Về Bảo Yên những ngày đầu xuân, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước diện mạo mới của miền đất có hai dòng sông. Từ những tuyến đường trục thôn, ngõ xóm được bê tông rộng rãi, hai bên tô điểm sắc hoa, nhà dân được chỉnh trang tươi mới đến đời sống tinh thần, tình làng nghĩa xóm ngày càng được vun đắp đoàn kết, gắn bó… đã khoác lên miền đất này “tấm áo” tươi sáng.
Đến thôn Mường Kem, xã Nghĩa Đô, chúng tôi ấn tượng với những ngôi nhà sàn truyền thống được cách điệu bằng vật liệu mới, xung quanh là vườn hoa, cây xanh mát mắt. Những con đường bê tông rộng sạch, ven đường phủ đầy sắc hoa tạo vẻ đẹp riêng cho miền quê hạnh phúc. Trong câu chuyện ngày xuân với người dân, chúng tôi cảm nhận sự đoàn kết, gắn bó, vì sự phát triển của quê hương. Ông Nguyễn Văn Bốn, Trưởng thôn Mường Kem hào hứng kể: Năm 2021, Mường Kem “cán đích”, trở thành thôn kiểu mẫu đầu tiên của xã. Kết quả đó là nhờ bà con trong thôn đoàn kết, phát huy nội lực trong phát triển kinh tế, góp công, góp của, hiến đất xây dựng đường quê, nhà văn hóa, các công trình công cộng. Thôn Mường Kem có 110 hộ, hiện chỉ còn 3 hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt 48 triệu đồng/người/năm.
Là xã được chọn xây dựng nông thôn mới nâng cao, Nghĩa Đô đang chuyển mình mạnh mẽ. Những tuyến đường thôn, xóm được mở rộng, bê tông kiên cố, người dân trồng hoa, cây xanh hai bên tạo cảnh quan. Nhà văn hóa các thôn được xây dựng phục vụ sinh hoạt cộng đồng, nhà ở dân cư được xây dựng, chỉnh trang…
Đầu năm 2023, xã đạt 9/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chung sức thực hiện các tiêu chí cơ bản, gồm: Giao thông, thủy lợi, môi trường, nhà ở dân cư…; huy động người dân đóng góp gần 1.700 công lao động, làm mới hơn 6 km đường trục thôn và vệ sinh đường thôn, xóm; trồng hơn 7 km đường hoa; 40 nhà ở dân cư được chỉnh trang, làm mới… Đến nay, Nghĩa Đô đạt 16/19 tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3%, thu nhập bình quân đạt 51 triệu đồng/người/năm. Đây là động lực để xã phấn đấu đạt các tiêu chí khác, “về đích” xã nông thôn mới nâng cao đúng lộ trình.
Những năm gần đây, Xuân Hòa nổi bật với những mô hình sản xuất mới cho hiệu quả kinh tế cao (sản xuất quế giống, quế hữu cơ, trồng chuối, chè…); nhiều tuyến đường lên khu sản xuất được mở rộng, đổ bê tông thuận lợi cho vận chuyển nông sản. Anh Lý Văn Bụ, Trưởng thôn Mo 1 chia sẻ: Sau khi được tuyên truyền, người dân hiểu rằng, nông thôn mới giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nên bà con đều đồng tình ủng hộ. Năm 2023, người dân đã tình nguyện hiến hơn 800 m2 đất và đóng góp hàng trăm ngày công để mở rộng, đổ bê tông đường.
Bức tranh nông thôn Bảo Yên được tô đẹp thêm qua cách làm sáng tạo, thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Huyện đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như vùng trồng quế hơn 25.000 ha (có 500 ha đạt chứng nhận hữu cơ tiêu chuẩn châu Âu); vùng trồng chè 589 ha (với 200 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP); vùng trồng chuối với 265 ha (30 ha chuối ngự đạt chứng nhận VietGAP), hơn 260 ha cây ăn quả; toàn huyện có 35 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.
Hướng tới cơ cấu kinh tế hợp lý, huyện luôn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã tạo môi trường thuận lợi nhất cho các tổ chức kinh tế, cá nhân đầu tư sản xuất, khuyến khích phát triển các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Trên địa bàn huyện hiện có 10 doanh nghiệp liên kết sản xuất, chế biến các sản phẩm cây trồng chủ lực, nhiều nhất là các doanh nghiệp sản xuất, chế biến quế, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Từ kết quả đầu tư mở rộng, tăng quy mô sản xuất, kinh doanh trong xây dựng nông thôn mới mà đời sống người dân được nâng cao. Năm 2023, thu nhập bình quân người dân khu vực nông thôn đạt 43,32 triệu đồng (tăng 3,13 triệu đồng so với năm 2022); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,16% (giảm 4,3% so với năm 2022); trên 95% hộ có nhà ở đạt chuẩn; 98% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh. Kết quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới đạt 14,19 tiêu chí/xã, tăng 3,88 tiêu chí/xã so với năm 2022; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất canh tác đạt 90 triệu đồng, tăng 43 triệu đồng so với năm 2015…
Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện tiếp tục đạt những kết quả khả quan, nhiều công trình hạ tầng nông thôn được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của Nhân dân. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra việc làm mới, nâng cao thu nhập của người dân.
Với mục tiêu huyện Bảo Yên được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn vào năm 2025, phấn đấu 100% xã được công nhận đạt chuẩn và duy trì đạt chuẩn nông thôn mới, có ít nhất 2 xã nông thôn mới nâng cao, thị trấn Phố Ràng được công nhận đạt chuẩn văn minh, Đảng bộ, chính quyền huyện Bảo Yên đã đề ra các giải pháp then chốt. Trong đó tập trung vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, triển khai thực hiện các ngành nghề phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng, phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới; chú trọng phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác, hình thành các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, gắn sản xuất nông nghiệp với chế biến, thương mại, du lịch, dịch vụ. Huyện ưu tiên, quyết liệt triển khai các tiêu chí nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân như giảm nghèo, tăng thu nhập, đẩy mạnh thi đua nhằm phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu như mô hình “Chính quyền thân thiện” đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động hành chính và dịch vụ công, tạo được sự hài lòng, tin cậy của người dân đối với chính quyền; phong trào “10 phút góp phần cải thiện môi trường” đã huy động sự vào cuộc của cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, thiết thực thực hiện hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới.
Bằng tư duy đổi mới sáng tạo, trên tinh thần chủ động, nỗ lực, tích cực, với sự đoàn kết, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và khát vọng vươn lên mạnh mẽ trong mỗi người dân, huyện Bảo Yên tự tin bước từng bước vững chắc “về đích” nông thôn mới đúng hẹn.