Quay về E-magazine Theo dõi Báo Lào Cai trên Google News
Rốt ráo tìm chỗ an cư cho 10 hộ ở thôn 6 Vài Siêu

Rốt ráo tìm chỗ an cư cho 10 hộ ở thôn 6 Vài Siêu

Sau gần 1 tiếng đồng hồ cùng chiếc xe máy “đánh vật” với quãng đường hơn 20 cây số từ trụ sở xã Thượng Hà (Bảo Yên), chúng tôi mới đến được khu vực dựng lán tạm của 10 hộ ở thôn 6 Vài Siêu. Đây là những hộ người Mông, nơi cư trú bị ảnh hưởng sạt lở do hoàn lưu bão số 3 hồi tháng 9/2024 (Yagi) nên di chuyển về đây lánh nạn.

Trước khi chúng tôi xuất phát, đồng chí Ma Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Thượng Hà sau vài lần gọi điện thoại đã liên lạc được với Trưởng thôn 6 Vài Siêu - anh Sùng A Lềnh, dặn tạm hoãn đi nương để ở nhà đón khách. “Mấy hôm nay trời nắng, đường đi dễ hơn, nhưng sẽ bụi lắm đấy” - Chủ tịch UBND xã Thượng Hà nói với theo.

Chớm địa phận thôn, tuyến đường một bên là đồi, một bên là sông Chảy, bờ sông nham nhở hiện ra, có đoạn hàm ếch lấn nửa mặt đường bởi bão Yagi vừa gây lũ trên sông Chảy, vừa khiến nước sông dâng cao làm ngập lụt cả vùng, bờ sông xói sâu vào chân đồi.

Sông Chảy mùa này hiền hòa lắm, nước trong xanh lững lờ trôi khiến người ta không thể tưởng tượng nổi tại sao có những lúc hung dữ đến thế. Bên bãi đất trống ven đường, vài chiếc lều được quây, che bằng bạt, chằng chằng, đụp đụp. Chẳng có lấy một bóng người, thậm chí không cả tiếng gà kêu, chó sủa. Ngó vào bên trong lều, đồ đạc đều rất sơ sài, hầu như chẳng có gì đáng giá…

Trưởng thôn Sùng A Lềnh cùng chiếc xe máy cũ kỹ đến nỗi không thể nhận ra nó thuộc hãng gì, chờ chúng tôi ở một khúc cua. Thấy chúng tôi bồn chồn trước khung cảnh ảm đạm, anh bảo: Đang vụ thu hoạch sắn, bà con lên đồi cả, trẻ con thì đi học, nên vắng vẻ vậy!

Rồi anh kể: Những năm 1985 - 1987, khoảng 30 hộ người Mông từ những địa phương khác, trong đó chủ yếu là từ xã Bản Cái (huyện Bắc Hà) di cư về sinh sống rải rác tại thôn 6 Vài Siêu. Những năm sau đó, nhiều hộ dần dần sống xen kẽ với các hộ ở một số thôn trong xã, tại thôn 6 Vài Siêu còn gần 20 hộ người Mông, sống tập trung, gần như tạo thành một khu dân cư. Rồi thủy điện Vĩnh Hà được đầu tư xây dựng, qua nhiều giai đoạn, đến khoảng năm 2016 - 2017, có 16 hộ (đều là hộ người Mông) trong vùng lòng hồ thủy điện phải di chuyển đến nơi ở mới…

Nhớ lại cuộc trao đổi trước khi chúng tôi vào thôn 6 Vài Siêu, đồng chí Ma Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Thượng Hà thông tin: Chỗ ở mới của 16 hộ phải di chuyển khi đó, thuộc quy hoạch rừng phòng hộ.

Trong 16 hộ thì 6 hộ đã tìm được nơi ở mới, còn 10 hộ với 54 nhân khẩu phải dựng lều bạt ở tạm cho đến nay.

Trưởng thôn 6 Vài Siêu - anh Sùng A Lềnh dẫn chúng tôi lên khu vực mà trước cơn bão Yagi, các hộ đang ở. Những vết sạt trượt vẫn lộ rõ ở cả dãy đồi núi phía trên, cho dù đôi chỗ đã được cỏ cây tái sinh che phủ phần nào. C

hỉ tay vào những vết nứt trên sân, anh Lềnh bảo: Mỗi lần lên đây kiểm tra, tôi lại thấy những vết nứt to hơn trước!

Anh thở dài: Bà con mãi mới làm được cái nhà, giờ thêm một lần làm lại, khó khăn lắm. Nhà Ma Văn Ly có 4 người, nhà Ma A Dơ có 7 người, đặc biệt, nhà Thào Thị Dở có 16 người do vợ chồng bố mẹ, vợ chồng con cái chưa tách hộ, giờ chen chúc trong một căn lều, rất khổ, chỉ mong sớm có chỗ mới để chuyển nhà đến ở…

Theo đường cũ, chúng tôi rời thôn 6 Vài Siêu. Niềm mong mỏi của 10 hộ cũng là nỗi trăn trở của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Các đồng chí Thường trực Huyện ủy Bảo Yên đã trực tiếp khảo sát khu vực này. Đặc biệt, ngay khi biết tin hoàn lưu bão Yagi ảnh hưởng trực tiếp đến 10 hộ ở thôn 6 Vài Siêu, đồng chí Hoàng Quốc Bảo, Bí thư Huyện ủy Bảo Yên đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện phối hợp với xã Thượng Hà khẩn trương đề xuất giải pháp giải quyết.

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, UBND huyện, các cơ quan chức năng huyện Bảo Yên rốt ráo triển khai các công việc liên quan. Ngày 25/12/2024, Tổ công tác do UBND xã Thượng Hà chủ trì, phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý rừng phòng hộ - Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Yên và thôn 6 Vài Siêu tổ chức kiểm tra khu vực các hộ đề nghị được di dời nhà đến ở. Trên cơ sở đề nghị của các hộ, các cơ quan chức năng đối chiếu giữa bản đồ diễn biến rừng năm 2023 và ngoài thực địa để xác định ranh giới, vị trí diện tích các hộ đang xâm lấn, xác định các chủ đất, loại đất, loại rừng...

Qua kiểm tra thực địa, tại khu vực các hộ đề xuất di dời nhà đến, xác định 0,52 ha đất trong quy hoạch lâm nghiệp, trong đó UBND xã quản lý 0,1 ha, hiện trạng là đất trống (chức năng sản xuất); Ban Quản lý rừng phòng hộ quản lý 0,42 ha (chức năng sản xuất), nằm trong diện tích đề nghị trả lại địa phương theo Quyết định 86 ngày 14/1/2022 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh Lào Cai (trong đó có 0,28 ha đất trống; 0,14 ha rừng trồng).

Căn cứ kết quả kiểm tra, UBND xã Thượng Hà đề nghị UBND huyện, các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho các hộ đến vị trí trên để sớm ổn định cuộc sống.

Với sự chỉ đạo và triển khai thực hiện quyết liệt, khẩn trương, 10 hộ ở thôn 6 Vài Siêu sẽ sớm an cư, để không còn phải nơm nớp lo mỗi mùa mưa lũ.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Huyện nghèo Si Ma Cai đi đầu trong xóa nhà tạm, cũ nát ở Lào Cai

Huyện nghèo Si Ma Cai đi đầu trong xóa nhà tạm, cũ nát ở Lào Cai

Là huyện nghèo theo Chương trình 30a của Chính phủ, bởi địa hình núi cao vực sâu, đất ít đá nhiều, thời tiết khắc nghiệt, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số chung sống nhưng Si Ma Cai lại đi đầu trong xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân "an cư lạc nghiệp" trên vùng núi đá thượng nguồn sông Chảy. Bằng cách nào để Si Ma Cai làm được kỳ tích ấy?

Bỏ thi tuyển sinh THCS liệu có đảm bảo được chất lượng?

Bỏ thi tuyển sinh THCS liệu có đảm bảo được chất lượng?

Từ năm 2025, các trường THCS phải xét tuyển học sinh vào lớp 6, không được tổ chức thi, kể cả với trường chất lượng cao. Nội dung này được nêu trong quy chế tuyển sinh THCS và THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo mới công bố. Thông tin này nhanh chóng nhận được những ý kiến khác nhau từ dư luận.

[Infographic] Đột qụy mùa lạnh: Nguyên nhân và cách phòng tránh

[Infographic] Đột qụy mùa lạnh: Nguyên nhân và cách phòng tránh

Sự thay đổi theo mùa và nhiệt độ tác động tới các yếu tố nguy cơ đột quỵ như: tăng huyết áp, tăng đường huyết, tăng lipid máu, rung nhĩ... làm gia tăng nguy cơ đột quỵ. Đặc biệt, trong thời tiết lạnh, nguy cơ mắc đột quỵ cao hơn. Bởi vậy, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe bản thân.

Ươm mầm “thần dược”

Ươm mầm “thần dược”

Mùa xuân về cũng là thời điểm cây Hoàng Liên gai bung nở chồi non sau những tháng dài ngủ đông. Trong sương sớm, những chiếc lá “thần dược” ấy giống như viên ngọc lục bảo, long lanh dưới ánh nắng, chen nhau tạo thành tấm thảm xanh mướt trải dài giữa đại ngàn.

fb yt zl tw