Hội Phụ nữ xã Nấm Lư hiện có 610 hội viên, chủ yếu là dân tộc Nùng, Mông, Phù Lá, Pa Dí… trình độ dân trí không đồng đều, một số tập quán lạc hậu tồn tại trong cuộc sống hằng ngày như tư tưởng trọng nam khinh nữ, tảo hôn, sinh con thứ 3…
Bà Châu Thị Mỷ, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: Để thay đổi nhận thức của người dân cũng như xóa bỏ định kiến về giới, từ cuối năm 2022, Hội Phụ nữ xã Nấm Lư đã thành lập, duy trì hoạt động 2 tổ truyền thông cộng đồng tại thôn Ngam Lâm và thôn Cốc Mạc. Hằng tháng, các tổ truyền thông tổ chức các hoạt động như phát tờ rời, lồng ghép nội dung vào các buổi họp thôn, tổ chức đối thoại chuyên đề giúp người dân hiểu các quy định của pháp luật về bình đẳng giới; loại bỏ định kiến giới, hủ tục; chuyển đổi sản xuất, phát triển kinh tế...
Trong năm 2023, tổ truyền thông cộng đồng cùng cán bộ hội đã phối hợp với các đoàn thể của thôn tổ chức 2 buổi tuyên truyền về chính sách hỗ trợ phụ nữ thuộc hộ nghèo khi sinh con đúng chính sách dân số; chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, với 115 lượt người tham gia.
Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ xã tổ chức 1 buổi truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình và tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nhân ngày Gia đình Việt Nam (28/6) tại thôn Sao Cô Sỉn, thu hút 125 hội viên phụ nữ và người dân tham gia.
Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng các tổ truyền thông cộng đồng đã có nhiều sáng tạo, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phù hợp với từng nội dung, đối tượng. Nhờ đó, người dân trong xã đã có những thay đổi trong nhận thức và hành động về bình đẳng giới. Nam giới đã có sự chia sẻ, ủng hộ nhiều hơn với phụ nữ, làm tốt vai trò của người chồng, người cha trong gia đình; vai trò, tiếng nói của nữ giới trong gia đình được nâng lên. Điển hình như gia đình chị Ma Thị Phượng (dân tộc Nùng), hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Ngam Lâm. Được Hội Phụ nữ xã hướng dẫn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, gia đình chị Phượng đã vay 60 triệu đồng để đầu tư trồng gần 1 ha chè. Ban ngày, vợ chồng chị tập trung chăm sóc, thu hoạch chè, đến tối cùng chia sẻ việc nhà và hướng dẫn con cái học tập. Anh Lù Văn Chản, chồng chị Phượng tâm sự: Từ khi được hỗ trợ vay vốn, vợ chồng tôi có công việc và thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình bớt khó khăn, vợ chồng hòa thuận hơn.
Không chỉ gia đình anh Chản, chị Phượng mà nhiều gia đình hội viên phụ nữ khác trên địa bàn đã được Hội Phụ nữ xã hỗ trợ, hướng dẫn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế, với tổng dư nợ hơn 4 tỷ đồng.
Ngoài ra, Hội Phụ nữ xã Nấm Lư đã tuyên truyền, triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” tới hội viên, phụ nữ, đồng thời phối hợp tổ chức các buổi tập huấn phòng, chống sâu, bệnh hại lúa, cách bón phân và chăm sóc chè, thu hút 45 lượt hội viên, phụ nữ tham gia; vận động hội viên, phụ nữ và người dân trồng 6 ha ớt và 50 ha chè. Bà Sin Thị Phượng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Pạc Ngam cho biết: Nhờ tập trung phát triển kinh tế mà nhiều gia đình trong thôn có thu nhập ổn định, nam giới có trách nhiệm hơn, biết chia sẻ với phụ nữ từ chăn nuôi, trồng trọt đến nuôi dạy con.
Bên cạnh việc quan tâm nâng cao quyền năng kinh tế của hội viên, phụ nữ, Hội Phụ nữ xã Nấm Lư còn phát động các phong trào thi đua nhằm thu hút hội viên, phụ nữ tham gia, như triển khai mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Đồng thời, Hội Phụ nữ xã phối hợp với Trạm Y tế vận động được 2.873 lượt hội viên, phụ nữ và người dân tham gia khám sức khỏe; 37 lượt khám thai; 173/189 trường hợp sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn; tổ chức 26 buổi tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình, vệ sinh an toàn thực phẩm, cách phòng, chống các bệnh lây truyền cho 848 lượt hội viên, phụ nữ.