Chắc hẳn người dân Lào Cai vẫn nhớ những giai đoạn, các địa phương trong tỉnh chỉ tập trung làm sao thâm canh cây lúa, cây ngô để có năng suất cao nhất. Thời kỳ đó, giống lúa lai, ngô cao sản được đưa vào cơ cấu mùa vụ. Lúc bấy giờ chỉ dám “mơ mộng” đến việc thúc đẩy tăng sản lượng cây có hạt. Từ việc phải nhập lúa giống, ngành nông nghiệp Lào Cai là điển hình của cả nước về việc chủ động sản xuất lúa giống… Giờ đây, mỗi năm Lào Cai cung ứng 600 tấn lúa giống thương hiệu LC cho 28 tỉnh, thành phố. Thế rồi, các mô hình nông nghiệp, khuyến nông đưa vào cây trồng, vật nuôi mới, từ chỗ canh tác giống ngô địa phương, giống lúa thuần năng suất thấp nhường chỗ cho các giống lúa lai năng suất cao; từ canh tác 1 vụ lên 2 vụ trong năm, rồi tăng cây vụ đông… tạo nền móng vững chắc, nền tảng và bước nhảy cho kinh tế nông nghiệp sau này.
Trước đây, đi đâu cũng chỉ thấy bà con bàn chuyện trồng ngô, trồng lúa là chủ yếu, sản xuất rau, màu cũng không nhiều. Thế rồi, khi tiến bộ kỹ thuật xuất hiện trên đồng đất Lào Cai, nông dân bắt đầu trồng nhiều các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Vất vả “trồng cây” cũng đến ngày “hái quả”, nỗ lực được đền đáp khi nhiều hộ nông dân thoát nghèo, no đủ, người ta nghĩ đến việc hướng đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy, diện tích lúa, ngô dần thu hẹp, cơ cấu nội ngành kinh tế nông nghiệp cũng thay đổi. Các vùng trọng điểm lúa đã hướng đến các giống lúa chất lượng cao như Séng Cù, Hương thơm, Japonica (Nhật Bản)... và phục tráng một số giống lúa ngon bản địa (Khẩu Nậm Xít, Chăm Pét, Khẩu Tan Đón…) tạo ra sản phẩm nông nghiệp đặc hữu, có lợi thế cạnh tranh cao.
Trong chăn nuôi, từ sản xuất manh mún trước đây quy mô hộ thì nay, những trang trại lợn, trang trại gà lắp điều hòa không còn xa lạ, những mô hình nuôi lợn thảo dược, nuôi lợn bản địa… đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh và một số tỉnh lân cận. Chăn nuôi thủy sản cũng là thế mạnh ở một số địa phương: Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn, nhất là mô hình nuôi cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm…) ở thị xã Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà. Hơn thế, các địa phương đã mạnh dạn đầu tư chế biến sâu các sản phẩm từ chăn nuôi, hình thành nhiều sản phẩm OCOP cung ứng ra thị trường ngoại tỉnh, nâng tầm giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Việc thay đổi tư duy, nhận thức là cả một nỗ lực trên chặng đường dài của ngành nông nghiệp trong câu chuyện chuyển giao khoa học - kỹ thuật, mô hình trình diễn, hội nghị đầu bờ, đến các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và bây giờ là ứng dụng chuyển đổi số. Nông dân Lào Cai, nhất là những nông dân trẻ tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số đã mạnh dạn khởi nghiệp từ các mô hình sản xuất nông nghiệp tại địa phương, tiếp cận nhanh chóng với khoa học - kỹ thuật, quy trình sản xuất hiện đại trong nông nghiệp, được vinh danh ở các giải thưởng trong nước.
Ở mỗi giai đoạn, thời kỳ, từ nền tảng thực tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Đảng bộ tỉnh Lào Cai cũng như cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương đều “vạch đường chỉ lối” cho bánh xe nông nghiệp chạy trên đường ray của sự phát triển. Xưa rồi câu chuyện lúa lai, ngô lai, giờ đây đến Si Ma Cai, người ta nhắc nhiều đến người Mông Si Ma Cai trồng tam thất thu tiền tỷ; đến Bắc Hà là mô hình canh tác dược liệu, trồng cây ăn quả ôn đới (lê Tai nung, mận Tả Van, mận Tam hoa, đào chín sớm…) kết hợp làm du lịch nông nghiệp; đến Mường Khương là các vùng sản xuất dứa, chuối, quýt, hồng giòn, chè cổ thụ; vùng thấp Bảo Yên là trồng quế, nuôi dâu tằm…
Không chỉ “khơi thông” các dòng chảy thu hút nguồn lực vào xây dựng cơ bản, tỉnh Lào Cai cũng “trải thảm đỏ” cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Những sản phẩm nông nghiệp của Lào Cai đã có mặt ở các thị trường thông qua kênh xuất khẩu. Ngoài sản phẩm chè khô của các công ty chè Thanh Bình (Mường Khương), Đại Hưng (Bảo Yên) xuất khẩu đại trà thì một số sản phẩm chè hữu cơ Bản Liền, quế hữu cơ Nậm Đét (Bắc Hà), dứa đóng hộp ở Mường Khương, xơ mướp ở Bản Liền (Bắc Hà)… đạt tiêu chuẩn an toàn, thân thiện môi trường đã có mặt ở những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ.
Bức tranh nông thôn Lào Cai đã mới hơn rất nhiều sau mỗi chặng đường, với nhiều gam màu mới với những mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP… Câu chuyện nông dân năng động tiếp cận công nghệ số để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp do chính mình làm ra cũng là bước tiến mới trên chặng đường kinh tế nông nghiệp Lào Cai. Từ xuất thô sản phẩm, nhiều sản phẩm nông nghiệp đã được nhận diện bằng chính thương hiệu, có đầy đủ quy chuẩn từ truy xuất nguồn gốc đến xây dựng bao bì, nhãn mác và đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, gây dựng niềm tin, uy tín đối với người tiêu dùng.
Theo ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước đây, ở mỗi nhiệm kỳ đại hội đều đề ra các chương trình trọng tâm và các đề án, còn nay, sự điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền đã sát, đúng, trúng hơn khi “đưa cuộc sống vào nghị quyết”. Ý Đảng, lòng dân đồng thuận, các Đề án trọng tâm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) thể hiện tư tưởng xuyên suốt và vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với đời sống xã hội. Đặc biệt, Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp hàng hóa, tập trung vào một số cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh, thể hiện sự bứt phá của ngành nông nghiệp lên một tầm cao mới cả về tư duy, nhận thức lẫn việc vận hành kinh tế nông nghiệp địa phương.
Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai luôn coi trọng phương châm phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, biến tiềm năng thành thế mạnh, biến thách thức thành cơ hội để phát triển; đoàn kết, đồng sức, đồng lòng, khai thác thế mạnh của địa phương; đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khát vọng vì một Lào Cai phát triển.
Từ một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước, sau hơn 30 năm tái lập, kinh tế của Lào Cai đã vươn lên trở thành tỉnh đứng đầu khu vực Tây Bắc và đứng tốp đầu trong 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Năm 2010, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng hơn 2 lần so với năm 2000; 10 năm tiếp theo, tiếp tục tập trung cho nông nghiệp, nông thôn, lấy xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi, làm ưu tiên cho phát triển. Đánh giá sau nửa nhiệm kỳ đã nêu bật thành quả: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân đạt trên 5%/năm; giá trị sản phẩm/ha canh tác đạt 95 triệu đồng.
Cùng với chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tăng tỷ trọng chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm thì hệ thống cơ chế, chính sách, các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó chính sách hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị đã trở thành nguồn lực quan trọng, hỗ trợ tích cực cho phát triển sản xuất nông nghiệp Lào Cai, đưa nông sản Lào Cai có mặt ở nhiều thị trường quốc tế, giúp nông dân làm giàu bền vững. “Ngành nông nghiệp tiếp tục mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng vùng trồng, tạo vùng nguyên liệu lớn đủ sức để chế biến và xuất khẩu. Bởi chỉ có chất lượng tốt, hàng hóa đủ lớn mới kêu gọi được doanh nghiệp đến liên kết và tiêu thụ cho nông dân” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đỗ Văn Duy khẳng định.
Bước tiếp chặng đường mới, nông nghiệp Lào Cai vẫn kiên định mục tiêu phát triển sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản; chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, từ lượng sang chất; theo hướng nông nghiệp xanh, thông minh, hội nhập quốc tế, nâng cao giá trị gia tăng và sản xuất bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch và bảo vệ môi trường...