Mặc dù sinh 2 con gái, chồng là con trưởng trong gia đình nhưng năm 2016, vợ chồng chị Tẩn Thị Sửu (thôn Cốc Ngù, xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương) đã chủ động thực hiện kế hoạch hóa gia đình, ký cam kết không sinh thêm con. Gia đình chị Sửu cũng là hộ đầu tiên của xã được nhận hỗ trợ từ Nghị quyết số 39 của Chính phủ.
Cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn nên vợ chồng tôi quyết định không sinh thêm con để có điều kiện chăm sóc các con tốt hơn. Sau đó, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ 2 triệu đồng. Từ số tiền này, gia đình mua lợn giống về nuôi, kinh tế dần phát triển và thoát nghèo.
Từ năm 2015 đến nay, trên cơ sở rà soát, xác minh và lập hồ sơ, UBND huyện Mường Khương đã ban hành quyết định hỗ trợ kinh phí cho 544 phụ nữ dân tộc thiểu số được hưởng chính sách theo Nghị định số 39, với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Chính sách này đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của đa số người dân, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về kế hoạch hóa gia đình có chuyển biến rõ rệt. Hiện nay, tỷ lệ sinh con thứ 3 của huyện là 12,4% (giảm gần 8% so với năm 2015), đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên…
Tại Bắc Hà, UBND huyện và ngành y tế cũng tích cực triển khai, tuyên truyền chính sách dân số tới người dân. Huyện hiện có 11/17 xã, có 240 người đã được hỗ trợ theo Nghị định số 39.
Ông Ly Seo Sẩu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bắc Hà cho biết: Chúng tôi lập danh sách theo dõi phụ nữ cam kết không sinh con thứ 3 theo từng năm. Nếu trường hợp nào vi phạm, chúng tôi sẽ thu hồi tiền hỗ trợ và nộp lại vào ngân sách.
Chỉ tính riêng năm 2022, toàn tỉnh đã có 88 người được hỗ trợ theo Nghị định số 39 với tổng số tiền 176 triệu đồng. Dự kiến trong năm 2023, toàn tỉnh có 161 người được hỗ trợ theo chính sách này. Số tiền hỗ trợ tuy không lớn nhưng là nguồn động viên để phụ nữ dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách và có thêm động lực để chăm sóc, nuôi dạy các con tốt hơn.
Thực tế cho thấy, việc thực hiện Nghị định số 39 đã mang lại kết quả, góp phần nâng cao chất lượng dân số, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn tỉnh, đồng thời tăng tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại trong độ tuổi sinh đẻ, giảm tỷ suất sinh, đặc biệt là phụ nữ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe, tập trung phát triển sản xuất, nuôi dưỡng và chăm sóc con tốt hơn.
Tuy nhiên, trong thực hiện Nghị định số 39 vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Lý Văn Xa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Khương, tập tục sinh đẻ của đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao, miền núi có nhiều khác biệt so với người dân ở đồng bằng. Từ khi triển khai Nghị định số 39, huyện Mường Khương đã có 41 trường hợp bị thu hồi tiền hỗ trợ do vi phạm chính sách.
Nguyên nhân là do trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, chưa hiểu biết đầy đủ về chính sách của Nhà nước; tư tưởng sinh nhiều con, sinh con trai nối dõi vẫn còn. Trong thời gian tới, các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các dịch vụ về kế hoạch hóa gia đình; chi đúng, chi đủ, kịp thời cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số.
Để thực hiện tốt Nghị định số 39, cán bộ làm công tác dân số cần giải thích cho người dân hiểu rõ các nội dung của nghị định này, tập trung vào các đối tượng chưa đồng ý nhận kinh phí hỗ trợ, nhất là các đối tượng đã sinh 2 con, giúp họ hiểu được lợi ích của việc sinh con đúng chính sách dân số và các chế độ hỗ trợ.
Theo Nghị định số 39, phụ nữ người dân tộc thiểu số hoặc phụ nữ là người Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn (trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc) khi sinh con đúng chính sách dân số sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/người trong tháng đầu sau sinh con. Người thụ hưởng tự nguyện cam kết bằng văn bản không sinh thêm con nếu vi phạm phải hoàn trả kinh phí hỗ trợ.