Những cô cậu sinh viên nhút nhát năm nào giờ đã trưởng thành. Có nhiều người đang tiếp bước thầy cô, đứng trên bục giảng tại các trường học từ thành phố đến vùng cao, dìu dắt bao thế hệ học trò. Có những sinh viên nay đã giữ cương vị lãnh đạo cấp phòng, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các đơn vị, trường học. Cũng có những người chuyển hướng sang công tác ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác. Trở về đây, họ như sống lại tuổi thanh xuân tươi đẹp.
Anh Vũ Vinh Lợi, sinh viên lớp Văn - Sử 5A nay đã trở thành Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS xã Thào Chư Phìn (Si Ma Cai) vượt gần 100 cây số về họp lớp. Anh bộc bạch: 20 năm kể từ ngày chúng tôi tạm biệt ngôi trường sư phạm, mỗi người một nơi, có công việc, cuộc sống riêng với bao bộn bề, lo toan thường nhật. Hôm nay, trở lại nơi đây, dù địa điểm trường xưa đã trở thành khu đô thị hiện đại nhưng trong mỗi chúng tôi vẫn vẹn nguyên những cảm xúc, kỷ niệm một thời cắp sách đến giảng đường.
Theo dòng hồi ức của anh Lợi, những sinh viên thế hệ 8X phần lớn có hoàn cảnh khó khăn, cuối tháng chia nhau những gói mì tôm, từng suất cơm 1.000 đồng trong căng tin. Cuối tuần không có tiền xe về thăm nhà, tủi thân ôm nhau khóc. Đáng nhớ còn là những buổi sinh nhật ở ký túc xá đơn sơ với bỏng ngô, bim bim và cây đàn ghi ta cùng lời ca, tiếng hát ấm áp… Những tháng năm ấy cũng vun đắp không ít mối tình trong sáng của tuổi sinh viên.
Trong buổi họp lớp đầm ấm còn có sự hiện diện của những thầy cô giáo cũ. 20 năm trôi qua, nhiều thầy cô nay đã gần 60 tuổi, mái tóc điểm hoa râm. Nhiều sinh viên cũ mắt hoe đỏ vì xúc động, nắm đôi tay của thầy cô mà rưng rưng nước mắt.
Chị Trịnh Nguyệt Hoa, sinh viên lớp Văn - Sử 5B, giáo viên Trường THCS Tả Ngài Chồ (Mường Khương) tâm sự: Cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Cúc khi ấy mới ra trường, trẻ trung và đầy nhiệt huyết. Cô luôn quan tâm, chăm lo, nhắc nhở chúng tôi học hành, truyền lửa cho chúng tôi nguồn cảm hứng, phẩm chất nghề giáo. Cô giáo Trưởng khoa Nguyễn Thị Lâm, người mà chúng tôi vẫn gọi là “giáo sư sử học” nay đã ngoài 70 tuổi. Chúng tôi không kìm được nước mắt khi đến thăm, thấy sức khỏe của cô ngày càng yếu, nằm trên giường bệnh, vậy mà cô vẫn nhận ra những học trò cũ. Trước đây, cô rất nghiêm khắc nhưng cũng thường xuyên bênh vực học trò. Nhờ tình yêu thương, giúp đỡ của cô, những học sinh mồ côi như Trần Văn Trung, Lồ Văn Hồng mới vượt qua hoàn cảnh, trở thành thầy giáo như hôm nay.
“Ngồi lại bên nhau, chúng tôi càng biết ơn các thầy cô giáo, biết ơn những năm tháng được sống, được học tập dưới mái trường này. Dù ở đâu, làm gì, chúng tôi luôn luôn trân trọng công ơn, lời dạy của thầy cô. Chúng tôi mong thầy cô luôn khỏe mạnh để nhiều năm sau nữa, khi tụ hội vẫn được gặp và gọi hai tiếng thiêng liêng: Cô, thầy” - chị Hoa nói.
Không khí buổi họp lớp sau 20 năm ra trường lắng lại, nghẹn ngào trong phút giây ấy, những cựu sinh viên cũng tưởng nhớ những người bạn cũ đã không may qua đời ở tuổi đôi mươi, khi nhiều ước mơ, dự định còn ấp ủ, hoài bão thanh xuân chưa hoàn thành.
Có những người bạn cũ vì hoàn cảnh gia đình hoặc đường xa cách trở mà lỡ hẹn, qua cuộc điện thoại, họ cũng cảm nhận được phần nào tình cảm nồng ấm của ngày họp lớp. Kỷ niệm xưa như thước phim quay chậm trong tâm trí mỗi người, những người bạn sẻ chia với nhau buồn vui trong cuộc sống, có thành công và cả đắng cay, vất vả của quãng đường 20 năm đã đi qua, rồi động viên nhau cùng vượt qua.
Ngày hội ngộ ngắn ngủi rồi lại bịn rịn chia xa, những người bạn cũ lại hẹn ước một lần sum vầy. Đọng lại trong tâm trí mỗi người là tình thầy trò, tình bạn thiêng liêng còn mãi.