Thu hái xong lứa chè cuối năm 2024, gia đình anh Triệu Xuân Ánh (xã Xuân Hòa) chuyển sang chăm sóc cây mắc ca trồng xen trong nương chè. Cuối năm trước, khi dự án trồng cây mắc ca xen chè được triển khai tại địa phương, anh Ánh được hướng dẫn trồng cây đúng mật độ để sau này mắc ca vừa che bóng, vừa cho thu hoạch quả nhưng vẫn đảm bảo chè được hái búp hằng năm.
![Chè là cây trồng lâu năm mang lại hiệu quả kinh tế khá ổn định. 1.jpg](https://cdn.baolaocai.vn/images/83bc3f796ef457ce18169aac03c425cb8d41c21b80a2a2590ba50ed8e0b4a8fa20d3423f0fcc2c1921aff25c359f2ee4/1.jpg)
Anh Triệu Xuân Ánh chia sẻ: Gần chục năm gắn bó với cây chè, tôi nhận thấy tuy không mang về nguồn thu lớn trong một thời điểm nhưng chè là cây lấy ngắn nuôi dài, là cây giảm nghèo cho nông dân, tạo thu nhập để phục vụ chi tiêu hằng ngày. Vì vậy, dù nhiều hộ trong xã đã dần thay thế cây chè bằng cây quế nhưng gia đình tôi vẫn quyết giữ lại nương chè.
Theo đánh giá của UBND xã Xuân Hòa, từ năm 2018 trở về trước, cây chè là cây chủ lực đem lại thu nhập ổn định cho người dân nhưng vài năm gần đây, diện tích chè của xã đã giảm mạnh từ 330 ha xuống 106 ha. Đó là chưa tính diện tích chè đã được người dân trồng xen cây quế với mật độ dày để sau này quế lớn lên sẽ phá bỏ chè.
Ông Hoàng Văn Nhâm, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết: Để duy trì và phát triển vùng chè, UBND xã đã chỉ đạo các thôn tuyên truyền, vận động người dân không chặt bỏ cây chè để trồng sắn, quế. Đồng thời, vận động các hộ trồng xen quế vượt quá mật độ quy định cây che bóng trong nương chè thực hiện việc di dời quế ra khỏi nương chè.
![Huyện Bảo Yên chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, vận động người dân tập trung chăm sóc nhằm nâng cao năng suất, chất lượng chè búp tươi. 3-4557.jpg](https://cdn.baolaocai.vn/images/83bc3f796ef457ce18169aac03c425cb5bb3864a275bf4c302fbc82a02200a22807e1e2bfb1ca50d4ce060114aade565/3-4557.jpg)
Theo số liệu của huyện Bảo Yên, năm 2020, tổng diện tích chè của huyện đạt 756 ha, sản lượng đạt 3.860 tấn. Giai đoạn 2019 - 2022, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc xuất khẩu chè gặp nhiều khó khăn, giá thu mua giảm, người trồng chè bị giảm thu nhập đáng kể dẫn đến tình trạng nhiều hộ chặt bỏ hoặc trồng xen cây quế vào diện tích chè. Hiện, diện tích chè toàn huyện là 283,6 ha (giảm 472,4 ha so với năm 2020, trong đó giảm 13,4 ha do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3).
Trên thực tế, chè vẫn là cây trồng lâu năm mang lại hiệu quả kinh tế khá ổn định. Đây được gọi là cây xóa đói, giảm nghèo, là cây trồng cho người nghèo, do vậy huyện Bảo Yên vẫn định hướng duy trì và khôi phục vùng chè tập trung. Thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, huyện Bảo Yên phấn đấu đến năm 2025 phát triển vùng nguyên liệu chè hơn 800 ha, đồng thời cải tạo, thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng chè; phấn đấu năng suất chè bình quân đạt 86,37 tạ/ha, giúp nâng cao thu nhập cho người trồng chè.
Theo đó, huyện Bảo Yên chỉ đạo các hộ loại bỏ các cây trồng xen ra khỏi nương chè, đảm bảo mật độ cây che bóng phù hợp, đồng thời vận động, tuyên truyền người dân trồng lại các diện tích chè đã tự ý chặt bỏ. Tập trung nâng cao năng suất, chất lượng chè ổn định; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kế hoạch phát triển và ổn định thị trường tiêu thụ, tăng hình thức chế biến sản phẩm chè chất lượng cao, có giá trị, tạo thương hiệu mạnh trên thị trường (chè xanh duỗi, chè Ô long, hồng trà, bạch trà, trà matcha, trà túi lọc...).
Ông Nguyễn Văn Nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên cho biết: Để duy trì và phát triển cây chè bền vững, huyện triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó thực hiện quy trình thiết kế nương đồi, trồng cây che bóng, áp dụng các biện pháp kỹ thuật có hiệu quả trong thâm canh nâng cao chất lượng vùng chè. Tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho người dân về lợi ích bền vững, lâu dài của việc trồng, thâm canh chè; các kỹ thuật từ khâu làm đất, trồng chè, chăm sóc chè theo hướng hữu cơ.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống chè, cải tạo, thay thế giống chè năng suất thấp bằng những giống mới có năng suất, chất lượng cao (Kim Tuyên, Tứ Quý...). Thực hiện cải tạo, trồng dặm bổ sung mật độ chè mất khoảng; tiếp tục mở rộng đối với nơi có điều kiện; áp dụng VietGAP cho diện tích chè kinh doanh. Xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về thâm canh, tăng năng suất đối với cây chè, duy trì 100% diện tích chè kinh doanh đã được cấp chứng nhận VietGAP, định hướng trồng mới chè theo hướng hữu cơ, đồng thời khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả lao động và giá trị sản xuất...
![Thời gian tới huyện Bảo Yên sẽ thu hút đầu tư, đẩy mạnh chế biến, chế biến sâu, đa dạng sản phẩm chè đáp ứng yêu cầu thị trường, giúp phát triển bền vững cây chè. 2-798.jpg](https://cdn.baolaocai.vn/images/83bc3f796ef457ce18169aac03c425cbe2e991e6cebd4faf17416e9aa5e5500d5621a249de398d382285d9b9db068803/2-798.jpg)
Thực hiện liên kết giữa doanh nghiệp chế biến chè với nông dân từ xây dựng vùng nguyên liệu đến bao tiêu sản phẩm. Đẩy mạnh chế biến, chế biến sâu, đa dạng sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường, tạo ra các sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Kết thúc vụ sản xuất năm 2024, nông dân Bảo Yên thu hoạch được 1.800 tấn chè búp tươi, với giá bán từ 6.000 - 10.000 đồng/kg, mang về nguồn thu hơn 30 tỷ đồng. Đây là thông tin tích cực để người dân yên tâm gắn bó với cây chè - một trong những cây trồng được xác định là chủ lực của địa phương.