không chỉ là cầu nối giữa các nhà hảo tâm với những hoàn cảnh khó khăn mà còn vững vàng về kinh tế để chủ động giúp đỡ được những mảnh đời bất hạnh.
Cùng chồng làm thiện nguyện, giúp đỡ bà con vùng cao có hoàn cảnh khó khăn đã tạo điều kiện để chị Phương Mai đến những bản làng, gặp gỡ nhiều người. “Tôi thấy bà con ở vùng cao có nhiều nông sản đặc hữu nhưng người dân luôn vất vả tìm đầu ra cho sản phẩm. Bà con chỉ mang nông sản ra chợ truyền thống bán cho người dân trong vùng, lượng bán ra được rất ít. Trong khi đó, nhu cầu dùng nông sản sạch của người dân ngày càng cao”, chị Phương Mai cho hay.
Từng chứng kiến cảnh bà con trong xã phải đổ đi hàng trăm tấn sâm đất bị hỏng chỉ vì thương lái không mua, chị càng có thêm quyết tâm tìm hướng tiêu thụ nông sản cho bà con. Với suy nghĩ đó, chị đã lập kênh Tiktok và fanpage facebook với tên gọi Mai Tây Bắc. Trên kênh của mình, chị vừa chia sẻ về cuộc sống, những trải nghiệm của mình tại vùng cao, vừa kết hợp giới thiệu nông sản Tây Bắc.
Trực tiếp lên rừng, lên nương, trèo đèo, lội suối, chị quay và đăng tải lên kênh của mình các clip ghi lại những hình ảnh chân thực, sống động, giúp người xem như được tận mắt trải nghiệm cuộc sống của đồng bào vùng cao. Nhiều sản vật, món ăn hấp dẫn của Tây Bắc như mật ong, thịt lợn đen, rau muống muối chua, cá nướng tỏi ớt... thông qua kênh của chị được nhiều người dân trong và ngoài nước biết tới. Hiện tại, mật ong rừng, mỡ lợn đen bản, thịt trâu sấy, chẳm chéo là những mặt hàng chị Mai bán quanh năm cho khách hàng cả nước.
Đến nay, kênh Tiktok của chị đã có hơn 413 nghìn người theo dõi, mỗi lượt livestream thu hút hàng nghìn lượt xem và tương tác.
Bên cạnh giới thiệu nông sản địa phương, cách kể chuyện đầy năng lượng tích cực, sự chân chất và nụ cười luôn nở trên môi của chị Mai để lại nhiều ấn tượng cho người xem. Trong tương lai, chị mong có thể mở rộng thị trường nông sản, tạo được thương hiệu cho các mặt hàng, thêm việc làm cho người dân địa phương và tiếp tục cùng chồng thực hiện các dự án thiện nguyện.