Chủ trương, quan điểm của Đảng về cải cách hành chính trong Đảng
Công tác cải cách hành chính trong Đảng lần đầu tiên được chính thức đề cập tại Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) ngày 30/7/2007 về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị”.
Nghị quyết chủ trương: “Cải cách hành chính trong Đảng, rút ngắn, hợp lý hóa quy trình cho chủ trương, xét duyệt, phê chuẩn trong công tác cán bộ” và một trong những nội dung quan trọng mà Nghị quyết nhấn mạnh là: “Cải tiến thủ tục hành chính trong Đảng; các cơ quan lãnh đạo, cơ quan tham mưu của Đảng ở các cấp, các ngành, các địa phương cần có quy định xác định rõ thời gian xử lý, trả lời với từng loại công việc; rút ngắn thủ tục xin và cho chủ trương, xét duyệt, phê chuẩn trong công tác cán bộ (bầu bổ sung cấp ủy viên, thường vụ cấp ủy, ủy viên ủy ban kiểm tra của cấp ủy…)”.
Kết luận số 82-KL/TW, ngày 16/8/2010 của Bộ Chính trị về cải cách thủ tục hành chính trong Đảng đã đóng vai trò quan trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy các cấp, nhất là bí thư cấp ủy nhằm xác định rõ quan điểm, mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ và các giải pháp về cải cách hành chính trong Đảng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tại đảng bộ, chi bộ.
Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã chủ trương: “Đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng, khắc phục những thủ tục rườm rà, bất hợp lý, giảm bớt giấy tờ, giảm mạnh hội họp”. Thực chất cải cách hành chính trong Đảng là một trong những nhiệm vụ quan trọng để đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng, là đổi mới ở cấp độ cao hơn, mạnh mẽ hơn nội dung, phương pháp, lề lối làm việc của các cấp ủy, cơ quan của Đảng từ Trung ương tới cơ sở.
Cải cách thủ tục hành chính góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng
Những năm qua, công tác cải cách hành chính trong các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể được Tỉnh ủy Lào Cai thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo thuận lợi về cơ sở vật chất, nhân lực và các nguồn lực để triển khai thực hiện.
Các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, Báo Lào Cai, Trường Chính trị tỉnh đã ban hành 149 thủ tục quy trình giải quyết công việc. Việc thực hiện các quy trình thủ tục giải quyết công việc bảo đảm đúng trình tự, cách thức, đối tượng, thành phần hồ sơ và thời hạn giải quyết; tạo chuyển biến tích cực trong quan hệ phối hợp giữa cơ quan với các đơn vị, tổ chức, cá nhân.
Thực tế, 149 thủ tục quy trình giải quyết công việc các đơn vị khối Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh Lào Cai đã ban hành, cơ bản thể hiện được các quy trình về trình tự, cách thức, đối tượng, thành phần hồ sơ và thời hạn giải quyết công việc; bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong quan hệ phối hợp giữa cơ quan với các đơn vị, tổ chức, cá nhân.
Thực hiện Đề án 14-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020 - 2025, Văn phòng Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu xây dựng quy trình, thủ tục hành chính trong các cơ quan khối Đảng, đoàn thể tỉnh Lào Cai. Trong năm 2023, Tỉnh ủy đã ban hành: Quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ công việc của Văn phòng Tỉnh ủy (1 quy trình); Quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ công việc của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy (1 quy trình); Quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ công việc của Ban Tổ chức Tỉnh ủy (13 quy trình) và yêu cầu các cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy, Báo Lào Cai, Trường Chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh ban hành đối với 101 quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ công việc phạm vi áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức trong tỉnh thuộc thẩm quyền giải quyết.
Trên cơ sở các bộ quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ được ban hành, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc chỉ đạo xây dựng và ban hành các bộ quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ công việc để thực hiện tại địa phương, cơ quan, đơn vị.
Kinh nghiệm cải cách thủ tục hành chính trong Đảng
Thứ nhất, phải thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị và văn bản chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh ủy Lào Cai về cải cách hành chính; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong cơ quan…
Thứ hai, cần quán triệt, triển khai nghiêm túc các chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức cơ quan, đơn vị về vai trò, vị trí của cải cách thủ tục hành chính.
Thứ ba, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phát huy tinh thần gương mẫu, quyết liệt trong chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo tinh thần càng khó thì càng phải quyết tâm cao hơn. Phải khơi dậy tinh thần tự học, tự nghiên cứu về công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị mình.
Thứ tư, đội ngũ cán bộ, công chức trong cơ quan phải được nâng lên về chất lượng, vững về chuyên môn, nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức; có tư duy đổi mới, tích cực chủ động trong công việc; có quyết tâm cao trong thực hiện cải cách hành chính. Cần có sự đồng bộ, điều kiện tốt về cơ sở vật chất, thiết bị, phần mềm, kết nối intetnet…
Thứ năm, thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong các cơ quan, coi đó là một trong những tiêu chí bình xét thi đua hằng năm, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có sáng kiến trong cải cách hành chính.
Thứ sáu, cần tăng cường kiến thức, tập huấn kỹ năng về công tác cải cách hành chính; thường xuyên tập huấn về công nghệ thông tin cho đội ngũ viên chức. Rút ngắn thời gian, lược bớt thủ tục không cần thiết trong quá trình giải quyết công việc.
Thứ bảy, thường xuyên học hỏi kinh nghiệm, cách làm hay từ thực tế của các cấp ủy, tổ chức đảng để rà soát, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong Đảng
Với quan điểm cải cách thủ tục hành chính trong các cơ quan Đảng, Mặt trận tổ quốc và đoàn thể là cải cách quy trình giải quyết công việc nội bộ, cụ thể hóa các bước giải quyết công việc, giảm bớt thủ tục, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết công việc, nâng cao chất lượng ban hành văn bản, chất lượng cán bộ, công chức giải quyết công việc.
Do đó, cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong Đảng: Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng; xây dựng chương trình thiết thực, cụ thể về cải cách thủ tục hành chính trong Đảng; rà soát bổ sung, sửa đổi quy chế làm việc của cấp ủy, các cơ quan; nâng cao việc kiểm tra, kiểm soát tiến độ hoàn thành công việc, nhiệm vụ được giao của từng cá nhân, đơn vị.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin: Thường xuyên cập nhật hệ thống thông tin điều hành; nâng cao chất lượng thông tin của website Tỉnh ủy; tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quản trị, vận hành, khai thác các hệ thống thông tin đã được đầu tư; tăng cường bảo mật thông tin trong hoạt động công vụ trên môi trường internet bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các hệ thống phần mềm đã được Tỉnh ủy Lào Cai triển khai, góp phần cải cách hành chính trong các cơ quan đảng, đoàn thể từ huyện đến cơ sở.
Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác chuyên môn nhằm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức khối đảng, đoàn thể.
Quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các bộ quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ công việc đã được các cơ quan, đơn vị thẩm định và ban hành, đồng thời rà soát, sửa đổi bổ sung hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung các quy trình…
Đẩy mạnh công tác thống kê số lượng công việc, nhiệm vụ của cán bộ, công chức đã thực hiện hằng tháng, quý, năm liên quan đến công tác cải cách thủ tục hành chính, lấy đó làm căn cứ để đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ.
Cải cách thủ tục hành chính trong Đảng có vai trò quan trọng để đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng nhằm đổi mới ở cấp độ cao hơn, mạnh mẽ hơn nội dung, phương pháp, lề lối làm việc của các cấp ủy, cơ quan của Đảng từ Trung ương tới cơ sở; khắc phục thủ tục rườm rà, bất hợp lý, giảm bớt giấy tờ, giảm mạnh hội họp trong công tác lãnh đạo của Đảng; loại bỏ quy trình, thủ tục lạc hậu, khắc phục cách làm tùy tiện, chưa khoa học của một số cấp ủy, cán bộ chuyên trách. Nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện quy chế làm việc của mỗi cấp ủy, của các cơ quan tham mưu với việc quy định sự phối hợp, kết hợp giữa các tổ chức đảng, cơ quan tham mưu của Đảng với tổ chức đảng cấp dưới, tạo điều kiện trong việc giải quyết nhiệm vụ chính trị được giao ở mỗi cấp được nhanh chóng, hiệu quả; sẽ quy chế hóa, quy trình hóa, dân chủ hóa và công khai hóa các thiết chế trong hệ thống tổ chức của Đảng…