Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Danh Tiên
(Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc 21 năm kháng chiến trường kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược và 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của dân tộc ta. Thắng lợi vĩ đại đó là kết quả của những chặng đường đấu tranh đầy hy sinh gian khổ nhưng vô cùng anh dũng, tự hào của các thế hệ người dân Việt Nam; đã kế thừa và phát triển lên một tầm cao mới truyền thống yêu nước, sức mạnh văn hóa của con người Việt Nam; đồng thời là kết tinh của khát vọng hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất non sông. Niềm tự hào đại thắng mùa Xuân 1975 tạo tiền đề và động lực để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Việt Nam phải đương đầu với vô vàn khó khăn, thử thách. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta vừa tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, vừa chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và giúp Nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pot, đồng thời, từng bước đổi mới tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986) đã đề ra “Đường lối đổi mới toàn diện đất nước”. Kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng chủ trương phát triển đất nước nhanh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; thực hiện 3 đột phá chiến lược, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nhất quán thực hiện 4 kiên định.

Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sau gần 40 năm đổi mới, “từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu, rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại”. Độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội luôn được giữ vững. Đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Việt Nam tiếp tục là điểm đến an toàn, hấp dẫn của các doanh nghiệp, đối tác, nhà đầu tư, du khách và bạn bè quốc tế.

Tại tỉnh Lào Cai, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Lào Cai tập trung khôi phục hậu quả chiến tranh, bước đầu đổi mới từng phần trong nông nghiệp và công nghiệp, đồng thời, kiên cường bám trụ, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai tập trung đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát huy nội lực, khai thác các nguồn lực để phát triển kinh tế; ưu tiên đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế của tỉnh; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ; quan tâm bảo vệ môi trường, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo động lực để phát triển đô thị Lào Cai trở thành đô thị loại III, loại II.

Bên cạnh đó, phát huy lợi thế là tỉnh có đường biên giới, cầu nối, điểm giao lưu văn hóa, kinh tế giữa miền ngược và miền xuôi, giữa Việt Nam với Trung Quốc để tập trung phát triển du lịch và các dịch vụ có lợi thế; chăm lo phát triển văn hóa - xã hội, thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội để không ai bị bỏ lại phía sau; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị; mở rộng quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế sâu rộng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

Nhờ vậy, từ khi tái lập tỉnh (1991) đến nay, tỉnh Lào Cai phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, cũng như cả nước, tỉnh Lào Cai phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách, nhất là sự bùng phát của đại dịch Covid-19 và hậu quả nặng nề của bão số 3 năm 2024 (tỉnh thiệt hại hơn 7.000 tỷ đồng). Vượt lên những thách thức đó, với sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, năm 2024, kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai tiếp tục có nhiều điểm sáng, tích cực. Tăng trưởng kinh tế GRDP đạt khoảng 7,38%, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 97,5 triệu đồng. Quy mô kinh tế ước đạt gần 78.000 tỷ đồng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 12.989 tỷ đồng, bằng 141,5% dự toán trung ương giao. Chương trình xây dựng nhà ở xã hội được triển khai tích cực; công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, nhà bị ảnh hưởng bão số 3 được thực hiện quyết liệt. Trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, nhiều chỉ số đứng đầu các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Lào Cai là tỉnh hoàn thành phổ cập giáo dục đúng độ tuổi sớm và là tỉnh đầu tiên trên cả nước thí điểm triển khai và hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi...

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng. Quan hệ đối ngoại và ngoại giao không ngừng được mở rộng, đưa Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam, ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc; trung tâm kinh tế, đối ngoại trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh, Vân Nam (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam).

Những kết quả đó là cơ sở, nền tảng, tạo động lực để tỉnh Lào Cai thực hiện mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Xây dựng Lào Cai thành tỉnh phát triển nhanh, bền vững, trở thành cực tăng trưởng, trung tâm kết nối của vùng và cả nước, trong đó, tập trung phát triển Lào Cai thành trung tâm vùng về kinh tế cửa khẩu, logistics và trung chuyển hàng hóa; kết nối về du lịch, dịch vụ; công nghiệp chế biến sâu luyện kim và hóa chất; hợp tác kinh tế, đối ngoại, văn hóa với tỉnh Vân Nam, vùng Tây Nam Trung Quốc và quốc tế; phát triển giáo dục - đào tạo, y tế và tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao của các tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc.

50 năm đã qua, nhưng khát vọng hòa bình và thống nhất non sông vẫn là động lực để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và tỉnh Lào Cai phát huy cao độ truyền thống yêu nước, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, từng bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương, đất nước: hùng cường, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
