Phóng viên: Thưa ông, đề nghị ông cho biết các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh được thực hiện từ vốn đầu tư công sẽ có tác động như thế nào đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh?
Ông Phan Trung Bá: Năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro. Tình trạng bất ổn an ninh, chính trị tiếp tục leo thang tại một số quốc gia, khu vực…
Chính sách tiền tệ tại nhiều nền kinh tế lớn tiếp tục được điều hành thận trọng theo hướng thắt chặt; giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu thế giới biến động mạnh, tạo sức ép lên lạm phát và tăng trưởng toàn cầu. Kinh tế thế giới phục hồi không đồng đều; nhiều tổ chức quốc tế điều chỉnh, dự báo tăng trưởng năm 2024 ở mức thấp.
Trong bối cảnh đó, việc thực hiện hiệu quả các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh được thực hiện từ vốn đầu tư công có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, góp phần khơi thông điểm nghẽn, đưa dòng vốn đầu tư công vào nền kinh tế, thu hút đầu tư, dẫn dắt tăng trưởng vốn đầu tư toàn xã hội, tạo ra động lực, không gian phát triển mới.
Các công trình, dự án được thi công và đẩy nhanh tiến độ còn góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng cho địa phương, tạo thuận lợi hơn cho phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
Phóng viên: Vậy, tình hình giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh hiện nay ra sao, thưa ông?
Ông Phan Trung Bá: Giải ngân vốn đầu tư công được coi là “đòn bẩy” phục hồi nền kinh tế sau những ảnh hưởng suy thoái kinh tế.
Ngay từ tháng đầu năm 2024, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó đã xác định mục tiêu phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn. Với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự nỗ lực không kể ngày, đêm của các địa phương, đơn vị, chủ đầu tư, công tác giải ngân của tỉnh Lào Cai đạt kết quả quan trọng.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, kết quả giải ngân đến hết tháng 6/2024 tỉnh Lào Cai đạt 43% kế hoạch giao của năm và bằng 54% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Với kết quả đó, tỉnh Lào Cai nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước (trung bình cả nước đến hết tháng 6 đạt 29,39% kế hoạch).
Phóng viên: Hiện nay vẫn còn một số dự án, công trình trọng điểm của tỉnh chậm tiến độ, thậm chí chậm kéo dài nhiều năm, vậy đâu là nguyên nhân và tác động, hệ lụy từ những dự án chậm tiến độ?
Ông Phan Trung Bá: Thực tế trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số dự án chậm tiến độ, nguyên nhân chủ yếu như sau:
Thứ nhất, công tác chuẩn bị dự án chưa thật sự tốt, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư dự án chưa phù hợp, dẫn tới phải điều chỉnh nhiều lần; vướng mắc giải phóng mặt bằng; năng lực nhà thầu thi công hạn chế.
Thứ hai, theo quy định, từ khi hình thành dự án đến khi có thể giải ngân được vốn, tổ chức thi công trải qua nhiều giai đoạn, tương ứng với từng giai đoạn thì quy trình, trình tự, thủ tục chịu sự điều chỉnh của nhiều luật.
Trước hết, dự án phải được phê duyệt chủ trương đầu tư làm cơ sở giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn (trừ chương trình mục tiêu quốc gia không phải phê duyệt chủ trương đầu tư), tiếp đó là quyết định đầu tư dự án để giao kế hoạch vốn đầu tư hằng năm. Mỗi giai đoạn có những vướng mắc khác nhau, trong khi đó phải được thực hiện tuần tự theo quy định của pháp luật, tuân thủ thời gian, không được thực hiện trước các hoạt động, nên nếu có vướng mắc nhỏ thì cũng sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ tiến độ tổng thể của dự án.
Thứ ba, về mặt khách quan, một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật chậm ban hành, sửa đổi và còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất; phân cấp, phân quyền còn vướng mắc như chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng, quản lý khoáng sản là vật liệu thông thường, tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập… Trung ương đang rà soát, lấy ý kiến của các đơn vị, địa phương về sửa đổi Luật Đầu tư công.
Thứ tư, vướng mắc giải phóng mặt bằng chủ yếu liên quan đến cơ chế, chính sách về đất đai, quy hoạch, bồi thường có nhiều nội dung chưa phù hợp với thực tế.
Phóng viên: Như ông đề cập ở trên, làm tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vậy, sở Kế hoạch và Đầu tư đã và đang có những tham mưu cho tỉnh giải pháp gì để đạt mục tiêu trên, thưa ông?
Ông Phan Trung Bá: Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu, báo cáo UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh đề cao trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng trên địa bàn; nâng cao chất lượng công tác quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh, đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư dự án, yêu cầu đơn vị, chủ đầu tư cam kết thời gian hoàn thành đối với từng bước chuẩn bị đầu tư thực hiện dự án.
Hai là, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền; xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành; các địa phương, chủ đầu tư và các cá nhân có liên quan gây ảnh hưởng đến việc chậm triển khai dự án, không đảm bảo tiến độ giải ngân và chất lượng công trình.
Ba là, thường xuyên rà soát, bổ sung, điều chỉnh vốn từ các công trình có tiến độ giải ngân thấp sang các dự án có khả năng giải ngân để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.
Bốn là, thực hiện các biện pháp kiểm soát giá, kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng... tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm, chất lượng, giá bán nguyên - vật liệu xây dựng phục vụ các dự án đầu tư công
Năm là, yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan đến công tác giải ngân các nguồn vốn xây dựng cơ bản (như các cơ quan thẩm định, giám sát, kiểm soát chi…) tạo mọi điều kiện, cắt giảm các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi nhất cho các chủ đầu tư, các doanh nghiệp thi công thực hiện các công trình, dự án, giải ngân vốn.
Phóng viên: Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn của Báo Lào Cai!