Dòng sông Nậm Thi mùa này nước lặng trôi, cầu đường sắt Hồ Kiều nối hai nước Việt - Trung đổ bóng trên mặt nước. Lần giở lịch sử, nhằm hiện thực hóa tham vọng về việc khai thác, vơ vét nguồn tài nguyên dồi dào của vùng Tây Bắc Việt Nam và vùng Tây Nam Trung Quốc phục vụ các mục đích chính trị, quân sự, cuối thế kỷ XIX, người Pháp đã nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt Điền - Việt. Đầu năm 1901, công trình được khởi công từ Hải Phòng nối đến Hà Nội tới Việt Trì, Yên Bái và thông tuyến tới Lào Cai. Ngày 1/4/1910, đường sắt Điền - Việt khánh thành.
Đây được xem là một trong những công trình vĩ đại và khó khăn nhất trong lịch sử thế giới cận đại, với chiều dài toàn tuyến 855 km, độ rộng đường ray 1.000 mm.
Lịch sử tỉnh Lào Cai (1907 - 1950) còn lưu lại những thông tin: Để làm tuyến đường này, thực dân Pháp ra sức bắt phu các tỉnh tham gia mở đường. Ước tính khoảng 20 vạn nông dân tham gia làm tuyến đường này. Máu xương, tiền của của người dân Việt Nam (trong đó có người dân Lào Cai) đã đổ xuống hơn 800 km đường sắt Hải Phòng - Vân Nam (Trung Quốc). Tuyến đường sắt giúp khoảng cách Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hải Phòng (Việt Nam) rút ngắn, người Pháp đã thu được lợi nhuận nhiều nhất so với tất cả các tuyến đường sắt mà thực dân Pháp xây dựng ở Việt Nam hồi bấy giờ.
Đối với vùng biên ải Lào Cai, đường sắt là giao thông huyết mạch, đưa Lào Cai từ vùng đất hoang sơ, hẻo lánh trở thành đô thị sầm uất, “cửa ngõ” giao thương. Những chuyến tàu ngược xuôi chạy suốt dọc dài vùng Tây Bắc đã đưa hàng nghìn người con ở khắp các miền quê đi theo tiếng gọi của Đảng lên Lào Cai xây dựng vùng kinh tế mới.
Là người đã gắn bó gần 40 năm với ngành đường sắt, ông Trần Sơn Tâm, Phó Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Lào Cai xúc động biết bao khi nhắc đến tuyến đường và công việc mà cả đời ông gắn bó. Tự trong tâm khảm ông dâng lên niềm tự hào khi được phục vụ trên cung đường huyết mạch với những chuyến tàu băng núi, vượt đèo đã đóng góp không nhỏ vào công cuộc kiến thiết và phát triển của Lào Cai hôm nay.
Không chỉ là những chuyến tàu nhộn nhịp “đi suốt bốn mùa vui”, hoạt động vận tải đường sắt trên tuyến đường này cũng có lúc trầm khi chịu ảnh hưởng bởi chiến tranh; sự cạnh tranh của các loại hình giao thông vận tải và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Sau những thăng trầm, tuyến đường sắt thế kỷ hôm nay đang đứng trước những cơ hội mới.
Trong tổng thể mạng đường sắt quốc gia, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là 1 trong 2 trục xương sống quan trọng nhất trong chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt khu vực Tây Bắc. Hôm nay, cung đường trăm năm tuổi đang mang theo khát vọng mới về sự hợp tác, phát triển của hai nước Việt - Trung.
Tuyến đường sắt Lào Cai - Hải Phòng cũ khổ rộng 1.000 mm đến nay đã lạc hậu, hạn chế về tốc độ đoàn tàu và năng lực vận tải. Phía Trung Quốc, tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn (1.435mm) Côn Minh - Hà Khẩu Bắc đã được nước bạn xây dựng xong và đưa vào khai thác đồng thời cùng tuyến đường sắt khổ 1.000mm Côn Minh - Hà Khẩu hiện có.
Theo ông Ngô Vũ Quang, Trưởng Ga Lào Cai, sự thiếu đồng bộ này khiến gia tăng chi phí vận tải, thời gian lưu thông bị trễ do phải sang tải giữa các toa tàu. Việc quy hoạch và xây dựng tuyến đường theo tiêu chuẩn quốc tế là rất cần thiết để thúc đẩy giao thương hàng hóa.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dài khoảng 380 km, đường đôi, khổ ray 1.435 mm.
Trong Tuyên bố chung của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình tới Việt Nam tháng 12/2023 có đề cập thúc đẩy xây dựng tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Cục Đường sắt Việt Nam đang tổ chức lập quy hoạch chi tiết và Ban Quản lý dự án đường sắt đang tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, trong đó đoạn đường sắt kết nối giữa Ga Lào Cai (Việt Nam) với Ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) đã được bố trí kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Sau khi thống nhất được điểm nối ray với phía Trung Quốc vào đầu năm 2024, Ban Quản lý dự án đường sắt dự kiến hoàn thành các thủ tục để khởi công xây dựng và đưa vào khai thác trong thời gian sớm nhất.
Mới đây, nhận lời mời của Cục Đường sắt quốc gia Trung Quốc, Đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải do Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam dẫn đầu đã đến thăm và làm việc tại Bắc Kinh (Trung Quốc) trong thời gian từ ngày 19/12 - 23/12/2023. Ban Quản lý Dự án đường sắt (Việt Nam) đã ký thỏa thuận hợp tác với Viện Viện Khảo sát và Thiết kế số 5 (Trung Quốc) về triển khai báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Cục Đường sắt Quốc gia Trung Quốc sẽ sớm cử đoàn công tác khảo sát, xác định điểm nối ray với phía Việt Nam. Đây là những kết quả quan trọng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiến độ các dự án đường sắt quan trọng này của tỉnh Lào Cai nói riêng và cả nước nói chung.
Việc triển khai sớm tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn (khổ rộng 1.435 mm) Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là rất cần thiết, có ý nghĩa chiến lược và là “đòn bẩy” phát triển kinh tế đối với Lào Cai và khu vực Tây Bắc. Điều đó cũng mở ra cơ hội để Lào Cai bứt phá, tiếp tục khẳng định vai trò “cửa ngõ”, trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc.