Chị Làng Thị Líu (dân tộc Giáy, thôn Nậm Chủ, xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng) được nhiều người biết tới bởi sự chăm chỉ, nghị lực trong phát triển kinh tế và mạnh dạn phá vỡ những rào cản về giới, tích cực tham gia các hoạt động, gánh trọng trách ở thôn.
Khi chúng tôi đến, khoảng sân nhỏ của gia đình chị Líu chất đầy những bao đựng nguyên liệu chế biến thuốc tắm. Hơn 1 tấn nguyên liệu thô là đơn hàng chuyển đi trong ngày được chị thu mua của phụ nữ trong thôn.
Chị Líu bảo, đồng bào Giáy có nhiều bài thuốc quý nhưng trước đây chỉ dùng trong gia đình. Năm 2022, thông qua các kênh thông tin, chị tiếp xúc và bắt đầu tìm hiểu để chế biến dược liệu thành sản phẩm hàng hóa. Hằng ngày, vợ chồng chị vác gùi đi rừng tìm nguyên liệu, sau đó đem về sơ chế để làm ra sản phẩm trà mát gan. Khách hàng đầu tiên của chị đến từ những gia đình trong thôn, dần dà làm thêm sản phẩm trà giảo cổ lam, trà xạ đen và nguyên liệu sơ chế nước tắm từ các loại thảo dược.
Mỗi tháng, gia đình chị Líu xuất bán khoảng 2 tấn nguyên liệu thuốc tắm và trà các loại. Không chỉ thu mua nguyên liệu cho phụ nữ trong thôn, có những thời điểm đắt hàng, chị còn thuê 3 lao động nữ ở địa phương làm để kịp tiến độ. Trung bình mỗi tháng, gia đình chị thu lãi 20 triệu đồng.
Chị Líu là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn từ năm 2014, là “đầu tàu” trong phong trào phụ nữ ở thôn có phần đông đồng bào Giáy sinh sống. Với lối sống gần gũi, trách nhiệm, không ngại khó khăn, chị tiếp tục được tín nhiệm và trở thành Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Nậm Chủ từ năm 2018. Không còn tự ti vì cái nghèo, không dè dặt khi tham gia công tác xã hội, chị Líu đã và đang truyền cảm hứng để hội viên, phụ nữ nơi đây mạnh dạn vượt qua những định kiến về giới, vươn lên vì cuộc sống ấm no.
Mới đây, Liên đoàn Lao động tỉnh tặng Bằng khen chuyên đề “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” cho cô giáo Nguyễn Thị Hương, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (thành phố Lào Cai). Cô giáo Hương là 1 trong 3 cá nhân được khen thưởng. Phía sau hình ảnh một cô giáo tài năng, yêu trẻ còn là câu chuyện về một người vợ, người mẹ đảm đang, một hậu phương vững vàng để chồng yên tâm công tác.
Cô giáo Hương quê ở Yên Bái, gắn bó với Lào Cai từ năm 1998, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm và trở thành cô giáo ở xã vùng cao Tả Ngải Chồ (huyện Mường Khương). Đây cũng là nơi gieo mối nhân duyên, cô giáo Hương cưới chồng là bộ đội biên phòng. “Trụ cột” gia đình thường xuyên xa nhà, lại thêm công việc bận rộn của nghề giáo nhưng cô giáo Hương vẫn quán xuyến tốt việc nhà, nuôi dạy 2 con thơ.
Nhiều người bảo tôi chuyển hướng khác cho đỡ vất vả nhưng tôi yêu nghề giáo, quyết làm hậu phương vững chắc cho chồng yên tâm công tác nơi xa.
Những hy sinh, nỗ lực của cô giáo Hương đã được đền đáp khi gia đình luôn hạnh phúc, hai con lớn khôn nên người. Trong công tác chuyên môn, nhiều năm liền cô là giáo viên dạy giỏi các cấp. Năm học 2022 - 2023, học sinh do cô dạy dỗ đã giành 7 giải trong cuộc thi ASMO vòng quốc gia, 7 giải Trạng Nguyên cấp tỉnh cùng nhiều giải ở các cuộc thi cấp huyện. Cô cũng được đánh giá là phó chủ tịch công đoàn cơ sở trách nhiệm, nhiệt tình…
Phụ nữ Lào Cai hôm nay với những phẩm chất tốt đẹp đang tỏa sáng trên nhiều lĩnh vực, đóng góp vào sự đổi thay của quê hương. Hình ảnh ấy cũng cho thấy phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” đang được phụ nữ Lào Cai nỗ lực hiện thực hóa.
Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027 đã phát động cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã triển khai thực hiện phong trào thi đua để hưởng ứng, trong đó có mục tiêu từng bước xây dựng hình ảnh người phụ nữ Lào Cai đáp ứng yêu cầu thời đại mới. Đó là hình thành các tiêu chí “có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe và có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội, đất nước”.
Để phong trào thi đua đi vào thực chất, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong các cấp hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa nội dung thi đua phù hợp với thực tế địa phương.
Phong trào đã góp phần khích lệ, động viên để hội viên, phụ nữ Lào Cai từ vùng thấp đến vùng cao tiếp tục giữ gìn, tỏa sáng những phẩm chất tốt đẹp, nỗ lực vượt qua những định kiến, khó khăn, ngày càng khẳng định vai trò và vị trí của phụ nữ trong thời kỳ đổi mới.