Dịp nghỉ lễ 2/9 năm nay, thay vì đi biển hay ra nước ngoài du lịch, gia đình anh Hoàng (thành phố Hà Nội) cùng một số người bạn đến Bát Xát - vùng đất “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” để trải nghiệm. Trên hành trình khám phá vùng đất này, anh Hoàng đã đến thăm Cột cờ Lũng Pô tại xã A Mú Sung, ngược lên xã Y Tý thăm bản người Hà Nhì với những ngôi nhà đất độc đáo, ngắm lúa vàng nơi Di tích quốc gia danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang Thề Pả, tham quan cầu Thiên Sinh - cây cầu ngắn nhất nối 2 nước Việt - Trung, rồi ngược lên thôn Ngải Thầu Hạ và Ngải Thầu Thượng (xã A Lù) hạ trại ngắm hoàng hôn giữa “biển” mây bồng bềnh, trải nghiệm nghỉ qua đêm ở độ cao trên 2.000 m so với mực nước biển.
Nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay trong nắng gió đại ngàn giữa ngày Quốc khánh (2/9), anh Hoàng cảm nhận Bát Xát quả thực là vùng đất tuyệt đẹp với núi rừng hùng vĩ, không khí mát mẻ, trong lành, có nhiều điểm cho du khách cắm trại, ngắm cảnh, trải nghiệm và hòa mình với thiên nhiên.
Trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh năm nay, tôi cho các con đi cùng để các con có những trải nghiệm mới mẻ, thêm yêu thiên nhiên, tự hào về vẻ đẹp vùng biên giới thân yêu của Tổ quốc. Được đón tết Độc lập giữa núi rừng thơ mộng là kỷ niệm khó quên.
Là du khách quen thuộc, cũng là người thường xuyên kết nối, đưa đón những đoàn khách du lịch từ khắp nơi trong cả nước đến Y Tý, anh Sơn Tùng chia sẻ: Khi đưa các đoàn khách đến Y Tý, tôi thường chọn cho khách nghỉ tại homestay nhà đất truyền thống của người Hà Nhì, thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị núi rừng, giúp họ cảm nhận nét đẹp bản sắc văn hóa của bà con nơi đây.
Y Tý không chỉ có bức tranh thiên nhiên hoang sơ, tươi đẹp hiếm có, mà còn giàu bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc như Hà Nhì, Mông, Dao. Bức tranh bản làng bình yên giữa mùa vàng gợi cho tôi nhớ lại những kỷ niệm của tuổi thơ.
Có lẽ không chỉ anh Hoàng hay anh Sơn Tùng, mà bất kỳ du khách nào đến với vùng đất biên giới Bát Xát đều có chung cảm nhận về khung trời mới với bức tranh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ và không gian văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc. Bên cạnh A Mú Sung, Y Tý hay A Lù, Bát Xát còn nhiều điểm đến khác cũng hấp dẫn du khách.
Từ Y Tý, du khách có thể xuôi dốc về Dền Sáng thăm bản người Dao đỏ, trải nghiệm tắm lá thuốc người Dao; về Mường Hum đi chợ phiên, xem điệu múa của những thiếu nữ Giáy; qua xã Sàng Ma Sáo khám phá vẻ đẹp thôn Nhìu Cồ San của người Mông; sang xã Trung Lèng Hồ ngắm thác Rồng hùng vĩ; đến Nậm Pung nếm những trái lê Tai nung căng mọng, ngọt ngào như tình người nơi đây; hoặc rẽ sang Khu du lịch quốc gia Sa Pa tiếp tục khám phá vẻ đẹp “nơi gặp gỡ đất trời”.
Trước đây, nhiều người gọi Bát Xát là “nàng công chúa ngủ trong rừng” cũng không sai, bởi vùng đất với rất nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch nhưng ít người biết tới, việc khai thác du lịch rất hạn chế. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, du lịch Bát Xát đã được “đánh thức”, đưa Bát Xát trở thành điểm đến mới hấp dẫn trên bản đồ du lịch của tỉnh và cả nước.
Trở lại câu chuyện ở xã Y Tý - nơi xa xôi nhất huyện Bát Xát nhưng là “điểm sáng” về phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Khoảng 5 năm trước, trung tâm xã Y Tý chỉ có 1 - 2 quán cơm, nhưng giờ đây các quán ăn, quán cà phê, quán tạp hóa mọc lên san sát quanh chợ. Từ vài homestay đơn giản cho du khách nghỉ qua đêm, Y Tý giờ đã có khoảng 30 homestay, có cả nhà nghỉ hiện đại, khu nghỉ dưỡng cao cấp đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Năm 2016, Y Tý đón khoảng 8.000 lượt khách nhưng đến năm 2022 đã tăng gấp 5 lần (có hơn 40.000 lượt khách tham quan), đem lại doanh thu 47,2 tỷ đồng
Tháng 7/2020, UBND tỉnh Lào Cai công bố quy hoạch Y Tý trở thành đô thị du lịch. Trong tương lai, Y Tý cũng được định hướng trở thành khu du lịch đặc sắc của tỉnh, hướng tới trở thành khu du lịch quốc gia. Đây là tiền đề quan trọng để xã đưa du lịch trở thành “mũi nhọn” trong phát triển kinh tế, giúp Nhân dân có cuộc sống ấm no.
Từ bức tranh du lịch Y Tý, nhìn rộng ra bức tranh du lịch của toàn huyện Bát Xát trong những năm gần đây có thể thấy những đổi thay rõ nét. Ông Phạm Văn Tâm, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bát Xát cho biết: Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, bức tranh du lịch của Bát Xát có nhiều khởi sắc. Công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch được quan tâm với những nghị quyết chuyên đề của tỉnh và của huyện được ban hành. Hiện nay, huyện Bát Xát đã xác định được không gian phát triển du lịch đến năm 2030 với hành lang phía Đông phát triển tuyến văn hóa tâm linh dọc sông Hồng và hành lang phía Tây tập trung đầu tư phát triển du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao gắn với du lịch sinh thái, nông nghiệp, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tài nguyên thiên nhiên. Hệ thống hạ tầng giao thông kết nối Bát Xát - Khu du lịch quốc gia Sa Pa - thành phố Lào Cai và kết nối các xã với đô thị du lịch Y Tý tương lai đang được nâng cấp, cải tạo.
Hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng mang màu sắc Bát Xát đã được định hình, hấp dẫn du khách, như sản phẩm du lịch cộng đồng, sản phẩm du lịch chinh phục các đỉnh núi cao, sản phẩm du lịch tâm linh, các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài 6 điểm du lịch cấp tỉnh đã được công nhận tại các xã Y Tý, Dền Sáng, Mường Hum, Bản Xèo, A Mú Sung, huyện đang lập hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận 5 di tích danh thắng cấp tỉnh, gồm đỉnh Lảo Thẩn, thác Ong Chúa, đỉnh Nhìu Cồ San, đỉnh Ky Quan San, đỉnh Putaleng.
Bát Xát có tiềm năng vô giá để phát triển du lịch và được tỉnh rất quan tâm chỉ đạo, định hướng, đầu tư phát triển du lịch. Nghị quyết số 36 của Tỉnh ủy về định hướng không gian phát triển kinh tế trọng tâm của huyện Bát Xát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định đưa du lịch Bát Xát trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Y Tý thành trung tâm du lịch mới của tỉnh; tốc độ tăng trưởng du lịch hằng năm đạt hơn 20%; tỷ trọng dịch vụ, du lịch trong GRDP chiếm khoảng 25%; doanh thu từ du lịch đạt hơn 6.000 tỷ đồng; tổng lượng du khách đạt hơn 1,8 triệu lượt; toàn huyện có hơn 3.000 phòng lưu trú.
Để thực hiện được mục tiêu trên, tạo ra bước đột phá trong thời gian tới, cùng với sự chủ động và nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn, huyện Bát Xát mong muốn tỉnh tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ, quan tâm đầu tư nguồn lực để phát triển du lịch. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng huyện sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá và khuyến khích các nhà đầu tư đến khai thác tiềm năng, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù độc đáo, hấp dẫn, góp phần vào sự phát triển của địa phương.