Chính phủ ban hành Nghị quyết số 88/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023 trực tuyến với địa phương.
Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội; hạn chế số người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần.
Vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần được đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Đồng thời giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, kịp thời xử lý nghiêm theo pháp luật các vi phạm, nhất là việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Trong đó, vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần được đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm.
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP HCM, nêu thực trạng làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lần trong công nhân lao động thời gian qua, đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời rõ vấn đề này.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết trước năm 2019, số lao động rút bảo hiểm xã hội bình quân mỗi năm 500.000 người, nay đã lên tới 900.000 người. Người rời đi tương đương với số tham gia trở lại khiến nguy cơ hiện hữu là không đảm bảo an sinh cho người già và hệ thống không bền vững, hệ lụy lớn.
Bộ trưởng nêu 4 lý do khiến lao động chọn rời bỏ hưu trí. Thứ nhất, vì thu nhập thấp và đời sống khó khăn. Phần lớn người rút bảo hiểm xã hội là công nhân, rất ít công chức viên chức. Khu vực phía Nam chiếm tới 72% trong khi Miền Bắc và Trung rất ít.
Thứ hai, không có nước nào cho rút bảo hiểm xã hội một lần dễ như Việt Nam. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhắc lại lịch sử khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Điều 60 hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng công nhân phản đối. Quốc hội sau đó ban hành Nghị quyết 93 cho phép lao động được hưởng nếu có nhu cầu.
Thứ ba, quyền lợi khi rút bảo hiểm xã hội một lần rất cao. Lao động chỉ đóng 8% nhưng được hưởng toàn bộ phần đóng của doanh nghiệp và nhà nước. Có nhiều trường hợp dù chưa muốn rút nhưng thấy lợi ích nhiều nên rút hết. Nhưng rời đi rồi không có nghĩa là không trở lại, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, 1/3 trong số lao động từng rút bảo hiểm xã hội sau đó tiếp tục tham gia.
Thứ tư, việc tổ chức tuyên truyền chưa tốt. Bộ trưởng lấy ví dụ Hà Nội tuyên truyền cứ 10 người đi rút thì thuyết phục được 6 người trở lại; TP HCM, Đồng Nai cũng có một phần không rút nữa sau khi được tuyên truyền.