Đó là câu chuyện của ông Lùng Phủng Tiến, dân tộc Nùng ở thôn Nậm Pản, xã Thanh Bình (huyện Mường Khương). Cách đây 20 năm, gia đình ông Tiến là hộ khó khăn trong thôn. Nhận rõ sự khổ sở của việc ít học, ông Tiến luôn dạy con: “Phải cố gắng học. Chỉ có con đường học tập mới giúp mình thoát khỏi đói nghèo”. Thật may mắn, các con của ông Tiến rất nghe lời bố, siêng năng học tập, mặc dù học không quá xuất sắc nhưng được cái thích học. Ông Tiến nhớ lại, ngày các con còn bé học ngay tại trường ở xã, kinh phí không quá lớn, gia đình đỡ vất vả. Sau này, khi con học lên cấp cao hơn, như cấp 2, cấp 3, gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Đặc biệt khi con đi học chuyên nghiệp, gia đình càng khó khăn gấp bội.
Nhiều khi bố mẹ phải nhịn ăn, mỗi ngày chỉ ăn 1 bữa. Bữa cơm chủ yếu là cơm độn ngô, rau rừng nhằm cắt giảm tối đa chí phí của gia đình để gom gạo, gom tiền nuôi con đi học. Giai đoạn cao điểm nhất là vào năm 2005 - 2006, khi cùng một lúc ông Tiến phải nuôi 3 người con học chuyên nghiệp, bình quân mỗi tháng ông phải gửi cho các con 3 triệu đồng. Với một gia đình nghèo ở vùng cao thì đây là số tiền rất lớn.
Nhiều người hỏi ông xoay xở thế nào mà giỏi vậy, ông cười khà khà: "Mình có ông anh hỗ trợ nên không lo!" Đó là cách nói tếu táo của ông Tiến, chẳng là ngày ấy, để khuyến học, khuyến tài, Chính phủ có chính sách hỗ trợ sinh viên nghèo được vay vốn đi học.
Cứ như vậy, nhờ sự hy sinh, kiên trì của bố mẹ, 5 người con của ông Tiến đều học hết các bậc học phổ thông và học lên trung cấp, cao đẳng, đại học. Đến nay, họ đều công tác trong các cơ quan nhà nước, như làm trong ngành giáo dục, ngành y tế, cán bộ, công chức xã...
Những năm qua, người dân phường Sa Pả (thị xã Sa Pa) thường kể cho nhau nghe về tấm gương vượt khó làm giàu của anh Thào A Vâu, Tổ trưởng tổ dân phố số 3 với mô hình trồng nông sản sạch trên đất ruộng. Câu chuyện đã thôi thúc chúng tôi ngược dốc núi để “mục sở thị” trang trại nông sản của anh Thào A Vâu.
Men theo con đường nông thôn tổ dân phố số 3, phường Sa Pả, giữa lưng chừng núi, cơ ngơi của anh Vâu dần hiện ra. Đến nơi, đúng lúc anh Vâu đang thu hoạch ớt, chúng tôi bất ngờ bởi anh Vâu mới chưa đầy 30 tuổi mà đã có trong tay trang trại nông sản lớn như vậy.
Theo anh Vâu, sau nhiều năm trồng lúa nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao nên vợ chồng anh phải bỏ ruộng, lên thị xã Sa Pa làm thuê tại các nhà hàng, khách sạn. Tuy nhiên, không được bao lâu thì dịch Covid-19 ập đến, vợ chồng anh phải trở về nhà, tiếp tục bám vào mảnh ruộng. Anh Vâu cho biết: Thời điểm đó, gia đình chúng tôi rất khó khăn. Tuổi trẻ, sức dài vai rộng nhưng không làm được gì để kiếm ra tiền, cảm giác như bị trói chân, trói tay vậy.
Năm 2020, trong một lần tình cờ gặp lại người quen, anh được giới thiệu về giống ớt chuông dễ trồng mà lại có giá trị kinh tế cao. Sau khi bàn với vợ, anh quyết định dùng số tiền tiết kiệm để đầu tư trồng ớt chuông trên đất lúa. Vụ đầu, anh thu hoạch được 13 tấn ớt chuông, thu về gần 200 triệu đồng. Từ thành công ấy, anh tiếp tục mở rộng quy mô trồng ớt chuông, đồng thời trồng thêm các loại khác như cà chua, bắp cải, rau trái vụ…
Không chỉ làm giàu cho bản thân, với vai trò tổ trưởng dân phố, anh Vâu còn tích cực hướng dẫn bà con cùng làm theo để thoát nghèo. Năm 2023, anh thành lập tổ nghề nghiệp của thôn để giúp đỡ bà con trong sản xuất. Đến nay, tổ có 5 hộ tham gia, được anh Vâu tận tình hướng dẫn và cung cấp giống, cả 5 hộ đều có nguồn thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống.
Nói về những thành tích của anh Thào A Vâu, ông Lý Văn Hiển, Chủ tịch UBND phường Sa Pả cho biết: Anh Thào A Vâu là thanh niên tiêu biểu, tấm gương sáng trong việc dám nghĩ, dám làm. Mô hình kinh tế của anh Vâu là điểm sáng tạo động lực cho nhiều hộ học tập.
Ông Nông Đức Chiến ở thôn Lùng Vai, xã Lùng Vai (Mường Khương) năm nay ngoài 50 tuổi nhưng đã có 26 năm làm trưởng thôn. Ông luôn gương mẫu, đi đầu trong tuyên truyền, vận động người dân triển khai thực hiện các hoạt động, các phong trào do các cấp, các ngành phát động.
Ngoài nhiệm vụ làm trưởng thôn, ông Chiến còn là người am hiểu phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân địa phương, đặc biệt là cộng đồng người Nùng. Ông được bà con tin tưởng bầu là người có uy tín của thôn Lùng Vai từ năm 2013.
Những năm qua, ông Chiến cùng với người dân trong thôn luôn giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đậm đà bản sắc của dân tộc mình. Ông cũng tích cực tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa và các chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp của tỉnh.
Có nhiều thành tích tiêu biểu, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của đảng viên, người có uy tín, ông Nông Đức Chiến đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc biểu dương điển hình tiên tiến là Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023.
Với nhiều việc làm thiết thực trong vận động các hộ phát triển kinh tế; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp và cải tạo tập quán lạc hậu, Bí thư Chi bộ thôn Kin Chu Phìn 2, xã Nậm Pung (huyện Bát Xát) Lý Dì Go được người dân trong thôn tin yêu. Anh Lý Dì Go cũng là người được Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Bát Xát bầu chọn là 1 trong 21 đại biểu dự Đại hội dân tộc thiểu số tỉnh năm 2024.
Thôn Kin Chu Phìn 2 có 87 hộ, 447 khẩu, trong đó dân tộc Hà Nhì chiếm 98%. Trong những năm qua, đồng hành với với người uy tín trong xã, với cương vị là Bí thư Chi bộ thôn, anh Lý Dì Go đã tích cực tuyên truyền các hộ thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương; vận động đồng bào tích cực tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, thôn Kin Chu Phìn 2 đã có 4 hộ chuyển đổi đào ao nuôi cá; có 15 hộ trong thôn xây dựng mô hình nuôi cá nước lạnh với diện tích 9,7 ha; một số hộ phát triển dược liệu như tía tô, hoàng sin cô. Đặc biệt, người dân trong thôn đã trồng mới 57 ha lê VH6, nâng tổng diện tích lê của thôn lên 67 ha (trong đó có 25 ha đang cho thu hoạch ổn định, đạt sản phẩm OCOP). Với các mô hình phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, mỗi năm các hộ trong thôn có thu nhập hơn 10 tỷ đồng.
Cùng với tuyên truyền, vận động đồng bào phát triển kinh tế, Bí thư Chi bộ Lý Dì Go đã chỉ đạo các đoàn thể trong thôn vận động người dân tham gia các phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn an ninh, trật tự ở khu dân cư; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như lễ hội Khu Già Già, Lễ hội Gạ Ma Do của người Hà Nhì; tích cực thi đua xây dựng đời sống văn hóa; 100% hộ trong thôn ký cam kết xóa bỏ hủ tục trong việc cưới, việc tang…
Từ những việc làm thiết thực, Bí thư Chi bộ Lý Dì Go đã nhiều lần được chính quyền xã, huyện khen thưởng; được đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen trong dịp Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số năm 2024.
Hơn 5 năm trên cương vị trưởng thôn, anh Giàng A Tráng, dân tộc Mông ở thôn Mào Sao Phìn, xã Sín Chéng (Si Ma Cai) đã đem hết tâm huyết và tình yêu dành cho mảnh đất vùng cao giàu bản sắc văn hóa.
Theo anh Tráng, muốn bà con thay đổi, mình phải làm gương. Nói là làm, anh đã mạnh dạn đầu tư hệ thống chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn. Anh còn đầu tư mua một số giống cây ăn quả như lê, đào, ổi… trồng thay thế trên nương ngô. Hiện nay, diện tích cây ăn quả của gia đình anh đã cho thu hoạch, mang lại nguồn thu gần trăm triệu đồng mỗi năm. Gia đình anh Tráng cũng là hộ đi đầu ở thôn làm du lịch cộng đồng.
Giờ đây, Mào Sao Phìn đã có đường đi thuận lợi, bản làng với 60% hộ giữ nếp nhà truyền thống, trong đó có khoảng chục ngôi nhà trên 50 năm tuổi. Mỗi năm, thôn giảm được 7 - 8 hộ nghèo. Cùng với đó, thôn có phong cảnh đẹp, ruộng bậc thang, núi non hùng vĩ nên ngày càng nhiều khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Với những đóng góp của mình, năm 2023, anh Giàng A Tráng được người dân Mào Sao Phìn bầu là người có uy tín của thôn.