Giải Báo chí toàn quốc về Quốc hội và HĐND (Giải Diên Hồng) lần thứ 2, năm 2024 khép lại với Lễ trao giải trang trọng đúng dịp kỷ niệm 78 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2024). Tại buổi lễ, tỉnh Lào Cai được xướng tên 2 lần trên thảm đỏ với 1 giải Khuyến khích và 1 giải B.
Với chúng tôi, nhóm tác giả của tác phẩm “Những đại biểu hội đồng nhân dân “cởi trói” cho phụ nữ Hà Nhì” được giải B gồm Tô Dung - Tuấn Ngọc, đơn vị Báo Lào Cai, thì đó là kỷ niệm khó phai. Không chỉ là giây phút hạnh phúc được vinh danh, mà ngay cả chặng đường tìm kiếm, thực hiện đề tài cũng là những dấu ấn khó quên trong cuộc đời làm báo.
Ở Lào Cai, dân tộc Hà Nhì có gần 5.000 người, nằm trong nhóm dân tộc có dân số ít nhất tỉnh, chỉ sinh sống ở một số xã vùng cao, biên giới của huyện Bát Xát.
Còn nhớ lần đầu đến những bản làng Hà Nhì, tôi cứ mãi “ám ảnh” về thân phận người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi, bị phân biệt đối xử bởi quan niệm “trọng nam, khinh nữ”. Cũng như tôi, nhiều người đặt chân đến các bản Hà Nhì phải thốt lên, sao giữa xã hội hiện đại này, phụ nữ Hà Nhì vẫn khổ và vất vả như thế? Họ không chỉ là lao động chính trong gia đình, mà còn phải oằn lưng gánh bao hủ tục nặng nề từ xưa để lại.
Người Hà Nhì quy định con dâu không được ngồi ngang hàng cùng người đàn ông lớn tuổi hơn trong gia đình chồng. Do đó, dù ngồi ăn cơm, uống nước hay bất cứ hoạt động nào khác khi cùng mâm với người lớn tuổi, phụ nữ đều phải đứng, rất vất vả, tủi cực.
Đâu chỉ có việc “làm dâu ăn cơm đứng”, phụ nữ Hà Nhì phải cáng đáng hầu hết công việc trong gia đình từ việc nhỏ đến nặng nhọc. Cùng với đó, trẻ em nữ Hà Nhì không được đi học chữ. Do đó, phụ nữ dân tộc Hà Nhì được học hết bậc THPT, học lên trung cấp, cao đẳng, đại học được coi là của hiếm, thậm chí là “chuyện lạ”.
Một hủ tục nữa trong cộng đồng Hà Nhì là đối xử rất nặng nề đối với những cô gái trót mang thai khi không có chồng hoặc lỡ “ăn cơm trước kẻng”. Những cô gái này sẽ bị làng phạt vạ; khi sinh con, phải ra bìa rừng làm lán để sinh con, hơn 1 tháng sau mới được về nhà. Người Hà Nhì quan niệm, phụ nữ chửa hoang, chửa trước khi lấy chồng sẽ mang những điều đen đủi, không may mắn cho cả làng...
Làm nghề hay đi, tôi đã có cả trăm lần ngược xuôi các bản làng Hà Nhì thuộc các xã Nậm Pung, A Lù, Y Tý, Trịnh Tường, A Mú Sung. Hình ảnh những cô gái Hà Nhì chịu nhiều thiệt thòi bị “trói buộc” với hủ tục cứ trở đi trở lại. Nhiều khi tôi chua chát nghĩ “Đừng sinh con là con gái Hà Nhì!”.
Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống đồng bào Hà Nhì ngày càng no ấm, trong đó có sự đóng góp của các cán bộ, đảng viên, của các đại biểu HĐND các cấp. Họ như những ngọn đuốc soi đường cho cộng đồng mình trên con đường phát triển và văn minh.
Khi Báo Lào Cai phổ biến thể lệ Giải Diên Hồng lần thứ 2 và yêu cầu các phóng viên triển khai thực hiện, chúng tôi đã đưa ra nhiều đề tài ở các lĩnh vực khác nhau. Sau khi bàn đi, tính lại, chúng tôi quyết định đến với vùng đồng bào Hà Nhì, tìm hiểu về sự đổi thay ở mỗi bản làng, trong đó tập trung vào vai trò của những nữ đại biểu HĐND các cấp là người Hà Nhì. Các nhân vật được lựa chọn đưa vào loạt phóng sự 4 kỳ là những đại biểu tiêu biểu cấp xã, huyện tỉnh. Mỗi người có một cách làm, nhưng tựu chung đều vì sự tiến bộ, văn minh của cộng đồng.
Trong quá trình thực hiện đề tài, chúng tôi đã đến những bản làng xa xôi nhất nơi có đồng bào Hà Nhì sinh sống, như thôn Tả Gì Thàng (xã Y Tý), thôn Kin Chu Phìn 2 (xã Nậm Pung), thôn A Lù 2 (xã A Lù). Ở những nơi xa xôi ấy, gánh trên vai trọng trách là “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân, được Nhân dân gửi niềm tin, những nữ đại biểu HĐND người Hà Nhì đang nỗ lực tìm cách “cởi trói” cho người phụ nữ Hà Nhì khỏi những hủ tục để họ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Những nữ đại biểu HĐND người Hà Nhì đang tích cực cống hiến vì sự đổi thay của cộng đồng, xứng đáng với niềm tin và trọng trách được “Dân tin - Đảng cử”.
Do tập quán sinh sống quần cư ở tận trên núi cao. Thêm vào đó, giao thông Bát Xát xuống cấp, những con đường lở loét, lổng chổng đá hộc, lở loét ổ voi, ổ gà là những thử thách rất lớn đối với tác giả. Đó là còn chưa kể, dịp thực hiện tác phẩm vào cuối tháng 11/2023, nền nhiệt vùng cao xuống thấp đến vài độ C. Giá rét khiến hành trình càng thêm gian khó. Tuy nhiên, ngày 5/12 là hết hạn nhận tác phẩm dự thi, nên chúng tôi cứ nhằm nơi lạnh giá mà đi. Mỗi xã chúng tôi dành trọn một ngày, cố gắng đi sớm hơn và về muộn, để kịp tiến độ thực hiện.
Còn nhớ chuyến đi đến Y Tý - xã khó khăn và xa nhất của Bát Xát. Đường từ thị trấn huyện đến trung tâm xã dài như “một miền cổ tích”. Gói ghém công việc của một ngày cũng là 18 giờ, chúng tôi vội vã ra về như chạy đua với thời gian, bởi lo nhất là khi trời tối mà phải đi trong sương mù thì sẽ khó khăn vô cùng.
Rời Y Tý được khoảng hơn chục km ra đến đoạn rừng già, trời đã tối om. Thêm khoảng hơn chục cây nữa, trời phủ một màu sương khói. Đã nhiều lần tác nghiệp trở về gặp khung thời tiết như vậy, nên chúng tôi rất có kinh nghiệm, trước tiên là phải hạn chế tốc độ đến 5 km/h; bám sát vào lề đường bên phải, phía ta-luy dương lấy bờ cỏ xanh xanh làm chuẩn (bởi con đường này không có hệ thống lan can phản quang) tránh đi chệch sang bên trái có thể rơi xuống vực bất cứ lúc nào. Trong đêm đông, con ngựa “sắt” cứ lầm lũi, chúng tôi nín thở căn từng mét đường. Cứ thế, hơn 4 tiếng “vật vã”, chúng tôi cũng về đến nhà an toàn.
Trong câu chuyện về tấm gương những nữ đại biểu HĐND người Hà Nhì, chúng tôi còn phản ánh sự quan tâm của tỉnh Lào Cai đối với công tác cán bộ người dân tộc thiểu số nói chung, người Hà Nhì nói riêng và các giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND người Hà Nhì nơi vùng cao, biên giới.
Sau nhiều ngày hồi hộp chờ đợi qua các vòng sàng lọc, sơ khảo, chung khảo, Ban tổ chức đã trao giải cho 79 tác phẩm trong số 2.679 tác phẩm của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương tham gia dự thi. Niềm vui như vỡ òa khi “Những đại biểu hội đồng nhân dân “cởi trói” cho phụ nữ Hà Nhì” được giải B. 1 trong 3 nhân vật của loạt bài là chị Chu Gì Xú, Chủ tịch Hội Phụ nữ A Lù, đại biểu HĐND xã A Lù, đại biểu HĐND tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2021 - 2026 được chọn là nhân vật tiêu biểu của giải, được giao lưu tại buổi trao giải và nhận quà tặng của Chủ tịch Quốc hội. Nhóm tác giả đoạt giải B của Lào Cai cũng được chọn ghi hình về quá trình thực hiện phóng sự đoạt giải phát trên sóng Truyền hình Việt Nam và phát tại buổi lễ trao giải.
Trong buổi lễ nhận giải giữa Thủ đô Hà Nội, cùng với lời động viên của bạn bè, gia đình, đồng nghiệp, nhóm tác giả Tô Dung - Tuấn Ngọc còn nhận được sự quan tâm của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và lãnh đạo cơ quan với sự hiện diện tại lễ nhận giải chúc mừng nhóm tác giả. Những bó hoa tươi thắm, cái bắt tay thật chặt là món quà vô giá mà nhóm tác giả được đón nhận.
Trong niềm hạnh phúc, mỗi tác giả tự hứa sẽ tiếp tục hành trình, dù đó là những bản xa, nơi còn nhiều gian khó, để kịp thời phản ánh, đưa đến cho độc giả thông tin chính xác nhất, để làm dày thêm truyền thống báo chí tỉnh Lào Cai.