HOÀNG GIANG
Phó Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai
Nghị quyết số 10 ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ Năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực hiện nghị quyết, các cấp ủy đảng tỉnh Lào Cai đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện quyết liệt với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả. Nhờ đó, vai trò, vị trí, sự đóng góp quan trọng của doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước trong sự phát triển chung của tỉnh ngày càng được khẳng định rõ nét, trong đó có việc thành lập, củng cố các tổ chức chính trị, đoàn thể, đặc biệt là tổ chức đảng và công tác phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Hiệu quả dễ nhận thấy nhất là các tổ chức đảng trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước tại tỉnh Lào Cai tăng về số lượng, nâng lên về chất lượng.
Tỉnh Lào Cai hiện có 3.608 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 1.354 doanh nghiệp hoạt động ổn định, có báo cáo doanh thu trong 3 năm trở lại đây. Về thể loại, toàn tỉnh có 876 công ty trách nhiệm hữu hạn, 247 công ty cổ phần, 62 doanh nghiệp tư nhân, 3 công ty hợp danh, 1 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, 4 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 155 hợp tác xã và 6 đơn vị sự nghiệp ngoài công lập. Các doanh nghiệp tại Lào Cai đang giải quyết việc làm cho hơn 20.000 cán bộ, công nhân với thu nhập bình quân của người lao động 6 triệu đồng/người/tháng. Mức đóng góp hằng năm vào ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp hơn 7.000 tỷ đồng.
Về công tác lãnh đạo, những nhiệm kỳ gần đây, Đảng bộ tỉnh Lào Cai luôn chú trọng công tác phát triển đảng viên tại doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Điển hình là Đề án số 07 ngày 25/10/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Xây dựng Đảng và các đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến 2020”. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 31 ngày 13/5/2016 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án số 07. Tại nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiếp tục ban hành Đề án số 24 ngày 21/10/2022 về “Xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong các đơn vị kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Triển khai các đề án, hằng năm Tỉnh ủy đều ban hành các kế hoạch về phát triển đảng viên, trong đó có yêu cầu chú trọng kết nạp đảng viên là người lao động trong các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp tại các khu công nghiệp của tỉnh. Tính từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, toàn tỉnh kết nạp 131 đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, riêng 6 tháng đầu năm 2023 kết nạp 50 đảng viên, cao hơn cùng kỳ năm 2022 và bằng 142,8% số đảng viên kết nạp của cả năm 2020 và năm 2021. Về tổ chức, trước khi Tỉnh ủy ban hành Đề án số 24, tỉnh Lào Cai có 18 tổ chức cơ sở đảng thuộc loại hình doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước (4 đảng bộ, 14 chi bộ), 42 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với 920 đảng viên.
Từ thực tế lãnh đạo thông qua các đề án, kế hoạch về phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước đặt ra yêu cầu công tác trong thời gian tới là: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng các cấp trong công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước thông qua các đề án, chương trình, gắn với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện của các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan. Đối với ban thường vụ cấp trên cơ sở cần coi trọng hơn nữa việc xây dựng kế hoạch triển khai, bảo đảm nghiêm túc, hiệu quả, định kỳ báo cáo cấp ủy cấp trên, nhất là những vướng mắc để được tháo gỡ, giải quyết kịp thời. Đối với đảng ủy cơ sở, chi bộ là việc chăm lo xây dựng nguồn đảng viên, tích cực phát hiện nhân tố mới, có triển vọng để bồi dưỡng, kết nạp, gắn với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tổ chức các phong trào thi đua nhằm bổ sung, tạo nguồn kế cận cho tổ chức đảng.
Người đứng đầu, đội ngũ doanh nhân có vai trò trực tiếp và đặc biệt quan trọng trong phát triển đảng viên, củng cố tổ chức chính trị, đoàn thể và tổ chức đảng trong doanh nghiệp, nhất là chủ doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Bởi vậy yêu cầu đặt ra là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các chủ doanh nghiệp, doanh nhân, người đứng đầu hợp tác xã nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng và vai trò của tổ chức đảng trong doanh nghiệp và nhiệm vụ phát triển đảng viên. Cơ quan giúp việc quan tâm nghiên cứu, bổ sung để tham mưu ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên doanh nghiệp thành lập, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị, đoàn thể, tạo cơ sở, động lực để hình thành, củng cố hoạt động của tổ chức cơ sở đảng và phát triển đảng viên. Các cấp ủy cần tăng cường chỉ đạo việc kết nạp doanh nhân, chủ doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước vào Đảng, trong đó có việc hỗ trợ các điều kiện, quy trình, thủ tục liên quan.
Để củng cố niềm tin của người đứng đầu doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân khu vực ngoài nhà nước, tỉnh Lào Cai tiếp tục thực hiện tốt phương châm “Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển” bằng các chủ trương, chính sách hỗ trợ, ưu đãi về đất đai, thuế, nguồn nhân lực, hỗ trợ vốn vay. Nghiên cứu để ban hành cơ chế, chính sách ưu tiên đối với doanh nghiệp có tổ chức đảng, đoàn thể, nhất là các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp vừa và nhỏ có tiềm năng lớn về tạo nguồn, phát triển đảng viên.
Ngoài ra, để tạo nguồn phát triển đảng viên, cần quan tâm thành lập mới, củng cố tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, thông qua hoạt động đoàn thể phát hiện nhân tố mới, điển hình để giới thiệu nguồn cho tổ chức đảng bồi dưỡng, kết nạp. Đề cao trách nhiệm phối hợp của cấp ủy địa phương, nhất là nơi có công nhân lao động sinh sống để phát hiện nhân tố, tạo nguồn kế cận cho tổ chức đảng tại doanh nghiệp. Nhiệm vụ của các tổ chức chính trị, đoàn thể là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, bồi đắp lý tưởng cách mạng, khát khao cống hiến của đoàn viên, công nhân, người lao động trong doanh nghiệp, nhất là việc phấn đấu đứng trong hàng ngũ của Đảng góp trí tuệ, trí lực cho sự nghiệp cách mạng, cho đất nước.
Với những doanh nghiệp đã có tổ chức đảng cần chăm lo củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng năng lực các cấp ủy viên, nhất là bí thư chi bộ; các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh, cấp ủy huyện, thị xã, thành phố thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn nghiệp vụ công tác đảng tại các chi bộ doanh nghiệp mới thành lập. Cùng với đó là phát huy vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, đặc biệt là vai trò của Chi bộ Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh trong công tác phối hợp, tuyên truyền đẩy mạnh phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong doanh nghiệp.
Một trong những yêu cầu không kém phần quan trọng là quan tâm công tác thi đua, khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước về nội dung xây dựng Đảng và phát triển đảng viên. Thông qua đó phát hiện mô hình mới, điển hình, những cách làm hay để nhân rộng, lan tỏa tới các doanh nghiệp, địa phương trên địa bàn tỉnh.
Trình bày: Khánh Ly