Chia sẻ về vai trò của Khu Kinh tế cửa khẩu trong thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc - ASEAN và ngược lại, ông Vương Trinh Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh cho biết: Trong những năm qua, hoạt động xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai tăng trưởng mạnh và ổn định. Trong giai đoạn 2015 - 2019, giá trị xuất - nhập khẩu duy trì mức tăng trưởng bình quân khoảng 16,5%/năm. Từ đầu năm 2020 đến cuối năm 2022, dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng mạnh đến hoạt động xuất - nhập khẩu, dẫn đến kim ngạch giảm, tuy nhiên kinh tế cửa khẩu vẫn luôn đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc - ASEAN và ngược lại, đặc biệt là đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai. Nổi bật, thu ngân sách hằng năm từ hoạt động xuất - nhập khẩu luôn chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu ngân sách của tỉnh; hằng năm thu hút khoảng 500 - 600 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động của địa phương...
Hiện nay, hạ tầng giao thông và bến bãi tại các cửa khẩu trong Khu Kinh tế cửa khẩu đã được đầu tư tương đối đồng bộ. Tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành, năm 2023 đã được đầu tư mở rộng thêm 8,7 ha dành cho tập kết phương tiện xuất khẩu, đáp ứng cho việc đậu đỗ của 500 xe xuất khẩu/ngày. Đối với xe nhập khẩu, hiện tại trong khu vực có 5 bãi tập kết, sang tải hàng hóa có diện tích khoảng 20 ha, có khả năng tiếp nhận trên 600 phương tiện/ngày.
Tại Cửa khẩu Ga đường sắt Quốc tế Lào Cai, trung bình hiện nay chạy 2 - 3 đôi tàu/ngày, nếu hàng hóa tăng thì số lượng đôi tàu hoạt động có thể cao hơn.
Kỳ vọng trong thời gian tới, sau khi cầu đường bộ bắc qua sông Hồng khu vực biên giới Bát Xát (Lào Cai, Việt Nam) - Pả Sa (Vân Nam, Trung Quốc) được xây dựng và đưa vào vận hành; tuyến đường sắt từ Ga Lào Cai đến Ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) được đầu tư nâng cấp lên khổ ray 1,435 m và xây dựng thêm làn xuất - nhập khẩu tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành từ 2 làn lên 5 làn (2 làn xuất, 3 làn nhập), khi đó năng lực vận chuyển, tiếp nhận hàng hóa qua các cửa khẩu trong Khu Kinh tế cửa khẩu sẽ được nâng cao hơn nữa, từ đó thu hút thêm được nhiều mặt hàng xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu trong Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai.
Theo Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Lào Cai sẽ là trung tâm giao thương của Việt Nam và khu vực ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc và châu Âu; là một trong những trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch, logistics, đô thị và công nghiệp của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, có khả năng gắn kết với các địa phương trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh tạo thành tuyến dịch vụ thương mại, du lịch động lực của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ với các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai được định vị phát triển thành khu vực động lực của hành lang biên giới của tỉnh, trong đó hạt nhân là khu hợp tác kinh tế qua biên giới; trọng tâm là phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, logistics, cảng cạn.
Ngày 14/10/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1199 về việc phê duyệt Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch này, tỉnh Lào Cai sẽ được mở và nâng cấp 2 cặp cửa khẩu: Mường Khương (Lào Cai, Việt Nam) - Kiều Đầu (Vân Nam, Trung Quốc), Bản Vược (Lào Cai, Việt Nam) - Pả Sa (Vân Nam, Trung Quốc) thành cửa khẩu quốc tế; mở 6 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương. Đây là quyết định quan trọng, phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển thương mại biên giới và các đề án quan trọng của tỉnh Lào Cai…
Để tạo động lực tăng trưởng kinh tế cửa khẩu, những năm qua, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào Khu Kinh tế cửa khẩu. Đặc biệt, kêu gọi đầu tư vào một số lĩnh vực trọng tâm gắn với hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa, như dịch vụ logistics, thương mại điện tử, dịch vụ tài chính, bảo hiểm, gia công chế biến xuất khẩu, xây dựng các kho lưu giữ hàng hóa đạt tiêu chuẩn…
Tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng cứng, lấy hệ thống giao thông kết nối các cửa khẩu, lối thông quan với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và Cảng Hàng không Sa Pa làm trục, đầu tư hạ tầng mềm là hạ tầng viễn thông (5G), công nghệ thông tin, cửa khẩu thông minh để nâng cao năng lực vận chuyển, thông quan, tối ưu hóa chi phí logistics cho doanh nghiệp…
Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai là vùng kinh tế động lực chủ đạo và là 1 trong 8 khu kinh tế trọng điểm của quốc gia, là hạt nhân để Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc… theo quy hoạch của Chính phủ, đề án của tỉnh Lào Cai và kinh tế cửa khẩu ngày càng đóng góp cho sự phát triển chung của tỉnh.