Quay về E-magazine Theo dõi Báo Lào Cai trên Google News
Bước phát triển mới của du lịch cộng đồng ở Bát Xát

Bước phát triển mới của du lịch cộng đồng ở Bát Xát

Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo, xã Dền Sáng được huyện Bát Xát định hướng tập trung phát triển du lịch cộng đồng để nâng cao thu nhập cho người dân.

Tiên phong làm du lịch từ năm 2019, gia đình anh Tẩn Láo Tả (thôn Ngải Trồ) đã cải tạo căn nhà truyền thống để phát triển dịch vụ lưu trú và tắm lá thuốc. Với 60 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gia đình anh đã có thêm điều kiện để đầu tư, nâng cấp các phòng nghỉ, phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách.

y-ty-tho-mong-trong-long-du-khach.jpg
Y Tý thơ mộng trong lòng du khách.

“Qua tìm hiểu về các dịch vụ du lịch, kết hợp với gia đình có truyền thống hái lá thuốc, tôi quyết định xây dựng cơ sở vật chất để làm dịch vụ lưu trú và tắm lá thuốc để phát triển kinh tế, đồng thời góp phần quảng bá đời sống và văn hóa của dân tộc mình”.

Tẩn Láo Tả, thôn Ngải Trồ, xã Dền Sáng

Còn tại Y Tý, nếu như trước đây người dân ở xã vùng cao này chỉ quen với ruộng nương, chân lấm tay bùn thì nay đã biết làm thêm du lịch. Dù là hướng đi mới nhưng đã giúp chất lượng cuộc sống của đồng bào nơi đây nâng cao. Hằng năm, xã đón hàng chục nghìn du khách đến tham quan, trải nghiệm. Khách đường xa đến thường liên hệ với các hộ dân kinh doanh dịch vụ homestay để lưu trú qua đêm và sử dụng các dịch vụ, do đó những nhu cầu về ẩm thực địa phương, hoạt động vui chơi, văn nghệ được cung cấp khá đầy đủ.

Chị Sần Thó Mơ, dân tộc Hà Nhì ở thôn Choản Thèn đã sửa sang lại căn nhà trình tường truyền thống, vệ sinh nhà ở và trang trí cảnh quan để làm dịch vụ homestay chia sẻ: “Gia đình cung cấp dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi của khách, được khách phản hồi rất tốt. Doanh thu từ du lịch góp phần tăng thu nhập, so với làm ruộng thì cao hơn nhiều”.

thon-choan-then-la-mot-trong-nhung-thon-co-cua-xa-y-ty-duoc-hinh-thanh-cach-day-hon-300-nam.jpg
Choản Thèn là một trong những thôn cổ của xã Y Tý, được hình thành cách đây hơn 300 năm.

Việc người dân địa phương tham gia các hoạt động du lịch đã góp phần quan trọng trong việc hình thành, phát triển du lịch cộng đồng. Họ từng bước nâng cao ý thức trong việc cải thiện vệ sinh, tạo cảnh quan môi trường “xanh - sạch - đẹp”; đầu tư, mua sắm các trang thiết bị để đón khách tham quan, lưu trú và cùng nhau xây dựng thôn nông thôn mới, tạo điểm đến an toàn, hấp dẫn.

Bên cạnh đó, tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng, học tập kinh nghiệm để nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch; tăng cường đăng tải thông tin lên mạng xã hội Facebook, YouTube, Zalo… thu hút khách sử dụng các dịch vụ của gia đình. Kể từ khi du lịch cộng đồng phát triển, bà con các dân tộc nơi đây có cơ hội tiếp xúc nhiều nền văn hóa khác nhau từ trong nước đến quốc tế. Sự e dè, ngại ngùng đã không còn hiện hữu trên ánh mắt hay cử chỉ của mỗi người, thay vào đó là những lời mời chào thân thiện, mến khách.

“Y Tý là vùng đất hoang sơ với vẻ đẹp tự nhiên và con người thân thiện, cởi mở. Tôi đã có trải nghiệm đặc biệt là mặc bộ trang phục truyền thống của người Hà Nhì do chính tay những phụ nữ Hà Nhì thêu, may với đường nét tinh xảo. Điều này giúp tôi cảm nhận rõ hơn nét đẹp văn hóa của đồng bào nơi đây”.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh (du khách trải nghiệm các dịch vụ du lịch tại Y Tý)

loai-hinh-leo-nui-thu-hut-nhieu-du-khach.jpg
Loại hình leo núi thu hút nhiều du khách.

Để tạo sức hấp dẫn cho du khách khi tiếp cận và sử dụng dịch vụ du lịch, nhiều mô hình do người dân tham gia thực hiện đã được hình thành, như đội văn nghệ người Hà Nhì, người Mông; những điểm tham quan ruộng bậc thang; chinh phục đỉnh núi (Lảo Thẩn, Nhìu Cồ San, Ky Quan San, Pu Ta Leng…). Cùng với đó, khôi phục, duy trì và phát huy những nghề đan lát và các lễ hội truyền thống, các trò chơi dân gian... góp phần tạo nên sự độc đáo trong phát triển du lịch cộng đồng. Ngoài ra, hằng năm Bát Xát đều tổ chức Lễ hội mùa thu với nhiều hoạt động hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.

Với các hoạt động quảng bá, kích cầu, du khách đến Bát Xát ngày càng tăng. Chỉ tính riêng năm 2024, huyện đón hơn 220 nghìn lượt khách, trong đó có hơn 640 khách quốc tế; tổng doanh thu du lịch ước đạt 326 tỷ đồng. Đây là tiền đề quan trọng tạo đà cho du lịch Bát Xát phát triển trong tương lai.

doi-van-nghe-thon-choan-then-bieu-dien-phuc-vu-khach-du-lich.jpg
Đội văn nghệ thôn Choản Thèn biểu diễn phục vụ khách du lịch.

Theo Quyết định 1845/QĐ-TTg ngày 26/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Bát Xát có 2 sản phẩm du lịch và 3 phân khu du lịch mới trong tổng thể các sản phẩm du lịch của Khu Du lịch quốc gia Sa Pa. Nghị quyết 36-NQ/TU ngày 27/1/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về định hướng không gian phát triển lĩnh vực kinh tế trọng tâm của huyện Bát Xát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế đột phá, xây dựng Y Tý thành trung tâm du lịch mới của tỉnh, tốc độ tăng trưởng du lịch hằng năm đạt hơn 20%, tỷ trọng dịch vụ du lịch trong GRDP chiếm khoảng 25%, doanh thu từ du lịch đạt hơn 6.000 tỷ đồng, tổng lượng du khách đạt trên 1,8 triệu lượt và toàn huyện có hơn 3.000 phòng lưu trú.

Do đó, huyện đang tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối với các trung tâm du lịch trong và ngoài tỉnh. Tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với bản sắc riêng để thúc đẩy du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng; tạo sự đột phá, đồng thời đảm bảo tính hiệu quả và bền vững.

Cùng với đó, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ quy hoạch chi tiết, hoàn thiện các hạng mục kết cấu hạ tầng dịch vụ du lịch tại khu vực Y Tý. Phát huy kết quả khả quan của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phát triển hệ thống các sản phẩm du lịch đặc sắc với định hướng “Bát Xát - thiên đường của các chương trình du lịch đi bộ dã ngoại và thể thao mạo hiểm hấp dẫn”. Tăng cường triển khai nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch đặc thù, đưa Y Tý trở thành trung tâm du lịch mới, giàu bản sắc.

du-khach-trai-nghiem-nhung-net-van-hoa-doc-dao-cua-nguoi-dao-do.jpg
Du khách trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo của người Dao đỏ.

Trong những năm qua, huyện đã hình thành các sản phẩm du lịch dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Trong đó, loại hình du lịch cộng đồng được tập trung phát triển ở khu vực phía Tây của huyện, như các xã Y Tý, Dền Sáng, Sàng Ma Sáo…

Ông Phạm Văn Tâm, Trưởng Phòng Văn hóa - Khoa học và Thông tin huyện Bát Xát

Huyện có các địa điểm đã được UBND tỉnh công nhận điểm du lịch cấp tỉnh như thôn Choản Thèn, Lao Chải của xã Y Tý; điểm du lịch cộng đồng thôn Ngải Trồ của xã Dền Sáng và thôn có tài nguyên du lịch đặc sắc như Nhìu Cồ San của xã Sàng Ma Sáo… Công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến, thiết kế những sản phẩm du lịch đặc sắc được huyện quan tâm đẩy mạnh. Hiện, lượng khách đến các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn ngày càng tăng và trải nghiệm của du khách ngày càng phong phú với những sản phẩm đặc trưng về văn hóa cũng như cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.

Tin tưởng rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành và sự đồng hành tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp lữ hành sẽ tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của người dân địa phương trong việc tham gia vào các hoạt động du lịch.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

“Đi cùng Mây” - đi cùng yêu thương

“Đi cùng Mây” - đi cùng yêu thương

Không bắt đầu bằng hành trình check-in hay cà phê sáng sang chảnh, chuyến đi của nhóm bạn trẻ “đi cùng Mây” khởi đầu bằng… một nồi phở nghi ngút khói giữa vùng cao Bắc Hà. Trong căn bếp mộc mạc ở thôn Pả Chư Tỷ, xã Lùng Phình, những bạn trẻ tự tay nấu từng bát phở nóng để trao tặng các em nhỏ - những đứa trẻ chưa quen với mùi vị của một bữa sáng đủ đầy.

Sống chậm giữa phố biển

Sống chậm giữa phố biển

Đến Nha Trang (Khánh Hòa), đừng chỉ lướt trên bề mặt phố biển, choáng ngợp trước ánh đèn rực rỡ của khách sạn cao tầng dọc đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng. Sau những giờ đắm mình trong biển xanh, thỏa sức vui chơi ở VinWonders, bay bổng cùng dù lượn, hãy dành thời gian len lỏi những con phố, hay đến với những vùng quê ở ngoại thành Nha Trang để cảm nhận nhịp sống nhẹ nhàng của phố biển. Vẫn còn có một Nha Trang rất khác, chờ đợi bạn khám phá.

Tài nguyên văn hóa thúc đẩy du lịch phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới

Tài nguyên văn hóa thúc đẩy du lịch phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới

Tỉnh Yên Bái xác định "du lịch văn hóa" là sản phẩm đặc trưng, phát triển theo hướng lấy bản sắc văn hóa làm cảm xúc chủ đạo, nhân dân làm chủ thể, trải nghiệm du khách làm trung tâm. Do đó, thời gian qua, các cấp chính quyền đã đẩy mạnh tuyên truyền, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân trong phát triển sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn di sản, hướng tới “biến di sản thành tài sản”, “biến tài nguyên văn hóa, thiên nhiên thành tài nguyên du lịch”.

Sa Pa - "Thụy Sĩ của Việt Nam" gây sốt với du khách Hàn Quốc

Sa Pa - "Thụy Sĩ của Việt Nam" gây sốt với du khách Hàn Quốc

Theo thông tin từ Công ty lữ hành Hana Tour – hãng du lịch lớn nhất Hàn Quốc – lượng đặt tour trọn gói đến Sa Pa (Lào Cai) trong nửa đầu năm 2025 đã tăng tới 333% so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, trong tháng 1/2025, lượng khách Hàn đặt tour đến điểm đến vùng cao này tăng vọt 1.138%, đánh dấu mức tăng trưởng kỷ lục. 

Về Thái Nguyên thăm trường dạy làm báo đầu tiên

Về Thái Nguyên thăm trường dạy làm báo đầu tiên

Là căn cứ địa cách mạng, Thái Nguyên có nhiều “địa chỉ đỏ” lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc. Trong đó, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên và duy nhất của Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến.

fb yt zl tw