Đảng bộ huyện Bát Xát đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để chỉ đạo xuyên suốt, đó là: Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với thực hiện Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; thực hiện đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia; thu hút vốn, mời gọi đầu tư; giải quyết khó khăn trong quản lý đất đai; kích cầu du lịch, đảm bảo an sinh xã hội… nâng cao chất lượng hoạt động các tổ chức đảng. Đồng thời, thực hiện đồng bộ 6 giải pháp chủ yếu: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, phát triển nông nghiệp ứng dụng một phần công nghệ cao; tăng tỷ trọng ngành du lịch, dịch vụ; phát triển Y Tý trở thành trung tâm du lịch mới của tỉnh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống; tăng cường quốc phòng - an ninh và mở rộng quan hệ đối ngoại…
Bát Xát vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo Trung ương, địa phương đến thăm và làm việc. Ảnh: P.V
Theo đó, Huyện ủy Bát Xát đã có những cuộc làm việc và đề xuất nhiều chủ trương lớn về phát triển kinh tế - xã hội địa phương với tỉnh và trung ương; tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật và điều kiện thực tế ở địa phương, huyện Bát Xát đã mạnh dạn đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Chính phủ đưa huyện Bát Xát vào diện nghèo của tỉnh. Ngày 15/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 353 phê duyệt Bát Xát là 1 trong 4 huyện nghèo của tỉnh. Đây là thời cơ để huyện Bát Xát nỗ lực, nhanh chóng bứt ra khỏi huyện nghèo.
Đồng chí Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ tặng quà cán bộ, chiến sĩ biên phòng trên địa bàn huyện Bát Xát. Ảnh Nguyễn Thành Phú
Triển khai 3 khâu đột phá, nửa nhiệm kỳ qua, Bát Xát đã đầu tư phát triển mạnh mẽ lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lựa chọn “10 cây, 2 con” chủ lực theo hướng hàng hóa và liền vùng, huyện chủ động mời Viện Rau quả, Viện Khoa học Nông - lâm nghiệp miền núi phía Bắc tư vấn trong việc quy hoạch, định hướng các loài cây trồng, vật nuôi, vùng sản xuất… Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bát Xát đã trồng mới 555 ha cây ăn quả, đưa tổng diện tích toàn huyện lên 1.665 ha; phát triển vùng chè nguyên liệu tại 6 xã, với 550 ha; vùng trồng chuối 1.000 ha... Bát Xát hiện có 7 doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; hơn 20 doanh nghiệp đang nghiên cứu, khảo sát để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và có 24 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên.
Quyết liệt chỉ đạo thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, huyện đã thành lập tổ hỗ trợ các xã tháo gỡ khó khăn để thực hiện công tác này. Toàn bộ dữ liệu được cập nhật lên hệ thống dữ liệu kiểm kê quốc gia. Đến nay, huyện đã cấp hơn 1.330 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ, cá nhân, đồng thời hoàn thành bản đồ địa chính dự án tổng thể của 21/21 xã, thị trấn.
Lãnh đạo huyện Bát Xát tăng cường làm việc tại cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn.
Tổ chức thực hiện đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện đã thành lập ban chỉ đạo từ huyện đến cơ sở; thường xuyên tổ chức làm việc với các cơ quan chủ trì, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án; rà soát, lập danh mục, ban hành các kế hoạch thực hiện 7 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia. Riêng vốn kinh phí sự nghiệp chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 có 20 dự án, tổng vốn phân bổ từ đầu giai đoạn là 139,240 tỷ đồng.
Đặc biệt, Bát Xát đã mở 98 phiên giao dịch việc làm, giải quyết việc làm cho 5.544 lao động. Năm 2023 tạo thêm việc làm cho gần 1.700 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 64%…
Trong chiến lược phát triển chung của tỉnh Lào Cai, huyện Bát Xát được định hướng phát triển mạnh ở các lĩnh vực như kinh tế cửa khẩu, logistics, đô thị và du lịch, trong đó hạ tầng đi trước một bước, kỳ vọng tạo nên những đột phá mạnh mẽ cho kinh tế địa phương. Tranh thủ sự đầu tư của Trung ương, của tỉnh, huyện tập trung hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối, các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường trong các khu đô thị; nâng cấp, mở rộng 100% tuyến đường đến trung tâm các xã, trung tâm các thôn, bản có lợi thế phát triển du lịch, nông nghiệp, làng nghề truyền thống; phối hợp với các sở, ngành triển khai lập quy hoạch chi tiết khu, cụm công nghiệp, các phân khu thuộc quy hoạch Khu Kinh tế cửa khẩu tỉnh Lào Cai trên địa bàn: Quy hoạch chi tiết xây dựng khu thương mại, công nghiệp, dịch vụ, đô thị xã Bản Qua, thị trấn Bát Xát, huyện Bát Xát (170,4 ha); quy hoạch chi tiết khu thương mại, công nghiệp phức hợp Quang Kim (280 ha)…
Cùng với việc lấy đầu tư hạ tầng làm mũi nhọn, những năm gần đây, huyện Bát Xát rất tích cực trong việc giới thiệu đến cộng đồng nhà đầu tư, du khách như một điểm đến tiềm năng. Bát Xát đã hiện diện nhiều hơn trong bản đồ du lịch vùng Tây Bắc thông qua hàng loạt sự kiện lớn về du lịch được huyện đăng cai tổ chức: Các giải đua xe đạp; Giải leo núi chinh phục đỉnh Lảo Thẩn, Ky Quan San; trải nghiệm thu hoạch lê Tai nung, dù lượn… Nhiều điểm đến đang hấp dẫn và mời gọi du khách như cột cờ Lũng Pô - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, đền Mẫu Trịnh Tường, thác Ong Chúa, thác Rồng, thác Xanh, thác Đỏ, đường đá cổ Pa-vi... Từ lợi thế này, Bát Xát đã thu hút khoảng 350.000 lượt khách du lịch, riêng năm 2023 đón 180.00 lượt khách (542 lượt khách quốc tế), tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 266,760 tỷ đồng.
Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Ảnh tư liệu
Từ chỉ đạo và thực hiện đồng bộ các giải pháp đã làm bức tranh kinh tế của Bát Xát năm 2023 có nhiều khởi sắc: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt 14%; GRDP bình quân đầu người ước đạt 72,2 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 36,5 triệu đồng; giá trị sản phẩm thu hoạch ước đạt 78 triệu đồng/ha canh tác. Trong số 18 tiêu chí với 29 chỉ tiêu nhỏ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, đến nay Bát Xát đã có 20 chỉ tiêu đạt từ 80% trở lên, trong đó 13 chỉ tiêu đã đạt và vượt mục tiêu.
Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa. Ảnh Ngọc Bằng và CTV
Công tác xây dựng Đảng được coi trọng các mặt, trong đó công tác tư tưởng chính trị có nhiều đổi mới. Các nghị quyết, kết luận của tỉnh và Trung ương đều được triển khai quyết liệt đến 100% tổ chức cơ sở đảng. Thông qua đó, vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương được nâng lên; đội ngũ cán bộ, công chức xã đã phát huy tốt vai trò tham mưu, chủ động hơn trong nhiệm vụ được giao. Hằng năm có trên 80% chi bộ, đảng bộ đạt trong sạch, vững mạnh, không có cơ sở trung bình; Đảng bộ huyện đều đạt trong sạch, vững mạnh.
Tập trung thực hiện các mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bát Xát lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Bát Xát đang nỗ lực tập trung các giải pháp, lộ trình, thời gian cụ thể, trọng tâm vào 5 mục tiêu: (1) Đầu tư, hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối, các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường trong các khu đô thị; nâng cấp, mở rộng 100% tuyến đường đến trung tâm các xã, trung tâm các thôn, bản có lợi thế phát triển du lịch, nông nghiệp, làng nghề truyền thống. (2) Đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp đạt trên 70%; tốc độ tăng trưởng công nghiệp hằng năm đạt trên 15%; tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng trong GRDP chiếm khoảng 60%; giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt trên 8.500 tỷ đồng; lĩnh vực công nghiệp thu hút trên 150.000 lao động. (3) Xây dựng hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu đáp ứng tốt nhu cầu cho các hoạt động logistics như vận tải, kho bãi, bốc xếp; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các dịch vụ phụ trợ; nâng tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP đạt trên 10%. (4) Xây dựng, phát triển một số đô thị trên địa bàn, phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa toàn huyện đạt 45%. (5) Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế đột phá, xây dựng Y Tý thành trung tâm du lịch mới của tỉnh; tốc độ tăng trưởng du lịch hằng năm đạt trên 20%; tỷ trọng dịch vụ du lịch trong GRDP chiếm khoảng 25%, doanh thu từ du lịch đạt trên 6.000 tỷ đồng; tổng lượng du khách đạt trên 1,8 triệu lượt; toàn huyện có trên 3.000 phòng lưu trú…
Phát triển sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc trưng của địa phương. Ảnh: P.V
Với mục tiêu đến 2030 đưa Bát Xát thoát khỏi huyện nghèo, tạo tiền đề vững chắc để trở thành huyện phát triển khá của tỉnh, những thành tựu đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua sẽ tạo thế và lực mới cho Bát Xát không ngừng phát triển.
Trình bày:Ngọc Luyến