Thầy Bùi Thế Toản, Tổ trưởng chuyên môn Trường THCS số 1 Phố Ràng (huyện Bảo Yên) đã có nhiều thành tích trong công tác giảng dạy và nhiều năm là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Ngoài nỗ lực tự học, tự bồi dưỡng, thầy Toản được nhà trường tạo điều kiện để nâng cao trình độ. “Tôi đang áp dụng một số phương pháp dạy học mới như dạy học dựa trên dự án, giải quyết vấn đề, thực hành; dạy học theo định hướng STEM… Tôi mong tiếp tục được bồi dưỡng thường xuyên để có cơ hội nâng cao năng lực bản thân và phát triển nghề nghiệp”, thầy giáo Toản tâm sự.
Ngành giáo dục và đào tạo huyện Bảo Yên hiện có hơn 1.700 biên chế, thiếu 84 biên chế so với kế hoạch giao. Cùng với việc tháo gỡ khó khăn về số lượng thông qua tuyển dụng mới, hợp đồng giáo viên, các nhà trường còn tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ. Bà Đàm Thị Hoài An, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Yên cho biết: Hiện nay, 92,5% giáo viên của huyện đạt trình độ chuẩn trở lên, 68 người đang đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn. Giáo viên, cán bộ quản lý mà trình độ chưa đạt chuẩn sẽ được tạo điều kiện để học nâng cao cả chuyên môn và chính trị.
Việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên cũng được ngành giáo dục và đào tạo thị xã Sa Pa xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Thị xã hiện có 1.527 cán bộ, giáo viên với 100% có trình độ đạt chuẩn. Trong các năm học, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã chỉ đạo các trường, cụm trường tổ chức hội thảo, hội giảng để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Ngoài tổ chức sinh hoạt chuyên môn tại trường, các trường còn tổ chức theo cụm trường, trong đó hội đủ trường có chất lượng tốt, khá và trung bình để trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau. Nội dung sinh hoạt chuyên môn đi sâu vào các sáng kiến đổi mới phương pháp giáo dục, phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh, dạy học theo chuẩn kiến thức…
Sở tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chính sách tinh giản biên chế, công tác tuyển dụng giáo viên, đồng thời chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác luân chuyển, điều động, tăng cường, biệt phái theo phong trào “Phòng giúp phòng, trường giúp trường” và các chế độ, chính sách, thi đua, khen thưởng… đối với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Hằng năm, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh giao chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức của năm liền kề tiếp theo; đồng thời, chỉ đạo thực hiện việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên trong hè, năm học; tổ chức sáng tạo việc sinh hoạt tổ chuyên môn, hội giảng, hội thảo khoa học; tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tham gia các chương trình bồi dưỡng theo quy định về tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp… Định kỳ rà soát về số lượng, chất lượng, cơ cấu đội ngũ để cân đối, sắp xếp, bổ sung, tuyển dụng đáp ứng yêu cầu mới. Rà soát về số lượng, chất lượng, cơ cấu đội ngũ giáo viên theo từng cấp học, địa phương trên cơ sở quy hoạch mạng lưới trường, lớp của tỉnh và chủ trương đưa 100% học sinh từ lớp 3 cấp tiểu học về trường chính.
Ông Đỗ Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn còn thấp; ít giáo viên có đủ năng lực chuyên môn để tham gia lực lượng cốt cán, viết, thẩm định tài liệu giáo dục, giao tiếp bằng ngoại ngữ... Do vậy, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án “Phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025”.
Theo kế hoạch, trong năm học 2022 - 2023, ngành sẽ đào tạo nâng chuẩn, trên chuẩn về trình độ chuyên môn cho 500 cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học; đào tạo trình độ đại học văn bằng 2 đối với 65 giáo viên cho các môn học thiếu nguồn tuyển và chuẩn bị nguồn nhân lực sư phạm các cấp học cho những năm tiếp theo. Các thầy cô giáo cũng được khuyến khích phát huy tinh thần tự học, tự bồi dưỡng, thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ…