Năm 2024, trên địa bàn tỉnh không có dịch lớn xảy ra... Các chỉ tiêu giao thực hiện trong năm về hoạt động phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng, phòng chống bệnh không lây nhiễm, HIV/AIDS, chăm sóc sức khỏe sinh sản, dinh dưỡng, vệ sinh lao động, sức khỏe môi trường, y tế trường học và truyền thông giáo dục sức khỏe đều được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hoàn thành và hoàn thành vượt mức đề ra.
Các khoa, phòng của trung tâm đã chủ động phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về chuyên môn, các chương trình và công tác phòng chống dịch cho đội ngũ cán bộ y tế… Duy trì chế độ thường trực nhận và báo cáo dịch bệnh hằng ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, tết. Do đó, trong năm không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm; các dịch bệnh với các ca mắc nhỏ lẻ được khoanh vùng, kiểm soát, khống chế và ngăn chặn kịp thời.
Toàn tỉnh đã ghi nhận một số ổ dịch nhỏ lẻ của các bệnh như thủy đậu, tay - chân - miệng, đau mắt đỏ, tiêu chảy và cúm. Cụ thể, đã ghi nhận 35 ổ dịch thủy đậu với 756 ca mắc, lũy kế bệnh tay - chân - miệng là 44 ca, 28 ca đau mắt đỏ, 99 ca tiêu chảy, 177 ca mắc cúm; đã tiêm vắc-xin dại cho 2.704/2.734 người bị phơi nhiễm, trong đó 543 người được tiêm huyết thanh. Các bệnh truyền nhiễm khác chủ yếu là các bệnh nhóm B và C, không ghi nhận bệnh nhóm A. Một số bệnh có xu hướng giảm là Covid-19, tay - chân - miệng, Adeno virus, uốn ván…

Trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, đã triển khai tiêm chủng đầy đủ và an toàn cho 11.532 trẻ (đạt 97,2% kế hoạch), tỷ lệ tiêm chủng đạt cao như: Tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ có thai được 9.687 người, đạt 84,7% kế hoạch; tiêm phòng viêm gan B 24 giờ sau sinh cho 10.475 trẻ, đạt 97,3%.
Tỉnh đã đưa vắc-xin Rota vào Chương trình tiêm chủng mở rộng từ tháng 12/2024, tại vòng 1 đã có 1.315 trẻ được uống. Với công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm, trung tâm đã tham mưu ban hành và triển khai kế hoạch phòng chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần, phối hợp tổ chức tập huấn và các hoạt động hưởng ứng phòng chống. Nhờ đó, tỷ lệ người từ 40 tuổi trở lên được khám sàng lọc tăng huyết áp; tỷ lệ người phát hiện tăng huyết áp được quản lý điều trị; người từ 40 tuổi được khám sàng lọc đái tháo đường; tỷ lệ người phát hiện đái tháo đường được quản lý điều trị đều vượt kế hoạch đề ra...
Công tác phòng chống HIV/AIDS được thực hiện hiệu quả. Hiện, ngành y tế đang quản lý 1.497 người nhiễm HIV/AIDS; số lượt người nhiễm HIV được tiếp cận, chăm sóc và tư vấn tại nhà là 1.116 người, tăng 199 người so với năm 2023; số phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm HIV là 11.955 người, tăng 278 người so với năm 2023.

Hiện nay, nhu cầu chẩn đoán, khẳng định, phân tích các chỉ số liên quan đến sức khỏe, môi trường, thực phẩm… cũng ngày càng đa dạng, yêu cầu kỹ thuật ngày càng cao, vì vậy các hoạt động xét nghiệm nước, thực phẩm, bệnh phẩm được trung tâm đẩy mạnh hiệu quả hoạt động. Phòng xét nghiệm của trung tâm đã được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận chứng chỉ ISO/IEC 17025: 2017, đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp độ II, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Trung tâm đã phối hợp với Sở Y tế và Phòng Thanh tra (Sở Lao động ‑ Thương binh và Xã hội) thành lập các đoàn kiểm tra về công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại 52 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các trung tâm y tế giám sát công tác vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho 30 doanh nghiệp; thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho 37 đơn vị với 6.694 lượt người; khám sức khỏe nghề nghiệp cho 32 đơn vị với 4.144 lượt người, qua đó không phát hiện ca mắc bệnh nghề nghiệp; quan trắc môi trường lao động cho 55 đơn vị với tổng số 10.054 mẫu; đánh giá tâm sinh lý lao động và Ecgonomi được 3.743 mẫu. Với những mẫu vượt tiêu chuẩn cho phép, trung tâm đã có kiến nghị yêu cầu đơn vị cải tiến, thay đổi môi trường lao động, bảo hộ lao động, giúp đảm bảo môi trường và sức khỏe cho người lao động.
Đối với công tác sức khỏe môi trường, trung tâm cũng đã xây dựng hồ sơ dự thảo quy chuẩn, tổng hợp ý kiến các ban, ngành báo cáo UBND tỉnh; tổ chức công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn các đơn vị y tế huyện triển khai kiểm tra, giám sát chất lượng nước và nhà tiêu hộ gia đình. Thực hiện chỉ tiêu ngoại kiểm vệ sinh chung và thông số chất lượng nước trong quản lý nước sạch…

Với công tác y tế trường học, trung tâm đã khám, phát hiện sớm dấu hiệu, nguy cơ mắc một số bệnh, tật học đường cho 2.962/3.097 học sinh tại 9 trường học thuộc 2 địa phương là Sa Pa, Bát Xát. Qua đó phát hiện tỷ lệ trẻ bị sâu răng là 28,56%, suy dinh dưỡng 2,13%, mắc tật khúc xạ 6,22%, cong vẹo cột sống 10,03%...
Đáng chú ý, trong năm 2024, hoàn lưu bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại các địa phương trong toàn tỉnh. Là đơn vị phụ trách công tác tham mưu, phòng chống dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tích cực triển khai nhiều hoạt động kiểm soát dịch bệnh trong thời gian ứng phó cũng như thời điểm khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt tại thôn Làng Nủ và các khu ngập lụt tại thị trấn Phố Ràng (huyện Bảo Yên).
Năm 2025, để nâng cao hiệu quả hoạt động, công tác y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục tham mưu cho Sở Y tế, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đặc biệt là các đơn vị liên quan trong công tác phòng chống dịch bệnh và triển khai các chương trình y tế; đầu tư vào đào tạo chuyên sâu cho cán bộ, đặc biệt là các chuyên khoa về dịch tễ, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, nhi khoa, dinh dưỡng và các chuyên khoa khác theo nhu cầu thực tiễn của đơn vị; đảm bảo đầy đủ nguồn thuốc, hóa chất, phương tiện, vật tư và lực lượng cán bộ trực dịch 24/24 giờ; đặc biệt chú trọng xây dựng các kịch bản ứng phó chi tiết cho từng loại dịch bệnh, đảm bảo sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả khi có dịch bệnh xảy ra.
Đẩy mạnh tiêm chủng mở rộng, duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao cho trẻ em và người lớn, mở rộng tiêm chủng các loại vắc-xin mới; đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng chống bệnh tật, các hoạt động liên quan công tác y tế dự phòng.