Trong căn phòng nhỏ ngay tầng 1 của Bảo tàng tỉnh Lào Cai, người đàn ông mái tóc hoa râm đang miệt mài đục đẽo bên chiếc trống đồng đã hoen rỉ. Cẩn trọng trong từng động tác, chốc chốc ông lại đưa chiếc kính lúp lên soi vào các hoa văn trên mặt trống, thân trống rồi tính toán.
Thấy tôi tò mò, anh Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lào Cai giới thiệu: Đây là anh Phan Chí Cường, chuyên viên Phòng Nghiên cứu, sưu tầm và trưng bày của bảo tàng. Cán bộ gắn bó và có kinh nghiệm với công tác nghiên cứu và sưu tầm tư liệu, hiện vật lâu năm nhất của bảo tàng hiện nay.
Dừng tay, anh Cường đưa chúng tôi tham quan các hiện vật đã được anh và đồng nghiệp sưu tầm từ nhiều năm qua. Mỗi hiện vật dù có tuổi đời vài chục năm hay hàng nghìn năm đều mang một câu chuyện không chỉ về giá trị lịch sử mà hiện vật tự thân có, mà còn là câu chuyện của những người làm công tác sưu tầm như anh Thắng, anh Cường đã dày công đưa về bảo tàng.
Để có được những tư liệu, hiện vật quý đem về làm phong phú thêm cho phòng trưng bày của bảo tàng, họ phải lặn lội đến từng bản làng, nhờ cậy đến đội ngũ cộng tác viên từ cơ sở. Để từ các đội ngũ cộng tác viên này, mỗi khi có nguồn tin, bất kể đêm hay ngày, mưa hay nắng, cán bộ bảo tàng lại vội vã lên đường.
Như câu chuyện sưu tầm chiếc trống đồng Gia Phú (hiện đã trở thành Bảo vật quốc gia thứ 2 tại Lào Cai) chẳng hạn, đó là cuộc sưu tầm đòi hỏi sự nhạy bén, tâm huyết và công tác dân vận khéo để có thể đưa cổ vật về bảo tàng.
Đó là vào một buổi trưa năm 2019. Vừa bưng bát cơm lên, anh và đồng nghiệp nhận được tin báo tại khu vực thôn Tả Thàng của xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng) phát hiện chiếc trống đồng đã hoen rỉ. Buông bát cơm, đoàn cán bộ 4 người của Bảo tàng tỉnh vội vã lên đường. Sau gần 30 phút, cả đoàn có mặt tại khu vực đang san gạt mặt bằng để làm nhà. Điều khó khăn là nguồn tin báo có chiếc trống đồng, nhưng chủ nhà nơi có khu đất đang san gạt thì quả quyết không có. Trong khi đó, chiếc máy xúc vẫn ầm ì chạy, múc từng gầu đất lớn từ khu vực trên cao lấp xuống khu đang san gạt.
Quan sát tình hình, chúng tôi phỏng đoán, nếu thực sự có chiếc trống thì sẽ ở khu vực đang được bồi lấp, nếu vẫn để chiếc máy xúc san mặt bằng thì nguy cơ trống bị vùi lấp càng sâu. Do đó, chúng tôi đã đề xuất với chính quyền địa phương, công an sở tại cho dừng việc san gạt để phục vụ công tác tìm kiếm; đồng thời chia thành các nhóm để thu thập thông tin từ người dân, chủ nhà, chính quyền địa phương để xác thực. Khi nguồn tin đã hội đủ, chắc chắn có trống đồng tại khu vực nhà dân đang san lấp nên đã phối hợp với các lực lượng đi tìm.
Đoàn đã tìm được cổ vật là trống đồng Gia Phú dưới lớp đất đang được san gạt, trong trống đồng là một số xương cốt, nông cụ. Xác định là đồ tùy táng của người xưa nên chủ nhân của mảnh đất đề nghị đoàn phải cấp kinh phí để gia đình làm lễ trước khi đưa chiếc trống cùng các hiện vật trong trống đi, đảm bảo về yếu tố tâm linh. Theo nghi lễ của gia chủ là người Tày, buổi cúng tế kéo dài từ 16 giờ đến hơn 23 giờ mới kết thúc. Anh Phan Chí Cường nhớ lại, gia chủ làm lễ ngoài trời, tối hôm đó trời mưa tầm tã, cán bộ của Bảo tàng tỉnh cũng đội mưa làm lễ xuyên đêm cùng gia chủ.
Không chỉ chủ động sưu tầm, nghiên cứu hiện vật cổ, Bảo tàng tỉnh Lào Cai còn phát động Cuộc vận động hiến tặng tư liệu và hiện vật trưng bày cho bảo tàng, qua đó, đã sưu tầm nhiều tư liệu, hiện vật quý phục vụ cho nghiên cứu và trưng bày, giới thiệu đến công chúng. Hiện, Bảo tàng đang lưu giữ trên 16.000 tư liệu, hiện vật mang giá trị khảo cổ học, dân tộc học, tư liệu cách mạng. Những tư liệu, hiện vật tại Bảo tàng tỉnh Lào Cai là minh chứng về giá trị lịch sử, văn hóa, kho tư liệu quý báu về vùng miền mà người làm công tác bảo tồn, bảo tàng luôn nỗ lực, dành sự trân trọng, nâng niu để công chúng hiểu được lịch sử quá trình phát triển của Lào Cai.