Tư liệu lịch sử ghi, sáng 23/9/1958, chuyến tàu đặc biệt do ông Nguyễn Văn Thêm lái đưa Bác Hồ và phái đoàn Chính phủ từ Thủ đô Hà Nội lên thăm đồng bào, chiến sỹ Lào Cai dừng bánh tại ga Làng Giàng để Bác và phái đoàn Chính phủ vượt sông Hồng vào thăm vùng Mỏ Apatit Cam Đường. Tại đây, Bác Hồ đã có buổi nói chuyện rất xúc động với cán bộ, công nhân Mỏ và nhân dân các dân tộc Cam Đường, Tả Phời.
Theo lời giới thiệu của lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Apatit Việt Nam, tôi tìm đến nhà ông Bùi Đức Hy, nguyên là công nhân Mỏ Apatit, trú tại phường Bắc Lệnh, thành phố Lào Cai - ông là một trong những người được gặp Bác Hồ khi Người vào thăm vùng mỏ Cam Đường sáng 23/9/1958.
Sinh năm 1937, quê ở tỉnh Hưng Yên, gần 70 năm gắn bó với vùng đất Mỏ, với bộn bề cuộc sống, giờ đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng những kỷ niệm về ngày được gặp Bác vẫn mãi mãi in đậm trong ông.
Ông Bùi Đức Hy nhớ lại, sáng sớm 23/9/1958 anh em công nhân trong khai trường Mỏ Cóc nhận tin sẽ được đón đoàn của Đảng và Chính phủ lên thăm. Lúc đó, ai cũng đoán già, đoán non về đoàn công tác của Chính phủ, người đoán có Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người lại đoán Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Không khí lao động đang nhộn nhịp thì từ phía tầng khai thác 9 một số công nhân hớt hải chạy xuôi dốc hô to: Về sân vận động thôi, Bác Hồ lên!. Nghe vậy, chúng tôi buông cuốc xẻng, chạy ùa xuống dốc về hướng sân vận động trước dãy nhà tập thể công nhân.
Khi tốp chúng tôi chạy đến đoạn đường qua gốc đa Mỏ Cóc thì từ phía sau chiếc xe Tatra do anh Vũ Tràng Tại lái chở Bác Hồ lên thăm công trường về. Lúc này, chúng tôi mới biết, Bác và phái đoàn Chính phủ vừa vào tận khai trường Mỏ Cóc kiểm tra khai thác quặng apatit. Xe chở Bác và đoàn công tác chạy thẳng về lễ đài ở sân vận động - nơi này đã được dựng một cái sân khấu có chiếc bàn trải khăn màu trắng để Bác ngồi nói chuyện với cán bộ, công nhân Mỏ và Nhân dân.
Khi trò chuyện với cán bộ, công nhân và Nhân dân vùng mỏ, Bác Hồ khen ngợi vùng Mỏ đã khắc phục khó khăn, nhanh chóng phục hồi sản xuất và ổn định đời sống. Bác cũng nhắc nhở Mỏ Apatit cần đẩy mạnh phong trào thi đua làm “nhiều, nhanh, tốt, rẻ” để làm giàu cho Tổ quốc, đồng thời lưu ý việc giữ gìn máy móc thật tốt. Bác nhấn mạnh: Phải quản lý xí nghiệp thật dân chủ. Công nhân phải xứng đáng là chủ nhà máy, tham gia quản lý nhà máy, quý trọng và bảo vệ của công. Bác dặn đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu, thanh niên phải là đầu tàu trong sản xuất; phải tăng cường cả số lượng và chất lượng đảng viên, đoàn viên; phải nâng cao tinh thần tự lực cánh sinh để trong thời gian ngắn chủ động được công việc...
Trong buổi gặp gỡ đặc biệt này, Hồ Chủ tịch đã nhận món quà là chiếc khăn thêu truyền thống của đồng bào dân tộc Tày Cam Đường - Tả Phời gửi tặng từ ông Trần Văn Nỏ - người đầu tiên có công phát hiện ra quặng apatit Cam Đường.
Sau khi dự mít tinh nói chuyện với công nhân lao động và đồng bào xã Cam Đường, Bác Hồ sang Văn phòng làm việc với lãnh đạo mỏ và nghỉ trưa tại đây. 14 giờ, ngày 23/9/1958, Bác cùng phái đoàn Chính phủ lên toa xe Va goong trở lại Cửa Ngòi phía đầu cầu Làng Giàng qua phà sang sông, đoàn tàu 424 đợi ở ga đón Bác cùng phái đoàn ngược lên ga Lào Cai.
Xúc động vì được đón Bác Hồ vào thăm vùng Mỏ Cam Đường, ngay đêm đó, ông Hy đã làm bài thơ với tựa đề “Bác đã về đây” để nói về tấm lòng của anh em công nhân và nhân dân đối với Bác.
Chia tay ông Bùi Đức Hy, chúng tôi đến Ga Pom Hán, nơi Mỏ Apatít tổ chức đưa chuyến tàu đặc biệt ra bờ sông Hồng đón Bác. Khi chúng tôi đề nghị được tìm hiểu về tuyến đường sắt đã đưa Bác vào thăm vùng Mỏ. Giám đốc Hoàng Ngọc Quý mở cuốn lịch sử truyền thống của đơn vị, xúc động kể: Ga Pom Hán từ xưa đến nay vẫn là ga quan trọng đối với mạng lưới đường sắt của Mỏ để điều phối tàu chở quặng từ mỏ về xuôi (trước đây) và bây giờ là đi Khu Công nghiệp Tằng Loỏng. Trước đây, từ khi người Pháp bắt đầu khai thác mỏ đến trước năm 1960, Ga Pom Hán phụ trách tuyến đường sắt khổ rộng 60 cm từ khai trường Mỏ Cóc ra Trạm tờ-rê-mi Cửa Ngòi bên bờ sông Hồng (nay thuộc địa phận phường Bình Minh) để đưa lên phà chuyển qua sông, bốc lên tàu hỏa ở Ga đường sắt Làng Giàng chở về xuôi phục vụ các nhà máy sản xuất phân bón ở Việt Trì, Hà Nội và về cảng Hải Phòng đưa đi xuất khẩu.
Trong kho tư liệu của Mỏ còn ghi lại, sáng 23/9, Ga Pom Hán được yêu cầu chuẩn bị một chuyến tàu từ ga đi ra phà Làng Giàng để đón Bác. Nói là chuyến tàu chứ thực chất lúc đó là toa xe Va goong - loại toa xe chở quặng có nhiều bánh sắt chạy trên đường ray khổ 60 cm. Khi toa xe Va goong đưa đoàn công tác và Bác về đến gốc đa Mỏ Cóc thì dừng lại để Bác cùng phái đoàn Chính phủ chuyển sang xe tải Tatra do lái xe Vũ Tràng Tại lái lên thăm khai trường - khi ấy, khai trường Mỏ Cóc là trung tâm khai thác lớn nhất của Mỏ Apatít. Sau đó quay về, vào dự cuộc mít tinh của công nhân Mỏ và đồng bào Cam Đường đón Bác.
Là những cán bộ, công nhân thế hệ sau này, chúng tôi luôn nhớ và làm lời Bác Hồ dạy. Hiện nay, Ga Pom Hán đã được xây dựng to đẹp hơn và nằm trong mạng lưới đường sắt công nghệ mỏ của Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam. Với những đầu máy, toa xe hiện đại, đủ năng lực vận tải quặng theo yêu cầu của khách hàng. Trước năm 1990 sản lượng vận chuyển mới chỉ đạt gần 500.000 tấn/năm, nhưng đến nay sản lượng vận chuyển đã đạt trên 4.000.000 tấn/năm (Năm 1960 là hơn 135.000 tấn/năm) - ông Hoàng Ngọc Quý cho biết thêm.
Theo lời kể của ông Lưu Bá Thưởng (85 tuổi), nguyên là Phó Bí thư Đảng ủy Mỏ Apatít (giai đoạn 1986 - 2000): Tuyến đường sắt Bác đi từ Trạm tờ-rê-mi Cửa Ngòi vào Mỏ Cóc qua khu vực đền Đôi Cô rồi vào phía làng Chiềng và vào Ga Pom Hán nay đã được bóc gỡ khi tuyến đường sắt chở quặng từ Làng Nhớn đi hướng Bến Đền - Gia Phú - Xuân Giao - Tằng Lỏng được xây dựng. Cây cầu đường sắt qua suối Ngòi Đường xưa, nay được thay bằng cầu Ngòi Đường trên đại lộ Trần Hưng Đạo rộng dài, phía đầu cầu có cổng chào lộng lẫy đón khách vào thành phố.
Khi tỉnh tái lập năm 1991, vào đầu năm 2001, Khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường được xây dựng chuyển Trung tâm hành chính tỉnh lùi về phía Nam, phố phường hai bên tuyến đường sắt Bác đi vào Mỏ xưa nay hai bên san sát nhà, phố, với chợ Cam Đường mới khang trang. Tuyến đường bộ vào mỏ, lên Tả Phời, Hợp Thành nay đã nhựa hóa rộng rãi.
Theo chỉ dẫn của cán bộ, công nhân đã được tham gia đón Bác vào thăm vùng Mỏ Apatit, chúng tôi ngược hành trình tìm theo dấu xưa tuyến đường sắt từ Mỏ Cóc đến Ga Pom Hán đi men theo suối Ngòi Đường - cầu sắt Làng Chiềng và ra khu tập kết quặng ở bờ sông Hồng chỗ đầu cầu sắt Làng Giàng xưa (nay chỉ còn dấu tích trụ cầu dưới lòng sông Hồng).
Những nơi mà Bác đã đi qua để vào vùng Mỏ sớm mùa thu năm đó nay đã đổi thay rất nhiều. Những tuyến đường giao thông hiện đại đã được xây dựng, nhiều tiểu khu đô thị mọc lên, cùng với đó, vùng Mỏ Cóc xưa, giờ đây nhà máy, xí nghiệp hoạt động nhộn nhịp suốt ngày đêm.
Đặc biệt, cây cầu Làng Giàng mới bắc qua sông Hồng được xây dựng bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, nằm phía dưới hạ lưu cách cầu sắt cũ không xa. Đây là cây cầu có nhịp dài nhất vượt sông Hồng trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện nay. Đường dẫn vào cầu phía thành phố Lào Cai (thuộc địa bàn phường Xuân Tăng) kết nối với đường Trần Hưng Đạo và Quốc lộ 4E; đường dẫn vào cầu phía huyện Bảo Thắng (thuộc địa bàn xã Thái Niên) kết nối với Tỉnh lộ 161 và sau này kết nối với Quốc lộ 70 bằng tuyến đường xây dựng mới.
Làng Hẻo, quê hương của cụ Trần Văn Nỏ - người có công tìm ra quặng apatit nay đã là thôn kiểu mẫu nông thôn mới, nhiều con em trong thôn hiện đang là công nhân vùng Mỏ.
Trải qua các thời kỳ cách mạng, nhớ lời căn dặn của Bác, cán bộ, công nhân và nhân dân vùng đất Mỏ Cam Đường đã phấn đấu không ngừng, dành nhiều thành tựu vẻ vang. Năm 2010, Công ty TNHH Một thành viên Apatit Việt Nam được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động; năm 2017 được xếp hạng TOP 20 doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh bền vững.
Vùng đất mỏ Cam Đường hôm nay đã đổi thay vượt bậc, phố xá sạch đẹp văn minh hiện đại, cuộc sống công nhân và người dân đã sung túc, ấm no.
Nội dung: Phạm Sơn
Trình bày: Khánh Ly