Hàng quán trước cổng một trường học ở TPHCM.
Rẻ tiền, dễ mua, khó an toàn
Trước cổng các bệnh viện lớn hoặc trường học dễ dàng bắt gặp các quầy hàng di động bày bán đủ loại thức ăn, nước uống. Việc mua bán tấp nập thường diễn ra vào giờ người dân đi làm, trẻ nhỏ đi học. Trưa 3-5, gần chục quầy bán cơm, bún, bánh mì, nước giải khát hoạt động tấp nập dọc hai bên đường Điện Biên Phủ, đoạn trước cổng Bệnh viện Bình Dân. Điểm đặt bàn ăn cho khách sát bên cống thoát nước, cũng là nơi vứt rác, rửa các dụng cụ đựng thực phẩm của quán cơm. Tuy vậy, người bệnh hoặc thân nhân vẫn chấp nhận ăn một suất cơm giá rẻ cho nhanh gọn, bỏ qua mối lo về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hầu hết các xe bán thực phẩm đường phố đều trang bị đơn giản, nguyên liệu không được che chắn kỹ.
Tại một quầy bánh mì trên đường Nguyễn Gia Thiều (quận 3), người phụ nữ bán hàng luôn tay và không sử dụng găng tay, nhưng khách không bận tâm. “Tôi thấy việc này không quá quan trọng. Bánh ở đây ngon và rẻ, tiện đường đi làm nên tôi rất hay mua”, chị Lê Thị Giang (TP Thủ Đức) cho hay.
Vấn đề an toàn thực phẩm với thức ăn đường phố không phải chuyện mới nhưng chưa bao giờ thôi căng thẳng. Cơ quan quản lý, chính quyền địa phương đã có những biện pháp cụ thể, nhà trường cũng khuyến cáo đến phụ huynh và học sinh, tuy nhiên tình trạng sử dụng thực phẩm mất an toàn vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Chị Trần Thị Tý (ngụ TP Thủ Đức) cho biết, chị không cho con trai 7 tuổi mua bánh mì trước cổng trường ăn sáng, sau khi biết tin 15 học sinh tiểu học nhập viện vì nghi ngộ độc thực phẩm. “Trước cổng trường của con tôi là một dàn hàng đồ ăn sáng, họ hay tặng kèm nước ngọt hoặc đồ chơi nên bọn trẻ rất thích. Sau 16 giờ, người ta lại bán kem và kẹo bông, nhiều trẻ con đòi bố mẹ mua. Con tôi thấy bạn ăn nên cũng xin tiền mẹ để mua, nhưng từ nay tôi tuyệt đối không cho bé ăn vặt ở cổng trường nữa”, chị Tý tâm sự.
Bệnh nhi nghi ngộ độc thực phẩm từ Đồng Nai đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM.
Nắng nóng đỉnh điểm, nguy cơ tăng cao
BS CK1 Lý Kha Niến, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho biết, nắng nóng gay gắt hiện nay là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, thức ăn dễ bị ôi thiu hay nhiễm vi trùng, ký sinh trùng nếu không được bảo quản đúng cách. Nguy cơ này càng cao hơn với thức ăn đường phố, khi phần đông người bán không chấp hành các quy định về dụng cụ bảo hộ, dụng cụ bảo quản hoặc nguồn gốc nguyên liệu. “Có quầy hàng ngoài đường để thức ăn từ sáng đến chiều trong thời tiết nắng nóng, thực phẩm rất dễ bị ôi thiu, nhất là với đồ sống, đồ lên men. Khi ăn thực phẩm nhiễm vi khuẩn như E.coli, Salmonella…, người bệnh sẽ bị rối loạn tiêu hóa, nhiễm trùng đường ruột, mức độ nặng nhẹ phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể”, bác sĩ Lý Kha Niến thông tin.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM, việc kiểm soát thực phẩm bên ngoài trường học gặp không ít khó khăn, nhất là với các điểm kinh doanh hàng rong. Bà Phạm Khánh Phong Lan khuyến cáo phụ huynh hạn chế cho trẻ nhỏ sử dụng quà vặt ngoài cổng trường, hạn chế cho con tiền tiêu vặt, từ đó giúp phòng ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa. Sở sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất các bếp ăn tập thể, căn tin trong trường học cũng như tại các công ty, bệnh viện, doanh nghiệp, khu chế xuất... để đảm bảo an toàn và chất lượng. Trong đợt này, sở sẽ tập trung nhiều hơn vào mảng trường học.
“Dù TPHCM đang kiểm soát tốt nhưng sự cố ngộ độc thực phẩm tập thể ở học sinh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nếu người dân và cơ quan chức năng lơ là cảnh giác. Người dân khi có thông tin hay chứng kiến hành vi mất an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất kinh doanh, cần báo về cơ quan quản lý chức năng qua đường dây nóng (028) 39301714 để xử lý kịp thời”, bà Phạm Khánh Phong Lan khuyến cáo.