Cái nắng oi ả của mùa hè cứ vậy đổ xuống những ngọn núi, sườn đồi ở đỉnh đèo Ô Quý Hồ suốt những ngày qua. Một ngày đôi lần nghe dự báo thời tiết, mỗi lần nghe tới thông tin nắng nóng tiếp tục kéo dài, gia đình chị Nguyễn Thị Phương Thảo ở tổ 1, phường Ô Quý Hồ (thị xã Sa Pa) lại thắc thỏm. Nhìn ra những chậu hồng rũ mềm vì nắng nóng và “khát” nước, chị Thảo trút tiếng thở dài: Thời tiết năm nay khắc nghiệt quá!
Mới cách đây không lâu, nguồn nước hay dùng được kéo từ trên khe núi cao về tưới cho những vườn hồng bắt đầu cạn, gia đình chị Thảo phải tính nhiều cách để hoa hồng đỡ “khát”. Không chỉ tìm nguồn nước khác, gia đình chị còn căn giờ để điều chỉnh thời gian tưới, đảm bảo các vườn đều được tưới ít nhất một lần trong ngày, bởi lượng nước không đủ để có thể sử dụng đồng loạt ở tất cả các vườn hoa. Đợt cao điểm nắng nóng hồi tháng tư vừa qua, sau khi bị ảnh hưởng bởi mưa đá, một số chậu hoa hồng đã bị dập, tiếp đó vào đợt nắng nóng cao điểm, hàng trăm chậu hoa hồng của gia đình chị chẳng thể trụ qua.
Gia đình chị Nguyễn Thị Phương Thảo là hộ trồng hoa hồng nhiều ở địa phương, với khoảng 10 vạn giò, chậu hồng cổ, hồng leo các loại. Bên cạnh những gốc hồng cổ Sa Pa, để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, gia đình chị Thảo còn tìm thêm nhiều giống hồng của các nơi khác như Sơn La, Đà Lạt và hồng ngoại (Anh, Pháp, Bỉ)… Không như những vườn hồng khác, hồng cổ, hồng leo, hồng ngoại của gia đình đều được trồng trong giò, chậu. Do đặc tính cây trồng “đỏng đảnh” như thời tiết chốn này, ngày ngày người nông dân phải có mặt ở vườn để đảm bảo việc tưới nước và theo dõi, chăm sóc.
Chăm hoa như chăm con mọn nhưng không phải vụ hoa nào cũng thắng. Kể từ cách đây 5 năm gắn bó với nghề này, vợ chồng tôi quen với việc trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm.
“Những bệnh thường gặp ở hoa hồng là phấn trắng, đốm đen, nhện… Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời thì từ một cây có thể nhanh chóng lan ra cả vườn, vậy nên, chăm hoa hồng rất nhọc công, vất vả từ sáng sớm đến tối muộn, nhưng bù lại, vào thời điểm thị trường tiêu thụ tốt, giá bán được tương đối cao”, chị Thảo cho hay.
Theo chân Chủ tịch Hội Nông dân phường - chị Phạm Thị Huyền, chúng tôi tiếp tục đến đồi hoa hồng bạt ngàn nằm ở tổ 1. Con dốc nhỏ đi ngược về phía mặt trời khiến bước chân thêm nặng trĩu. Gần trưa, nắng nóng phả ngập trong không khí, phủ lên đầu, lên vai bỏng rát, nhưng những hộ trồng hoa vẫn miệt mài lao động, bà Trần Thị Dung là một trong số đó.
13 năm về trước, khi nhận thấy giá trị kinh tế từ cây hoa hồng, gia đình bà Dung và một số hộ gần đó bắt đầu chuyển đổi cây trồng. Đồi su su xanh mướt từng là nguồn thu ổn định được nhường chỗ cho cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Hôm nay, đồi cao hiện ra trong bạt ngàn những gốc hồng Mê Linh. Để đưa cây trồng ấy bén rễ với đất Ô Quý Hồ là biết bao mồ hôi, công sức.
Đồi cao khi xưa là nơi trồng su su, đá nhiều hơn đất, sau này khi chuyển đổi, các hộ phải thuê máy xúc về san gạt, nhặt đá, tạo luống, cả năm trời cặm cụi để cây bén đất, nhọc nhằn không kể hết. Đến giờ, khi gốc đã chắc, những vụ hoa cứ lần lượt đi qua như một quy luật nằm trong dự liệu của người trồng, nhưng sự vất vả không vơi giảm.
Cứ sau mỗi trận mưa, đất trôi đi để đá nhô lên, chúng tôi lại tất bật nhặt đá, vun đất để giữ gốc, dưỡng cây. Lại thêm “đặc sản” gió Ô Quý Hồ, nên mùa gió nổi, bà con lại nơm nớp lo cây bị đổ rạp
Mùa thu hái hoa hồng kéo dài từ tháng Tư đến tháng Mười hằng năm, cứ tầm 40 ngày/lứa. Tùy vào nhu cầu thị trường, bà con sẽ thu gối, tránh để hoa nở ồ ạt. Sau đó, khi vùng cao bước vào mùa lạnh cũng là lúc hoa hồng bước vào kỳ nghỉ đông. Nhẩm tính vụ hoa năm trước, giá hoa trong khoảng 3.000 - 5.000 đồng/bông tùy từng thời điểm, gia đình bà Trần Thị Dung thu về chừng 300 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 200 triệu đồng.
Hôm nay, những đồi hoa, triền hoa ở Ô Quý Hồ đang bước vào mùa thu hái. Cả khoảng đất và không gian bao la thoang thoảng hương thơm của giống hoa kiêu sa mà bền bỉ. Sự nhanh nhạy, cần cù của nông dân Ô Quý Hồ đã mở ra 10 ha hoa hồng trên địa bàn phường, đưa nơi đây trở thành vùng trồng hoa hồng lớn của thị xã Sa Pa. Giữa nơi đỉnh đèo nắng gió, khắc nghiệt, nông dân Ô Quý Hồ đã gọi thêm những mùa đất tỏa hương, kéo về mùa no ấm.