Quay vềE-magazineTheo dõi Báo Lào Cai trênGoogle News
Bài 1: Giai thoại kể dưới gốc chè cổ thụ

Bài 1: Giai thoại kể dưới gốc chè cổ thụ

Những cây chè cổ thụ cứ lặng lẽ ra búp mỗi vụ, rồi tỏa hương thơm trong từng mẻ sao sấy của đồng bào thiểu số ở tít trên núi cao. Đơn giản chỉ là thức uống dân dã truyền lại qua bao thế hệ của đời người, để rồi giờ đây, kho “vàng xanh” được mở cửa, những gốc chè “trơ gan cùng tuế nguyệt” hàng trăm năm ấy đang được đánh thức và khơi mở tiềm năng bằng sự quan tâm bảo tồn, phát huy chất lượng, nâng tầm giá trị sản phẩm.

Lâu nay, đến các xã vùng cao trên địa bàn tỉnh Lào Cai, chúng tôi vẫn được nghe nhiều người dân địa phương kể câu chuyện thú vị về những rừng chè cổ thụ trên núi đã hàng trăm năm tuổi. Thực hư về những rừng chè bí ẩn đó như thế nào và câu chuyện đồng bào vùng cao thưởng trà thúc giục chúng tôi lên đường, hành trình đến miền sơn cước cheo leo.

b1-4701.jpg

Ngải Thầu, tiếng địa phương nghĩa là đầu núi đá, cũng là tên gọi cũ của một xã vùng cao nơi xa xôi, khó khăn nhất trên thượng nguồn sông Hồng thuộc huyện Bát Xát (nay thuộc xã A Lù, huyện Bát Xát). Sau hành trình vất vả đến Ngải Thầu nhìn xuống dưới thung lũng Thiên Sinh bồng bềnh trong mây, vậy nhưng Ngải Thầu vẫn chưa phải nơi cao nhất mà người Mông sinh sống. Chỉ tay lên phía đỉnh núi mờ xa chìm trong mây phủ, anh Lồ A Sính, Phó Chủ tịch UBND xã A Lù bảo trên đó là Ngải Thầu Thượng là một trong 2 thôn cao nhất xã, nằm ngay dưới đỉnh núi Ma Cha Va. Trên núi cao đó có rừng hồng trà, bạch trà cổ thụ hàng trăm năm tuổi được coi như “ báu vật” của Thần rừng.

3-474.jpg

Tháng Ba, thời tiết trên vùng đất Ngải Thầu vẫn rét căm căm. Đường lên Ngải Thầu Thượng nằm trên sống núi như sống lưng khủng long, hai bên là sườn núi dốc, mây cứ vờn lên, hạ xuống như cõi thần tiên. Chúng tôi đã phải “ồ!” lên sung sướng khi leo lên sườn núi gặp những cây chè cổ thụ đang bung nở từng chùm hoa đỏ thắm đẹp mê hồn. Trên mảnh đất cằn khô, những cây chè to bằng bắp đùi người lớn, không biết bao nhiêu tuổi, nhưng thân cây rêu mốc, vươn cao tới 4 - 5 mét. Điều kỳ lạ là trên núi cao hơn 2.100 m so với mực nước biển mà ngay phía dưới rừng chè cổ thụ, có một chiếc ao nhỏ, nước màu hồng đục mà người dân bảo đó là ao tiên không bao giờ cạn nước.

4-4002.jpg

Anh Lồ A Sính bảo, người già trong bản kể lại, từ thời xa xưa, có hai con Rồng bay đến núi Ma Cha Va rồi gặp nhau ở đây. Hai con rồng giao đấu, quần thảo suốt nhiều ngày tháng khiến cả một vùng như trời long, đất lở. Khi chúng bay đi, chỗ đó biến thành ao tiên như ngày nay. Nơi máu của hai con Rồng đổ xuống mọc lên loại chè quý ra hoa màu đỏ như huyết rồng. Người dân ở đây gọi cây chè hoa đỏ là “Thua die ta lia”, khi lấy lá chè về uống, nước chè có vị thơm dìu dịu, ngon hơn hẳn các loại chè thường. Cũng trên hành trình lên núi Ma Cha Va tìm rừng chè cổ thụ, chúng tôi được “mục sở thị” những cây chè cổ thụ xanh tốt, ra những bông hoa to như cái chén, cánh hoa trắng muốt, nhụy hoa màu vàng. Từ màu hoa của hai loại chè quý, người dân nơi đây gọi là hồng trà, bạch trà cho dễ phân biệt với nhau.

9-9349.jpg

Rời bản Mông dưới đỉnh núi Ma Cha Va bốn mùa mây phủ, chúng tôi hành trình ngược sông Chảy lên vùng đất Tả Thàng (huyện Mường Khương). Không giống với câu chuyện bí ẩn về hai loại chè quý trên núi Ma Cha Va, câu chuyện về đặc sản chè cổ thụ Tả Thàng đã được nhiều người biết tới. Dù vậy, để tận mắt chứng kiến rừng chè Shan tuyết cổ thụ và tận tay sờ vào từng gốc chè hàng trăm năm tuổi lại là chuyện khác.

Theo chân anh Lù Đức Lồi, cán bộ khuyến nông xã Tả Thàng, chúng tôi đến thôn Sú Dí Phìn, nơi được coi là “thủ phủ” của chè Shan tuyết cổ thụ. Khi đã đến đây thì không quá khó khăn để được chiêm ngưỡng những cây chè cổ thụ, vì đứng ngay bên đường cũng có thể chạm vào những cây chè Shan tuyết. So với những cây hồng trà, bạch trà trên núi Ma Cha Va thì những cây chè Shan tuyết ở đây to hơn nhiều, có cây một người ôm không hết, thân cành rêu phong, khúc khuỷu. Có những cây chè bị người dân đốn ngang thân đã lâu, nên cành nhánh mọc ra như những cánh tay ngoằn ngoèo, kỳ quái. Không phải chỉ vài chục, vài trăm cây chè, mà nhìn ra khắp vùng bạt ngàn một màu xanh, với hàng nghìn cây chè cổ thụ.

Tháng Ba, những cây chè đã tỉnh giấc sau giấc ngủ đông dài, từ đầu cành bật lên những búp chè non xanh mơn mởn. Tôi để ý, búp chè nào cũng có một lớp lông tơ mềm, mịn màu trắng như tuyết bao phủ. Có lẽ vì vậy, từ lâu người ta đã gọi đây là giống chè Shan tuyết. Nếu so sánh những cây chè Shan tuyết cổ thụ ở Tả Thàng với những cây chè tổ ở Suối Giàng (Yên Bái) hay bên mạn Hà Giang thuộc dãy Tây Côn Lĩnh thì cũng không kém nhau là mấy.

5-8455.jpg

Đặc biệt, đến nhà các hộ người Mông ở thôn Sú Dí Phìn, Tả Thàng, chúng tôi thấy nhà nào cũng có một vài cây chè Shan tuyết trong vườn, sau nhà, trước cổng. Thấy chúng tôi đến, già làng Thào Dinh, thôn Sú Dí Phìn chống gậy ra cổng vui vẻ trò chuyện, cười hể hả: Nhà báo hỏi những cây chè cổ thụ này à? Năm nay già 86 tuổi rồi. Từ khi còn bé tí, biết đi chăn trâu đã thấy những cây chè to hai, ba người ôm không hết mọc trên núi cao kia, tiếng Mông ở đây gọi là “Trao Trua”. Về sau, người dân làm nương, chặt hạ hết những cây chè to nhất, giờ chỉ còn những cây nhỏ hơn. Cây chè trước cổng lán này là nó tự mọc từ lâu lắm rồi, giờ to gần một người ôm, già cũng không biết nó bao nhiêu tuổi nữa. Còn mấy cây chè trong vườn kia già tự tay nhổ cây nhỏ về trồng, được khoảng 30 năm tuổi, nhưng cũng chỉ to bằng bắp chân.

b2-2265.jpg

Câu chuyện về những rừng chè cổ trên núi Ma Cha Va hoặc trên núi cao Tả Thàng, chúng tôi dành nhiều thời gian tìm hiểu nguồn gốc những cây chè cổ thụ trên địa bàn tỉnh. Thực tế, vùng đất Lào Cai thuộc khu vực Tây Bắc trập trùng núi non, nơi có dãy Hoàng Liên Sơn với đỉnh Fansipan cao 3.143 m được gọi là “Nóc nhà Đông Dương” và nhiều đỉnh núi cao từ 1.000 m đến trên 2.000 m so với mực nước biển với những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn, đa dạng hệ động - thực vật, là thiên đường cho những cây thuộc họ trà phát triển.

Trong đó, chè Shan là cây có nguồn gen quý, thường mọc tự nhiên trên núi có độ cao trên 1.000 mét so với nước biển. Một số diện tích được bà con sinh sống ở bản làng vùng cao đem trồng từ hạt đã qua nhiều thế hệ, trở thành cây lâu năm. Theo khảo sát mới nhất của ngành nông nghiệp Lào Cai, hiện toàn tỉnh có gần 76 ha chè Shan cổ thụ tập trung và hàng nghìn cây chè cổ thụ phân tán, hình thành các vùng chè cổ thụ tại 4 huyện: Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai và Bát Xát. Chè cổ thụ ở Lào Cai chủ yếu là giống chè Shan và xen lẫn diện tích có một ít cây chè cổ thụ búp tím.

6-631.jpg

Từ lâu, đồng bào các dân tộc vùng cao trên địa bàn tỉnh như người Mông, Dao, Tày, Hà Nhì… đã sống dựa vào rừng. Rừng không chỉ cho người dân gỗ để làm nhà, cho nguồn nước để phát triển sản xuất nông nghiệp, mà còn là nguồn cung cấp các loại thực phẩm như rau, củ, quả cho bữa ăn hàng ngày. Sống gần những rừng chè cổ thụ, từ hàng trăm năm trước, đồng bào các dân tộc đã biết tới tác dụng của cây chè và sử dụng chè đun nước uống hằng ngày. Tuy nhiên, mỗi dân tộc có cách chế biến chè khác nhau.

Trở lại câu chuyện ở nhà già làng Thào Dinh, xã Tả Thàng, ông kể với chúng tôi, ngày trước người Mông ở Tả Thàng thường bẻ cành, hái ngọn chè về cho vào nồi đun nước uống hằng ngày. Nước chè đun sôi có màu vàng như mật ong, thơm dịu, ban đầu uống có vị chan chát nhưng uống xong để lại vị ngọt rất lâu trong vòm họng. Về sau, người Mông ở Tả Thàng đã biết cách dùng chảo gang để sao chè cho khô, giúp bảo quản chè được lâu hơn. Khi có khách đến nhà chơi, chỉ cần bỏ một nắm chè khô vào bình pha nước nóng để uống, không phải vất vả lên núi hái chè tươi nữa.

mo-cua-kho-vang-xanh-2-4820.jpg

Cách đây ít lâu, trong một lần đến xã Y Tý (huyện Bát Xát), vào thôn Sim San là thôn người Dao sinh sống, cũng là nơi còn nhiều cây chè Shan tuyết cổ thụ, chúng tôi được xem đồng bào Dao đỏ chế biến chè theo một cách khác. Chị San Mẩy, phụ nữ Dao ở đây bảo vào mùa xuân, khi mưa rào đổ xuống, chè cổ thụ ra đầy búp non. Chọn buổi sáng có nắng sớm, bà con vào rừng hái từng tôm chè là phần non nhất mang về trải đều ra từng nong phơi bên hiên nhà.

7-6301.jpg

Rót chén nước chè Shan tuyết có màu vàng nhẹ, thoang thoảng hương thơm mời khách, chị Mẩy chia sẻ: Chè này chỉ phơi gió cho khô dần, giữ được nguyên hình dáng từng tôm chè và màu trắng của lớp lông tuyết. Tuyệt đối không được đem chè ra phơi trực tiếp dưới ánh nắng vì búp chè sẽ bị se lại, chè chuyển màu, hương vị cũng không còn nguyên vẹn nữa. Chè hong gió chừng một tuần thì có thể cất đi, khi cần thì mang ra pha với nước nóng để thưởng thức. Chè Shan tuyết hong gió là đặc sản của người Dao đỏ ở Sim San, mỗi gia đình chỉ làm đủ dùng, thường để mời khách quý đến thăm nhà hoặc để uống trong những ngày lễ, tết.

Theo cuốn Cây chè Shan rừng Việt Nam, tác giả Nguyễn Quốc Vọng (Hiệp hội Chè Việt Nam) viết:

Chè Shan là 1 trong 4 loài chè (theo phân loại của Cohen Stuart) là giống chè tìm thấy ở bang Shan của Miến điện/Burma (Myanmar ngày nay).

Chè Shan rừng là giống chè mọc hoang hoặc được trồng nhưng phát triển tự nhiên trong rừng (mọc ở độ cao từ 700 mét đến 2.800 mét). Trong nhiều giống chè Shan rừng được biết đến, chỉ có giống chè Shan tuyết là được dùng nhiều nhất để chế biến trà. Gọi là chè Shan tuyết vì lá búp (lá tôm) của giống chè này có một lớp lông tơ mịn phủ trắng như tuyết.

Chè Shan tuyết vốn có các hoạt tính sinh học cao, nên dù chế biến thành trà trắng, trà vàng, trà xanh, trà đỏ, trà đen hay bánh trà lên men đều cho chỉ số chất lượng cao hơn hẳn so với các loại trà xanh, trà đen bình thường khác trong và ngoài nước. Như vậy, trà Shan tuyết ở Việt Nam tự nó đã là một thương hiệu nổi tiếng, không nhất thiết phải bắt chước làm sao cho giống trà Tàu, trà Nhật, mà chỉ cần tập trung vào chất lượng, chế biến theo cách của Việt Nam để có một dòng trà Shan tuyết “thơm, ngon, ngọt, chát” độc đáo, xứng đáng là vua của các loại trà Việt mà tổ tiên đã từng ca ngợi.

Trình bày: Hoàng Thu

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường làm việc tại xã La Pan Tẩn và xã Tả Thàng (Mường Khương)

Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường làm việc tại xã La Pan Tẩn và xã Tả Thàng (Mường Khương)

Sáng 17/11, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác của tỉnh đã đến thăm, làm việc với Đảng ủy, UBND xã La Pan Tẩn và xã Tả Thàng (Mường Khương). Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Nỗ lực nâng cao đời sống người dân

Nỗ lực nâng cao đời sống người dân

Quan tâm triển khai công tác đầu tư, xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng; tích cực phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các dân tộc vùng cao Si Ma Cai.

Điều chỉnh Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Điều chỉnh Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Nhằm hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương vừa tiến hành Phiên họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: 2021-2025.

Trở thành nông dân Việt Nam xuất sắc từ nghề nuôi cá

Trở thành nông dân Việt Nam xuất sắc từ nghề nuôi cá

Gắn bó với nghề nuôi cá hơn 30 năm, trải qua bao thăng trầm nhưng với niềm đam mê, quyết tâm và sự sáng tạo, anh Nguyễn Văn Hợp, thôn Khởi Khe, thị trấn Nông trường Phong Hải, huyện Bảo Thắng đã trở thành một trong những nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024.

Bài 2: Phát huy tuyên vận trong xây dựng nông thôn mới

"Đất thép" Mường Khương tự tin bước vào thời kỳ mới Bài 2: Phát huy tuyên vận trong xây dựng nông thôn mới

Xác định tuyên vận là cách cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, thời gian qua, huyện Mường Khương đã dành sự ưu tiên xứng đáng công tác tuyên vận đối với chương trình xây dựng nông thôn mới và đạt được hiệu quả rất tích cực.

Đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng khoa học công nghệ cho cây trồng

Đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng khoa học công nghệ cho cây trồng

Những năm qua, việc ứng dụng công nghệ khoa học trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giúp người nông dân gia tăng giá trị thu nhập trên cùng một diện tích canh tác, cung ứng ra thị trường những sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo nên sự đổi thay tích cực từ phương thức canh tác truyền thống.

Tăng cường các biện pháp bảo vệ chim di cư

Tăng cường các biện pháp bảo vệ chim di cư

Từ tháng 9 năm trước đến khoảng tháng 4 năm sau là thời gian các loài chim hoang dã, di cư thường tìm về trú ngụ và kiếm ăn trên các cánh đồng ở một số huyện trên địa bàn tỉnh như Bát Xát, Bảo Thắng, Bảo Yên, thành phố Lào Cai… Đây cũng là thời gian thợ săn tăng cường săn bắt, đánh bẫy chim hoang dã, di cư.

Công tác giảm nghèo ở Bảo Thắng

Công tác giảm nghèo ở Bảo Thắng

Nhiều năm trước, gia đình bà Lương Thị Kim ở thôn Lạng, xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng thuộc diện hộ nghèo khi cả 2 vợ chồng sức khỏe yếu, thiếu vốn sản xuất. Được sự động viên của cán bộ rồi thấy bà con trong thôn đều có thu nhập khá nhờ mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, sản xuất, gia đình bà quyết tâm thoát nghèo.

fbytzltw