Nhóm “Thiện nguyện xanh” được thành lập tháng 9/2016, do chị Nguyễn Thị Kiều Giang làm trưởng nhóm. Hơn 7 năm qua, chị Giang cùng các thành viên thực hiện gần 30 chương trình thiện nguyện theo kế hoạch hằng năm và một số chương trình theo sự kiện, sự việc phát sinh.
Nói về hoạt động của nhóm, chị Kiều Giang tâm sự: Xã hội phát triển, đời sống của người dân cũng thay đổi theo hướng hiện đại. Nhưng với người dân ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, bên cạnh sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, vẫn cần có những “Mạnh Thường Quân” giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với họ. Với “Thiện nguyện xanh”, yêu thương là cho đi, là san sẻ, là mang đến cho những người khó khăn, yếu thế “mầm xanh hy vọng” bằng việc làm thiết thực, ý nghĩa.
Cùng chung ý tưởng, mục tiêu hành động, 7 bạn trẻ trong nhóm không ngần ngại đường sá xa xôi, mùa đông lạnh giá hay mùa hè nóng bức, duy trì đều đặn những chương trình, hoạt động thiện nguyện hướng tới những mảnh đời còn nhiều khó khăn ở vùng cao Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai…
“Chúng tôi đều đang công tác tại các cơ quan, đơn vị Nhà nước nên việc bố trí thời gian, sắp xếp công việc thực hiện các chương trình thiện nguyện, nhất là các nội dung có quy mô ở địa bàn vùng cao là điều không đơn giản. Động lực để chúng tôi làm được điều đó có lẽ là ánh mắt mong chờ, nụ cười hạnh phúc, khi là những giọt nước mắt xúc động, cái nắm tay không nói nên lời của người dân. Tôi cũng như thành viên trong nhóm, làm điều thiện không phải để chờ được cảm ơn, mà xuất phát từ trái tim, từ tấm lòng giữa người với người” - Nguyễn Duy Hà Ly, thành viên nhóm “Thiện nguyện xanh” tâm sự.
Cứ như vậy, hơn 7 năm qua, hàng nghìn chiếc áo ấm, chăn ấm, đệm êm, quyển vở, cặp sách, bút, ủng, dép, thùng mỳ tôm và hàng tạ gạo… được chuyển tận tay người dân, trẻ em, học sinh nghèo ở nhiều địa bàn vùng cao Lào Cai. Nhóm đã nhận đỡ đầu 1 học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở xã Thào Chư Phìn (huyện Si Ma Cai) được 3 năm, với kinh phí mua sắm đồ dùng học tập, quần áo, sách, vở… 3 triệu đồng/năm.
Hoạt động của nhóm không chỉ dựa vào kêu gọi sự chung tay của cộng đồng qua mạng xã hội, mà còn do đóng góp từ các thành viên và tìm kiếm tài trợ từ chương trình, dự án của các tổ chức. Công trình “Thắp sáng vùng biên” gồm 90 đèn năng lượng mặt trời được lắp đặt tại thôn Lù Dì Sán, xã Sán Chải và thôn Dào Dần Sán, xã Nàn Sán của huyện Si Ma Cai vào tháng 6/2021 là một trong dự án được tài trợ như thế. Đây là dự án mà Trưởng nhóm “Thiện nguyện xanh” đã trải qua nhiều bước thực hiện và vòng xét duyệt gắt gao trước khi được Liên minh châu Âu - EU chấp nhận hỗ trợ tài chính, với tổng kinh phí hơn 224 triệu đồng (vốn đối ứng của địa phương là 30% do nhóm “Thiện nguyện xanh”, Đồn Biên phòng Si Ma Cai và một số nhà hảo tâm ủng hộ).
“Mục đích của nhóm là muốn có điện đường, điện ở khu dân cư để người dân thuận tiện trong đi lại, sinh hoạt tập thể và tuần tra biên giới. Qua đây, mong bà con thay đổi nhận thức về việc sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm, hiệu quả” - chị Nguyễn Thị Kiều Giang cho hay.
Là cư dân thôn Lù Dì Sán, bà Giàng Thị Vế hồ hởi nói: Từ khi thôn được lắp đèn năng lượng mặt trời, người dân đi lấy nước làm ruộng dù tối muộn hay sáng sớm đều thuận lợi, còn buổi tối trẻ có sân chơi. Chúng tôi sẽ bảo vệ tốt công trình để sử dụng được lâu dài.
Gần 1,5 tỷ đồng mà nhóm “Thiện nguyện xanh” huy động được trong 7 năm qua là con số không quá lớn, nhưng là sự hết lòng vì cộng đồng của những thanh niên thời đại mới. Những trái tim ấm áp ấy đã góp phần tô đẹp thêm phẩm chất, cũng là truyền thống đạo lý từ ngàn đời của người Việt, đó là tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”.