Cách đây khoảng 7 năm, nhận thấy tiềm năng của giống xoài tai tượng nên một số hộ ở xã A Mú Sung đã đưa vào trồng tại địa phương. Gia đình Ly Seo Lử ở thôn Lũng Pô là một trong những hộ đầu tiên đưa 100 gốc xoài tai tượng về trồng trên diện tích đất đồi. Nhờ chăm sóc tốt, cây xoài lại hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên đạt năng suất, chất lượng cao. Anh Lử sau đó chia sẻ kỹ thuật chăm sóc xoài tai tượng cho các hộ có nhu cầu. Đến nay, xã đã có 2 ha xoài, tập trung ở các thôn: Lũng Pô, Tùng Sáng và Tung Qua.
Hoặc có thể kể đến mô hình chăn nuôi lợn đen bản địa của gia đình ông Lò Láo Tả ở thôn Tùng Sáng và ông Tẩn Láo Tả, bà Vàng Lở Mẩy ở thôn Phù Lao Chải. Đây là những điển hình trong làm giàu từ chăn nuôi với thu nhập bình quân 150 - 200 triệu đồng/hộ/năm.
Bên cạnh đó, nhiều năm nay, người dân A Mú Sung có cuộc sống ổn định nhờ trồng chuối, trồng chè. Tổng diện tích chuối của xã đạt 144 ha và sản phẩm chuối đã được tỉnh công nhận mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu. Vùng trồng chè của xã đạt 95 ha, trong đó có 21,5 ha chè Shan tuyết cổ thụ.
Thực hiện Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa, xã phát triển một số mô hình cây trồng, vật nuôi là sản phẩm nông nghiệp đặc hữu của địa phương như chè Shan tuyết, lợn đen bản địa, xoài…
Thời gian tới, A Mú Sung kiên trì mục tiêu phát triển nông nghiệp, duy trì khai thác hiệu quả diện tích chè hiện có và 1 hợp tác xã, 3 tổ hợp tác thu mua chè búp tươi; nâng tổng diện tích quế trên địa bàn lên gần 280 ha; ổn định vùng trồng chuối và duy trì đàn lợn khoảng 3.000 con...