Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và hiện thực hóa chủ trương của tỉnh “Giữ rừng, giữ nước, giữ môi trường, giữ Nhân dân, giữ biên giới” đã có hàng trăm hộ di chuyển ra khu vực vùng biên để phát triển kinh tế, bảo vệ biên cương. Tại đây, đội ngũ người có uy tín là “hạt nhân” quan trọng trong vận động đồng bào, làm gương để cư dân biên giới vững lòng tin, tích cực bảo vệ biên giới, dựng xây cuộc sống mới bình yên.
Cách đây hơn 60 năm, Đảng ta đưa ra quyết sách lớn nhằm vận động đồng bào miền xuôi lên các tỉnh miền núi, trong đó có Lào Cai, để khai hoang, phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, nhiều bản làng, thôn xóm trù phú đã hình thành dọc biên giới Lào Cai. Tuy nhiên, sau cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới năm 1979, vùng biên nhiều nơi bị hoang hóa. Có những dải đất biên giới còn đầy rẫy bom mìn sót lại sau chiến tranh, tình hình an ninh, trật tự tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nên không có người dân sinh sống.
Để xây dựng lại khu vực biên giới ấm no, giữ gìn mốc giới, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc, Lào Cai tiếp tục thực hiện cuộc vận động và hỗ trợ hàng trăm hộ dân di chuyển ra biên giới để lập nghiệp. Thực tế cho thấy, sau khi di chuyển, cuộc sống những ngày đầu bộn bề khó khăn, có những hộ dân đã quay trở lại nơi ở cũ, nhưng cũng có những người quyết tâm ở lại, tích cực vận động bà con bám trụ để vừa phát triển kinh tế, vừa gìn giữ tấc đất biên cương.
Điển hình như xã biên giới A Mú Sung, huyện Bát Xát. Ông Ma Seo Páo, người có uy tín của thôn Lũng Pô nhớ lại: Ngày đó, được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương khuyến khích, tôi đưa 19 hộ từ xã Dìn Chin, huyện Mường Khương chuyển về đây lập nghiệp. Gần tết Nguyên đán năm 2006, những lều lán đầu tiên được dựng lên ở thôn, một số người thấy khó khăn quá đã nản chí, rục rịch khăn gói quay trở lại quê cũ.
Quả thực, câu chuyện di chuyển người dân ra ở khu vực biên giới không đơn giản. Khi mới về thôn Lũng Pô, cuộc sống vô cùng khó khăn. Là “thủ lĩnh” của thôn, sau nhiều trăn trở, năm 2010, ông Páo vận động bà con chuyển từ trồng ngô sang trồng chuối, dứa mang lại thu nhập cao. Ông tự ươm cây giống bán chịu cho bà con khi nào thu hoạch thì trả tiền. Quyết định đó đã làm thay đổi hẳn đời sống đồng bào nơi này. Giờ đây, thôn vùng biên có 84 hộ người Mông, người Dao, thì khoảng 60 hộ có nhà xây kiên cố, trong đó có hơn chục ngôi nhà xây hai tầng, 5 nhà mua được ô tô.
Bám trụ ở mảnh đất biên giới, ông Páo luôn động viên các con học tập, phấn đấu trở thành đảng viên để góp sức xây dựng quê hương. Gia đình ông Páo hiện có 3 người con có trình độ đại học, cao đẳng, 4 người là đảng viên đang cống hiến xây dựng quê hương thứ hai - A Mú Sung. Ông Páo tự hào khi gia đình đã có 3 thế hệ sống ở mảnh đất này, trong đó 8 cháu nội, ngoại của ông được sinh ra “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”.
Trung tá Trần Mạnh Tài, Tổ trưởng Tổ công tác biên phòng Lũng Pô, Đồn Biên phòng A Mú Sung bảo: Ông Ma Seo Páo là người được bà con tin tưởng, nói dân nghe, làm dân theo. Ông còn giúp bộ đội biên phòng nắm tình hình trong thôn, tham gia hòa giải nhiều vụ mâu thuẫn nhỏ trong Nhân dân, giúp bà con hai bên biên giới thêm đoàn kết, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, thôn, bản bình yên.
Đi dọc dải biên giới Lào Cai, chúng tôi chứng kiến nhiều bản làng đã đổi thay rõ nét, nhiều thôn biên giới xanh tươi, trù phú. Nhưng câu chuyện ít người biết là những ngày đầu khi đồng bào các dân tộc di chuyển ra biên giới đã phải đối diện với nhiều khó khăn, trở ngại. Đặc biệt là những mối nguy hiểm tiềm ẩn như hoạt động của tội phạm, trộm cướp, các thế lực thù địch tìm cách dụ dỗ, lôi kéo, câu móc qua biên giới, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước… Trước tình hình đó, để giữ bình yên biên giới, những người có uy tín trong cộng đồng trở thành “cầu nối” của Đảng với Nhân dân, tuyên truyền, vận động Nhân dân cảnh giác với các đối tượng xấu, đoàn kết xây dựng và bảo vệ biên cương.
Rời vùng đất Lũng Pô, chúng tôi đến thôn biên giới Lao Chải của thị trấn Mường Khương tìm gặp ông Lồ Thế Chín, dân tộc Bố Y, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn, người có uy tín của thôn. Ông Chín cho biết: Thôn Lao Chải là vùng đất sát biên giới trước đây không có ai ở vì xa xôi, hoang vu, hẻo lánh. Khi di chuyển từ xã Tung Chung Phố về đây sinh sống, một số người vẫn bất chấp nguy hiểm, rủi ro, vượt biên sang Trung Quốc làm thuê. Tôi cùng các đảng viên trong chi bộ luôn nhắc nhở bà con chấp hành tốt các quy định của pháp luật tại khu vực biên giới. 3 năm qua, tình hình an ninh, trật tự trong thôn được duy trì tốt, không có người xuất - nhập cảnh trái phép, nghiện ma túy, trộm cắp, buôn lậu hàng hóa, mua bán người qua biên giới. Từ năm 2015 đến nay, thôn kết nghĩa với Tổ Pa Mao Chải, xã Kiều Đầu, huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) duy trì mối quan hệ hữu nghị.
Minh chứng là trong 2 năm dịch Covid-19 bùng phát, ông Chín cùng bộ đội biên phòng và các lực lượng trực chốt, ngăn chặn người xuất - nhập cảnh trái phép qua biên giới, không để dịch bệnh lây lan. Năm 2021, khi Trung Quốc thi công xây dựng hàng rào biên giới, ông Chín tham gia Tổ phản ứng nhanh, cùng lực lượng chức năng kiên quyết đấu tranh để đơn vị thi công phía nước bạn điều chỉnh xây hàng rào biên giới đúng ranh giới quy định.
Đến với mảnh đất biên giới Si Ma Cai, khi hỏi về đóng góp của đội ngũ người có uy tín, ông Lồ Xuân Chô, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Si Ma Cai cho biết: Toàn huyện có hơn 60 người có uy tín, trong đó có 22 người có uy tín tại các xã biên giới. Dựa vào đội ngũ người có uy tín làm nòng cốt, vùng biên Si Ma Cai đã xây dựng được 23 mô hình tự quản với 171 điểm mô hình, nổi bật là mô hình “Dòng họ tự quản về an ninh, trật tự ở khu vực biên giới” được Bộ Công an tuyên dương và giới thiệu nhân rộng ra toàn quốc.
Tỉnh Lào Cai có hơn 182 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, với 26 xã, phường, thị trấn thuộc 4 huyện và 1 thành phố biên giới. Khi trò chuyện với chúng tôi, lãnh đạo các địa phương đều khẳng định đội ngũ người có uy tín có đóng góp quan trọng trong xây dựng, bảo vệ biên cương.
Nhìn rộng ra toàn tỉnh, từ năm 2016 đến nay, dựa trên đội ngũ người có uy tín, các địa phương đã xây dựng được trên 20 “Dòng họ tự quản về an ninh, trật tự” tại các địa bàn giáp biên, tổ chức hàng nghìn buổi tuyên truyền; cung cấp nhiều nguồn tin, giúp lực lượng chức năng giải quyết hàng trăm vụ việc; tham gia cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ gần 30 người lầm lỗi tại cộng đồng.
Vừa qua, tỉnh Lào Cai có 7 người có uy tín tiêu biểu trong số 200 người có uy tín tiêu biểu khu vực biên giới, biển đảo trên toàn quốc được tôn vinh trong chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần thứ 2 năm 2024. Đây đều là những người có uy tín đang giữ các chức vụ trưởng thôn, bí thư chi bộ, công an viên bán chuyên trách của các thôn, bản biên giới, có nhiều cống hiến và thành tích trên các lĩnh vực, đặc biệt là bảo vệ đường biên, mốc giới của Tổ quốc, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Có thể khẳng định, thông qua việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và trở thành những tấm gương cho cư dân vùng biên, đội ngũ người có uy tín của Lào Cai đã góp phần không nhỏ trong xây dựng “thế trận lòng dân” trên tuyến biên giới, huy động sức mạnh của toàn dân trong tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Trình bày: Khánh Ly