Quay về E-magazine Theo dõi Báo Lào Cai trên Google News
Chuyện thân nhân 3 hộ dân ở Làng Nủ xin nhường nhà tái định cư cho người khó khăn hơn

Chuyện thân nhân 3 hộ dân ở Làng Nủ xin nhường nhà tái định cư cho người khó khăn hơn

Đây là việc làm đẹp và đầy ý nghĩa của người dân Làng Nủ. Ba người thân của ba hộ bị thiệt hại do thiên tai đã tự nguyện viết đơn gửi lãnh đạo xã Phúc Khánh (Bảo Yên) xin không nhận nhà tái định cư, với mong muốn nhường những ngôi nhà "đẹp như mơ" này cho những người khó khăn hơn.

"Mình đã có nhà rồi, xin nhường cho người khó khăn hơn"

Chúng tôi trở lại Làng Nủ trong một ngày đông giá rét. Khu nhà tái định cư ở Làng Nủ mới hiện lên trong nắng sớm, đẹp như mơ với những ngôi nhà sàn bê tông kiên cố, đường rộng rãi và những vườn hoa nhiều sắc màu.

Nhưng càng đẹp hơn là câu chuyện của 3 thân nhân ở Làng Nủ tự nguyện viết đơn gửi lãnh đạo xã Phúc Khánh xin không nhận nhà tái định cư, với mong muốn nhường những ngôi nhà "đẹp như mơ" này cho những người còn khó khăn hơn mình.

baolaocai-br_img-5697.jpg
Chị Sầm Thị Nhiên (bên phải) quyết định nhường nhà cho những hộ khó khăn hơn.

Hôm chúng tôi đến, chị Sầm Thị Nhiên, 26 tuổi (con dâu của ông Nguyễn Văn Sứ), đang dọn dẹp vật dụng để chuẩn bị vào căn nhà sàn mang số 17 ở khu tái định cư Làng Nủ. Vẻ mặt phấn khởi, chị cho biết sẽ nhanh chóng ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất để chuẩn bị đón tết Nguyên đán sắp tới.

Chị Nhiên tự nguyện viết đơn xin nhường lại ngôi nhà của bố mẹ chồng đã mất vì lũ dữ. Chị Nhiên cho biết gia đình bố mẹ chồng của mình đã mất hết trong trận lũ nên hai vợ chồng thống nhất nhường lại căn nhà tái định cư cho những hộ khó khăn hơn.

baolaocai-br_z6146558679553-871b33c90c7d2e23888e2120da5718cf.jpg
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Sành và anh Hoàng Đức Lương.

Trong căn nhà số 6, vợ chồng chị Nguyễn Thị Sành và anh Hoàng Đức Lương cũng vừa dọn vào nhà mới được hai hôm nay. Các vật dụng đã được kê gọn gàng, những tấm rèm mới cũng vừa được lắp đặt để tạo những không gian riêng trong nhà. Nhớ lại hôm xảy ra lũ quét chị bảo hai vợ chồng may mắn vì hôm ấy đi làm không ở nhà, nếu không chẳng còn được ngồi đây. Nhưng con trai lớn và bố mẹ của chị Sành thì chẳng may mắn như thế khi dòng lũ bùn đã mang họ đi mãi mãi. Thương bố mẹ lắm, mình lại là con một nên cũng muốn có căn nhà riêng để hương khói cho người thân nhưng nghĩ đến người khó khăn hơn mình, chị đã viết đơn nhường lại ngôi nhà. Trình bày trong đơn, chị Sành xin được dành lại ngôi nhà tái định cư cho các hộ gia đình khác cần thiết hơn.

baolaocai-br_img-5709.jpg
7 căn nhà chưa được bàn giao, tạm thời chính quyền địa phương sẽ tiếp quản, bảo vệ.

Là 1 trong 3 người viết đơn nhường lại ngôi nhà của thân nhân, anh Nguyễn Xuân Dương, 27 tuổi, em trai ruột của ông Nguyễn Văn Dóng cho chúng tôi biết cả gia đình anh trai mình đã không còn sau vụ lũ quét tàn khốc xảy tại Làng Nủ ngày 10/9. Đau xót lắm! Anh có thể nhận nhà tái định cư để thờ tự cho anh trai và các cháu của mình tại đó, nhưng lại nghĩ còn có bà con ở Làng Nủ tuy không mất người nhưng đã mất nhà cùng tài sản, đang lâm vào cảnh trắng tay, phải làm lại từ đầu. “Mình đã có gia đình và ra ở riêng nên sẽ thờ tự anh trai cùng các cháu tại chính ngôi nhà của mình sẽ ấm áp và gần gũi hơn”- anh Dương chia sẻ, đôi mắt đỏ hoe nhớ về người thân của mình. Với suy nghĩ đó, anh Dương đã viết đơn xin được nhường ngôi nhà ở khu tái định cư Làng Nủ cho người khác có hoàn cảnh khó khăn hơn, để bà con chung tay xây dựng cuộc sống mới sau thiên tai.

Mọi việc của thôn đều được lấy ý kiến Nhân dân

Bà Vũ Thị Tư, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Khánh cho biết, khi mưa lũ xảy ra, cán bộ thôn Làng Nủ đã thống kê có 40 căn nhà bị sập, cuốn trôi và có người chết, mất tích. Con số 40 căn nhà này là tất cả các nóc nhà trong vùng tâm lũ Làng Nủ. Thời điểm đó, mọi công việc đều tập trung cho việc tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, nên việc tiếp cận từng căn nhà rất khó khăn. Vì thế, khi tiến hành lập các phương án tái định cư cho hộ dân đều căn cứ vào con số này.

by-1-5358.jpg
Người dân thôn Làng Nủ tham gia góp ý về vị trí xây dựng khu tái định cư.

Sau khi lũ qua đi, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, xã Phúc Khánh phối hợp với thôn bình xét các hộ đủ tiêu chuẩn được hỗ trợ nhà tại khu tái định cư. Quá trình xét duyệt các hộ đều được tiến hành công khai, minh bạch căn cứ vào các quy định, hướng dẫn của tỉnh, huyện.

Trước ngày bốc thăm chọn vị trí, xã tổ chức họp rà soát, thống nhất lần cuối các hộ trong diện ở tái định cư. Khi đó, thôn đề xuất tái định cư cho 36 hộ, trong đó 3 hộ không còn ai.

Ba chủ hộ là các ông Nguyễn Văn Trần, Nguyễn Văn Sử và Nguyễn Văn Dóng đều đã qua đời. Đồng thời, các con, anh, em của 3 nạn nhân xấu số này đều đã nhận nhà tái định cư nên làm đơn xin không nhận nhà nữa để nhường cho các trường hợp khó khăn hơn.

10.jpg
Người dân Làng Nủ thực hiện bốc thăm lựa chọn vị trí nhà trong khu tái định cư.

Ngoài 3 ngôi nhà trên, hiện nay tại khu tái định cư Làng Nủ còn 4 ngôi nhà khác chưa được bàn giao. Trước đó, có 4 hộ gia đình trong tâm lũ khu Làng Nủ cũ đã đưa vào danh sách ban đầu nhưng rà soát lại thì thấy các hộ này không bị ảnh hưởng về người và tài sản, không trong khu vực nguy cơ sạt lở. Đối chiếu với hướng dẫn của tỉnh Lào Cai về thực hiện chính sách hỗ trợ gia đình bị thiệt hại về nhà do ảnh hưởng của bão số 3, các hộ gia đình này chưa đủ tiêu chuẩn.

Bí thư Đảng ủy xã Phúc Khánh cho biết, trước mắt chính quyền địa phương sẽ tiếp quản, bảo vệ tài sản 7 công trình chưa được bàn giao cho người dân. Về lâu dài, chính quyền địa phương sẽ xin ý kiến của tỉnh, huyện bố trí nhà cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng hoặc các hộ gia đình bị ảnh hưởng thiên tai không thể tiếp tục sinh sống ở nơi ở cũ, phải bố trí tái định cư.

baolaocai-br_z6146559139831-4ca3d3f5525853e044bba37d823466f9.jpg
Bà Vũ Thị Tư khẳng định từ khi triển khai xây dựng khu tái định cư, các nội dung quan trọng đều được đưa ra lấy ý kiến Nhân dân.

Bà Vũ Thị Tư khẳng định từ khi triển khai xây dựng khu tái định cư, những nội dung quan trọng như chọn vị trí tái định cư, số lượng căn hộ, thiết kế nhà ở, nhà văn hóa, trường học cho đến các nội dung chi tiết… cấp ủy, chính quyền địa phương luôn tổ chức họp lấy ý kiến Nhân dân. Việc bốc thăm, chọn vị trí cũng được thôn tổ chức với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và toàn thể Nhân dân đảm bảo công khai minh bạch. Trước ngày khánh thành, thôn cũng đã họp, bàn thảo thông qua quy chế quản lý khu dân cư.

"Chúng tôi rất mong muốn các hộ bị thiệt hại về người, tài sản trong trận lũ dữ vừa qua đều được hỗ trợ nhà ở tái định cư, tuy nhiên việc xét duyệt đối tượng phải đúng quy định, đồng thời phải được sự đồng thuận, chia sẻ của cộng đồng để khu tái định cư Làng Nủ thực sự là khu làng nhân văn, hạnh phúc" - bà Vũ Thị Tư nhấn mạnh.

Dự án tái thiết khu dân cư thôn Làng Nủ do Quỹ tấm lòng Việt - Đài Truyền hình Việt Nam tài trợ, Binh đoàn 12 - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đảm nhiệm thi công.

Dự án khởi công vào ngày 21/9, hoàn thành ngày 15/12, sau 68 ngày nỗ lực thi công. Khu tái định cư nằm trên đồi cao rộng 10 ha, gồm 40 nhà sàn thiết kế theo kiến trúc truyền thống của đồng bào Tày, nhà sinh hoạt cộng đồng rộng 300 m2; một điểm trường rộng 200 m2 gồm 2 lớp tiểu học và hai lớp mẫu giáo, đầy đủ hệ thống viễn thông, điện, nước.

Ý kiến bạn đọc

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Kinh tế tuần hoàn nông nghiệp cần một chiến lược riêng

Kinh tế tuần hoàn nông nghiệp cần một chiến lược riêng

Mỗi năm, nông nghiệp Việt Nam phát sinh hơn 156 triệu tấn phụ phẩm như rơm rạ, vỏ trấu, bã mía, vỏ cà phê và chất thải chăn nuôi. Tuy nhiên, chỉ khoảng 10-35% trong số này được tái chế hoặc tái sử dụng, phần còn lại chủ yếu bị thải bỏ ra môi trường, gây lãng phí tài nguyên và ô nhiễm sinh thái.

Vận động hộ dân thực hiện giải phóng mặt bằng Dự án đường Kim Thành – Ngòi Phát

Xã Bát Xát: Vận động hộ dân thực hiện giải phóng mặt bằng Dự án đường Kim Thành – Ngòi Phát

Để tạo sự đồng thuận trong thực hiện thu hồi đất Dự án Cầu biên giới qua sông Hồng tại xã Bản Vược và hạ tầng kết nối Dự án Nâng cấp Tỉnh lộ 156 (Kim Thành - Ngòi Phát), chiều 18/7, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án và xã Bát Xát tổ chức gặp mặt, vận động người dân nhận bồi thường, sớm bàn giao đất cho Nhà nước thực hiện dự án.

Xây dựng chiến lược mới cho ngành hàng trái cây

Xây dựng chiến lược mới cho ngành hàng trái cây

Sáu tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam giảm mạnh sau 2 năm liên tục tăng trưởng cao. Ngành hàng này cần có chiến lược để nâng lợi thế cạnh tranh, trong đó chú trọng các mặt hàng tiềm năng đang trên đà tăng trưởng, tiệm cận đạt và vượt mốc tỷ USD như: chuối, dứa, dừa và chanh leo.

Lâm Thượng rộn ràng vào vụ măng mai

Lâm Thượng rộn ràng vào vụ măng mai

Về xã vùng cao Lâm Thượng, tỉnh Lào Cai những ngày này, khắp các thôn bản lại nhộn nhịp, hối hả trong mùa thu hoạch măng mai. Từ một loại cây bản địa, măng mai đã trở thành "cây vàng" giúp hàng trăm hộ dân nơi đây thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Mùa măng về không chỉ mang theo niềm vui được mùa mà còn thắp lên hy vọng về một cuộc sống ấm no, đủ đầy hơn cho bà con nơi đây.

Bước tiến gần dân, vì dân

Giải quyết thủ tục đất đai ngay tại xã: Bước tiến gần dân, vì dân

Từ ngày 1/7, cùng với việc chính thức đưa mô hình chính quyền hai cấp vào hoạt động, người dân tỉnh Lào Cai đã bắt đầu cảm nhận rõ nét sự thay đổi về giải quyết các thủ tục đất đai. Một số thủ tục quan trọng không còn phải qua nhiều cấp trung gian như trước, mà được thực hiện trực tiếp tại UBND cấp xã, mang lại nhiều thuận lợi cho người dân.  

Mùa ngô ở Khao Mang

Mùa ngô ở Khao Mang

Mùa thu hoạch ngô nếp mini trên địa bàn xã Khao Mang, tỉnh Lào Cai đã vào vụ thu hoạch mới. Giống ngô này một năm chỉ có một lần, kéo dài hơn 1 tháng, bắp nhỏ bằng 1/3 bắp thường nhưng nhiều người ưa thích.

Người dân chủ động chăm sóc đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

Người dân chủ động chăm sóc đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, độ ẩm cao, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, vi rút phát sinh, gây bệnh cho vật nuôi. Trước những nguy cơ đó, người dân xã Bảo Thắng đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm bảo vệ đàn vật nuôi.

fb yt zl tw