Cốc Phương đang mùa thu hoạch dứa, trên trục đường chính vào thôn nay đã rải nhựa, chúng tôi gặp những chiếc xe tải chở đầy dứa quả chuẩn bị đưa về nhà máy chế biến.
Đi giữa đồi dứa thơm ngào ngạt, những thanh âm tươi vui từ nông dân với thành quả thu được sau một năm lao động vất vả khiến chúng tôi cũng vui lây. Dẫu đối mặt với nhiều thăng trầm, cuộc sống của người dân nơi đây vẫn đang gắn chặt với cây dứa. Mỗi vụ mùa thắng lợi sẽ có thêm những căn nhà xây khang trang, thêm tích lũy để ổn định cuộc sống lâu dài trên dải đất biên giới.
Giờ đây, Cốc Phương trở thành một danh từ để người ta nói đến ý chí vượt khó vươn lên làm giàu của đồng bào các dân tộc vùng biên giới Mường Khương. Nhắc lại ký ức ngày đầu đến định cư ở mảnh đất này, nhiều người dân Cốc Phương vẫn thấy như câu chuyện mới xảy ra hôm qua.
Thời điểm ấy, cái tên Cốc Phương còn xa lạ với ngay cả những người trong huyện, bởi thôn nằm cách xa trung tâm, giao thông cách trở, lại nằm sát biên giới, như cách biệt với bên ngoài.
Đã lâu không vào Cốc Phương, chúng tôi mường tượng nhà của “vua dứa” Thào Dìn hẳn là một trong những căn biệt thự to đẹp nhất nơi đây. Vì thế, thật ngạc nhiên khi ông vẫn ở trong căn nhà xây cấp 4.
Vẫn bộ quần áo cũ đã sờn vải, đôi tay hằn những vết sẹo bởi gai dứa, ông bảo “vua dứa” hay “tỷ phú” gì đó ở đâu gọi chứ mình mãi vẫn là nông dân vùng cao quanh năm gắn bó với nương đồi.
Chúng tôi đã đọc về ông qua báo chí đã nghe nhiều người kể về ông nhưng được ngồi nghe người đàn ông ấy kể về cuộc đời mình mới thấy trong đó chất chứa bao nhiêu nỗi niềm.
Đôi mắt thoáng buồn khi nhớ lại thuở niên thiếu gian khó ở Dìn Chin - nơi ông sinh ra. Mảnh đất khô khát nhìn đâu cũng toàn núi đá sắc nhọn khiến bao thế hệ người Mông nơi đây nghèo đói.
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ các xã cùng đặc biệt khó khăn, giúp bà con dân tộc thiểu số định canh, định cư, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã động viên các hộ ở vùng cao Dìn Chin chuyển về sinh sống tại thôn biên giới Cốc Phương.
Thào Dìn cùng 34 hộ người Mông khác là những người tiên phong đi theo tiếng gọi của Đảng. “Lo ở nơi mới chưa kịp ổn định, không có gì ăn, mình đã đi trước trồng một vụ ngô để sau khi cả nhà xuống định cư còn có cái thu hoạch” - ông Dìn kể.
Ngày mới xuống định cư ở Cốc Phương, Thào Dìn sang bên kia biên giới làm thuê đổi công lấy gạo nuôi vợ con. Chính ông và nhiều người dân Cốc Phương đi bẻ dứa thuê, gùi từng gùi dứa nặng trĩu lưng. Đêm nằm Thào Dìn trăn trở, người ta chỉ cách mình một con suối, đồi núi của họ cũng chẳng khác đồi núi của mình thế mà họ làm giàu hết cây dứa sang cây chuối, còn dân bản mình bao năm vẫn nghèo đói phải sang làm thuê.
Thào Dìn vừa làm vừa quan sát, học hỏi kỹ thuật trồng dứa nhất là cách pha chế thuốc sinh học để kích thích quả dứa phát triển to đều và đẹp. Khi tin chắc mình cũng sẽ trồng được dứa như họ, Thào Dìn dành dụm số tiền công làm thuê mua dứa giống.
Vụ đầu tiên (cuối năm 1994), Thào Dìn mua hơn 1 vạn gốc dứa rồi huy động vợ con anh em gùi lên đồi trồng. Khi dứa bén rễ, ông thuê người trong thôn làm cỏ, bón phân theo đúng quy trình đã học được.
Hơn 1 năm sau, khi đồi dứa cho quả chín, Thào Dìn khấp khởi mừng vì ông nhẩm tính một vạn gốc sẽ được 5 tấn dứa, giá dứa thời điểm đó là 1.000 đồng/kg, 5 tấn quả sẽ bán được 5 triệu đồng. Nhưng mùa thu hoạch đến, một trở ngại lại đến bởi lúc đó từ trung tâm xã vào Cốc Phương chỉ có đường mòn, xe tải không thể vào tận đồi để mua. Thế là ông phải thuê người gùi từng gùi dứa nặng đi vài cây số mới bán được. Trừ chi phí đầu tư, tiền công còn lại chẳng lãi được bao nhiêu.
Vụ thứ hai ông dành dụm hết số tiền trong nhà, rồi mượn thêm tiền tăng thêm 1 vạn gốc nữa, nhưng hình như ông trời muốn thử lòng người. Khi vừa thu hoạch 10 tấn dứa thì trời đổ mưa liên tục khiến phần lớn dứa chín bị thối. Vụ ấy, Thào Dìn lỗ hơn 10 triệu đồng.
Khó khăn một thì Thào Dìn lại cố gắng gấp 5 gấp 10 lần. Năm tiếp theo Thào Dìn bàn với vợ vay thêm tiền ngân hàng mua 3 vạn gốc dứa giống. Vụ này, Thào Dìn tính toán kỹ thời điểm trồng để dứa chín đúng thời điểm không gặp thời tiết bất lợi. Dứa được mùa lại được giá, nhờ vậy ông vừa trả được hết nợ lại vẫn có tiền để đầu tư vụ sau.
Những năm 2010, Cốc Phương trở thành điểm sáng về mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, các đoàn lãnh đạo trung ương đến thăm và làm việc tại tỉnh đều muốn trực tiếp đến đây để chứng kiến kỳ tích mà họ mới chỉ được biết đến trên báo chí.
Có dịp theo các đoàn công tác này, chúng tôi cũng thầm tự hào bởi quê hương mình có những con người tài giỏi như Thào Dìn. Sau cây dứa, Thào Dìn cũng học hỏi kỹ thuật trồng chuối mô và áp dụng thành công ở dải đất ven suối Cốc Phương, Na Lốc.
Khởi đầu từ Cốc Phương, giờ tất cả các thôn ở Bản Lầu đều trồng dứa, chuối, trở thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa với hơn 1.500 ha. Mỗi năm mang về cho người dân hàng chục tỷ đồng, Cốc Phương giờ không còn hộ nghèo, 70% là hộ khá, giàu. Vùng biên giới ấm no giúp bà con yên tâm cùng bộ đội biên phòng bảo vệ đường biên mốc giới.
Thôn Cốc Phương là nơi ghi dấu điểm kết nghĩa đầu tiên trên tuyến biên giới Việt - Trung và cũng là một điểm sáng trong thực hiện kết nghĩa thôn bản hai bên biên giới. Từ khi thực hiện kết nghĩa tháng 8/2013, giữa thôn Cốc Phương và tổ Tam Bình Bá (huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bà con hai bên biên giới luôn gắn kết. Nhân dân hai bên thường xuyên động viên nhau tự giác chấp hành các quy định về biên giới, cùng thỏa thuận giải quyết mọi vấn đề trên tinh thần xây dựng hữu nghị và hợp tác.
Vùng dứa Cốc Phương nói riêng và Bản Lầu nay đã có đầu ra ổn định khi Nhà máy Chế biến rau, quả xuất khẩu đặt tại xã Lùng Vai chính thức đi vào hoạt động. Người dân Bản Lầu bây giờ đã có thể làm chủ toàn bộ kỹ thuật từ khâu làm giống đến trồng, chăm sóc, thu hoạch.
Hy vọng về một vùng sản xuất gắn với chế biến đã trở thành hiện thực, nỗi lo được mùa mất giá của nông dân đã được giải quyết. Những dự án, chương trình hỗ trợ nâng cao giá trị sản phẩm dứa vẫn đang tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Ước mong của “vua dứa” Thào Dìn và những người từng tâm huyết, kỳ vọng đưa vùng dứa Bản Lầu vươn lên ngang tầm bất cứ một vùng sản xuất chuyên canh rau quả nào trên cả nước sẽ trở thành hiện thực trong tương lai không xa…