Làng Nủ còn trong ký ức
Cũng như bao hộ dân ở Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên), đặt bước chân đầu tiên vào căn nhà mới, anh Sầm Văn Bóng vẫn ngỡ như là mơ. Trận lũ hồi đầu tháng 9 đã cướp đi 5 người thân của anh cùng toàn bộ nhà cửa, tài sản. Thời gian qua đi nhưng những ký ức đau thương ấy vẫn chỉ như mới đây.
Trận lũ quét xảy ra cách đây hơn 3 tháng đã nhấn chìm Làng Nủ trong biển nước, cuốn trôi tất cả nhà cửa, ruộng vườn và cả những giấc mơ yên bình của người dân. Làng Nủ khi ấy chỉ còn là một vùng đất hoang tàn, ngập tràn nước mắt và nỗi đau.
Tiếng gà gáy vốn là thanh âm quen thuộc đánh thức làng quê vào mỗi sớm mai cũng đã từng im bặt trong những ngày đen tối ấy. Người dân không chỉ mất đi nơi trú ngụ mà còn mất cả niềm tin vào ngày mai.
Nhưng người dân Làng Nủ không gục ngã. Ngay sau lũ, Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, Quỹ tấm lòng Việt (Đài Truyền hình Việt Nam) cùng các tổ chức, cá nhân trong cả nước chung tay giúp đỡ, hỗ trợ người dân dựng lại cuộc sống từ đống đổ nát. Khu tái định cư mới có diện tích khoảng 10 ha, sắp xếp 40 căn nhà 2 tầng thiết kế theo kiểu nhà sàn truyền thống của bà con được dựng lên. Ngoài ra, các hạ tầng thiết yếu khác như nhà văn hóa, trường học... cũng được bố trí để bà con sinh sống ổn định, lâu dài.
Thực hiện cam kết với Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ngay sau khi được bàn giao mặt bằng thi công, những người lính thợ từ Binh đoàn 12 - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) đã nhanh chóng bắt tay vào nhiệm vụ tái thiết Làng Nủ. Những người lính mang khí thế Trường Sơn năm xưa không quản ngại ngày đêm, vượt qua mọi khó khăn thời tiết, từ cái nắng gay gắt đến những cơn mưa rừng để dựng nhà cho bà con.
Các căn nhà sàn bằng bê tông được thiết kế tỉ mỉ, đảm bảo giữ nguyên kiến trúc truyền thống của đồng bào Tày, đồng thời đáp ứng yêu cầu về độ bền vững và an toàn. Tiến độ thi công cũng được đẩy nhanh thần tốc hiếm thấy trong các dự án xây dựng tương tự. Sự nỗ lực không ngừng nghỉ của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, công nhân, kỹ sư đã tạo nên một kỳ tích, góp phần mang lại cuộc sống ổn định mới cho người dân vùng tái định cư.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng phải hoàn thành khu tái định cư trước ngày 31/12 nhưng tinh thần quyết tâm của những người lính thợ đã giúp hoàn thành dự án sớm 10 ngày và thật ý nghĩa khi những căn nhà mới đón người dân vào ở đúng dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024).
Những ngôi nhà mới được dựng lên kiên cố hơn, cánh đồng bị vùi lấp cũng đang được cải tạo và những đàn gà, đàn lợn lại được đưa về để tái khởi động sinh kế cho người dân. Những bàn tay từ khắp nơi đã chung sức dựng lên ngôi làng mới.
Sự hồi sinh từ ý chí và tình người
Trong những ngày gió mùa đông bắc tràn về, thời tiết ở khu tái định cư chuyển lạnh nhưng không khí lại ấm áp lạ thường khi Đoàn công tác Báo Nhân Dân, các thành viên của Quỹ “Kết nối yêu thương - lan tỏa nhân ái” mang đến hàng chục ngàn cây quế, cây ăn quả, cây bóng mát, hoa và cây cảnh để trồng khắp Làng Nủ mới. Trong tiết trời lạnh giá của buổi chiều đông, ánh mắt và nụ cười của những người đã trải qua nỗi đau tột cùng, cùng tiếng nô đùa của những đứa trẻ may mắn thoát nạn như thắp sáng không gian nơi đây.
Ông Ninh Quang Vinh, Chủ tịch Quỹ “Kết nối yêu thương - lan tỏa nhân ái” - đơn vị hỗ trợ kinh phí làm mặt bằng khu tái thiết Làng Nủ trực tiếp đưa từng cây giống đến cho bà con rồi cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con trồng, chăm sóc. Ông Vinh bảo, ngay sau khi biết tin trận lũ quét, sạt lở đất kinh hoàng xảy ra tại nơi đây, tự đáy lòng đã luôn thôi thúc phải làm một điều gì đó cho bà con. Không gì ý nghĩa hơn là góp một phần công sức để bà con có nơi ở mới, thêm vào đó những mầm xanh của cây và hoa - màu của hy vọng giúp bà con khuây khỏa phần nào nỗi mất mát chất chứa trong lòng.
Trong căn nhà mới nào cũng có người dân quấn trên đầu vành khăn trắng. Trải qua đau thương, mất mát, người dân Làng Nủ càng thêm gắn kết, cùng nhau khai hoang đồng ruộng, tham gia tái thiết Làng Nủ. Tinh thần “lá lành đùm lá rách” lan tỏa khắp thôn, giúp mọi người vượt qua khó khăn. Bà Vũ Thị Tư, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Khánh chia sẻ: “Làng Nủ giờ đây như trung tâm của sự đoàn kết, nhận sự đùm bọc, sẻ chia từ khắp mọi miền. Người dân nơi đây cũng cảm nhận được sự quan tâm ấy nên bà con nỗ lực từng ngày để vượt qua nỗi đau, xây dựng cuộc sống mới”.
Có mặt tại Làng Nủ, chứng kiến từ những giây phút đau thương khi thảm họa xảy ra đến những ngày hối hả trên công trường tái thiết, chúng tôi nhận ra bản thân vẫn bỏ lỡ nhiều khoảnh khắc quan trọng. Bởi lẽ, công cuộc tái thiết cho bà con Làng Nủ diễn ra với nhịp độ khẩn trương, từng ngày, từng giờ.
Hôm nay, khi ánh sáng đầu ngày len lỏi qua dãy núi Con Voi, soi rọi xuống các nếp nhà, tiếng gà gáy lại cất lên, vang vọng khắp Làng Nủ mới. Chúng tôi hiểu đó không chỉ là âm thanh quen thuộc của làng quê mà còn là báo hiệu của sự hồi sinh, của niềm tin vào một ngày mai tốt đẹp hơn ở nơi đây.
Bà Hoàng Thị Nóng - người dân trong thôn xúc động: “Ngày nghe lại tiếng gà gáy đầu tiên từ chuồng gà mới dựng, tôi biết rằng Làng Nủ đã thực sự hồi sinh. Đó là âm thanh của hy vọng, của sự sống sau những ngày đau thương”.
Tiếng gà gáy mỗi sáng sớm không đơn thuần là thanh âm quen thuộc của bản làng mà còn là lời nhắc nhớ rằng người dân nơi đây đã vượt qua những ngày tháng khó khăn nhất. Đó là tiếng gọi của một ngày mới, một tương lai mới đang chờ đợi họ phía trước.
Hành trình của Làng Nủ từ hoang tàn đến hồi sinh là minh chứng cho ý chí kiên cường của con người trước thiên tai khắc nghiệt. Với sự hỗ trợ từ chính quyền, các tổ chức xã hội và sự đoàn kết của cộng đồng, Làng Nủ đã không chỉ đứng dậy mà còn vươn lên với sức sống mãnh liệt.
Hôm nay, từ những ngôi nhà mới dựng và từ tiếng gà gáy vang lên mỗi sáng, Làng Nủ đã khẳng định một điều: Dù trải qua bao khó khăn, con người vẫn luôn tìm thấy cách để hồi sinh và bước tiếp, mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Sự hồi sinh của Làng Nủ ngoài câu chuyện về sự hỗ trợ từ bên ngoài còn là minh chứng cho tinh thần đoàn kết và ý chí can trường của người dân. Từ nỗi đau, mất mát họ đã đứng dậy, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn để xây dựng lại cuộc sống.
Làng Nủ hôm nay không chỉ là một ngôi làng hồi sinh sau thiên tai mà còn là biểu tượng của lòng tin, nghị lực và khát vọng vươn lên. Những người dân nơi đây, từ những tổn thương sâu sắc đã viết tiếp câu chuyện mới - câu chuyện về hy vọng và sự hồi sinh mạnh mẽ. “Dù khó khăn đến đâu, chúng tôi vẫn sẽ vững vàng như những gốc cây bám chặt vào đất mẹ”, anh Sầm Văn Bóng nói, ánh mắt tràn đầy hy vọng về ngày mai tươi sáng hơn.
Cùng với bà con Làng Nủ trải qua những tháng ngày đầy khó khăn sau thảm họa, các đồng chí lãnh đạo huyện Bảo Yên mà chúng tôi có dịp trò chuyện cũng đều chia sẻ rằng việc tái thiết Làng Nủ không chỉ là một nhiệm vụ chính trị, mà còn là mệnh lệnh xuất phát từ trái tim. Hồi sinh Làng Nủ chính là ước vọng của người dân từ khắp mọi miền Tổ quốc, bởi vậy ai cũng muốn mình được chung tay, góp sức vào một công việc cụ thể nào đó.
Ông Trần Trọng Thông, Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên chia sẻ: Công tác khắc phục hậu quả có thể vẫn còn kéo dài, song trên tinh thần quyết tâm “biến đau thương thành hành động”, tất cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở và Nhân dân chung sức, đồng lòng, khẩn trương tái thiết mảnh đất này với niềm tin Làng Nủ mới sẽ đẹp hơn, an toàn hơn, nghĩa tình hơn. Cấp ủy đảng, chính quyền và người dân thôn Làng Nủ quyết tâm xây dựng Làng Nủ trở thành nơi đáng sống, một ngôi làng hạnh phúc.