Những ngày đầu tháng 5, sau đợt nắng nóng gay gắt, tiết trời chuyển sang dịu mát và có mưa diện rộng, những cánh rừng trên địa bàn xã Sàng Ma Sáo vì thế trở nên xanh tươi hơn. Nhìn những “cơn mưa vàng” giải nhiệt trong mùa nắng nóng, anh Tráng A De, Trưởng thôn Khu Chu Phìn kiêm Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng thôn Khu Chu Phìn thở phào nhẹ nhõm vì khi mưa xuống thì nỗi lo về nguy cơ xảy ra cháy rừng không còn nữa.
Anh Tráng A De cho biết: Cách đây mấy ngày xảy ra đợt nắng nóng cao điểm, có hôm nhiệt độ lên tới 38 - 39 độ C, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Thực hiện chỉ đạo của Ban Quản lý, Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát và UBND xã Sàng Ma Sáo, Tổ bảo vệ rừng thôn Khu Chu Phìn đã thành lập 1 chốt bảo vệ rừng tạm thời tại ngay đầu thôn cũng là “cửa rừng” - nơi nhiều người qua lại thường xuyên, đặc biệt là du khách tham quan thác Ong Chúa, leo núi Nhìu Cù San, Cú Nhù San.
Mỗi ca trực duy trì 2 thành viên trực 24/24 giờ, làm nhiệm vụ ghi thông tin người vào rừng. Cùng với đó, nhân viên chốt bảo vệ rừng tuyên truyền người dân và du khách chấp hành tốt các quy định về bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng, như không mang lửa vào rừng, không đốt nương vào những ngày nắng nóng, không khai thác lâm sản trái phép, không xả rác ra rừng…
Tổ bảo vệ rừng thôn Khu Chu Phìn làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 356 ha rừng. Nhờ làm tốt công tác phòng, chống cháy rừng nên từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn thôn không xảy ra tình trạng cháy rừng, không xảy ra các vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng...
Ông Ngô Kiên Trung, Trưởng Ban Quản lý kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát cho biết: Từ tháng 3/2024 đến nay, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát đã thành lập 13 chốt bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng tạm thời tại 5 xã có diện tích rừng thuộc quản lý của khu bảo tồn, gồm Trung Lèng Hồ (4 chốt), Dền Sáng (4 chốt), Y Tý (2 chốt), Sàng Ma Sáo (2 chốt), Nậm Pung (1 chốt).
Tại mỗi chốt có từ 2 - 4 người, có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân trong khu vực tham gia bảo vệ rừng, tổ chức thực hiện phòng cháy, chữa cháy rừng; không khai thác, săn bắt, bẫy, bắt động vật rừng, phá rừng, lấn chiếm rừng; tổ chức trực chốt, kiểm tra, kiểm soát, canh gác người ra, vào rừng thuộc khu vực chốt quản lý và phát hiện kịp thời, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến rừng; mở sổ ghi chép hằng ngày, báo cáo định kỳ, đột xuất tình hình ca trực về Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát.
Theo đại diện Ban Quản lý và Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát, căn cứ vào các yếu tố thảm thực bì, vật liệu cháy, đường mòn, lối ra, vào có nhiều người qua lại và căn cứ tình hình thời tiết, thời gian canh tác nương của người dân, tình hình cháy của các năm trước, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát xác định trên địa bàn 5 xã có 13 vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cấp IV, cấp V với tổng diện tích 7.797,83 ha, trong đó diện tích có rừng là 5.507,69 ha; đất trống, đồi cỏ tranh, lau, sậy xen lẫn cây tái sinh và trên đất nông nghiệp 2.290,14 ha.
Cùng với việc thành lập 13 chốt bảo vệ rừng tạm thời tại 5 xã, Ban Quản lý và Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát còn thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống cháy rừng trên địa bàn.
Trước hết, công tác tuyên truyền pháp luật lâm nghiệp, phòng cháy, chữa cháy rừng cho người dân được tăng cường bằng nhiều hình thức như tuyên truyền trực tiếp trong các cuộc họp thôn, hội nghị tuyên vận, trên hệ thống loa phát thanh, tuyên truyền lưu động. Để đổi mới hình thức tuyên truyền, từ tháng 4 đến tháng 5 năm nay, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát đã tổ chức cuộc thi Rung chuông vàng tìm hiểu pháp luật về lâm nghiệp tại 5 trường THCS của 5 xã thuộc khu bảo tồn. Qua cuộc thi đã có gần 2.000 học sinh được tuyên truyền về Luật Lâm nghiệp, nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ và phòng, chống cháy rừng.
Bên cạnh đó, từ đầu năm 2024 đến nay, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát đã tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong đó, đã kiểm tra UBND cấp xã 13 cuộc, kiểm tra các tổ bảo vệ rừng nhận khoán tại các thôn bản 37 cuộc; thực hiện giao khoán bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng 16.053 ha cho 32 cộng đồng thôn/5 xã. Các cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng đã bầu ra 32 tổ tuần tra bảo vệ rừng với 195 thành viên. Năm 2023, các tổ tuần tra đã thực hiện 310 cuộc tuần tra bảo vệ rừng; trong quý I/2024 đã thực hiện 195 cuộc.
Ông Ngô Kiên Trung, Trưởng Ban Quản lý kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát cho biết thêm: Mặc dù Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát đã triển khai nhiều giải pháp nhưng do địa bàn rộng, diện tích rừng lớn, chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố nên công tác phòng, chống cháy rừng vẫn gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, trên địa bàn vẫn xảy ra một số vụ cháy đồi cỏ, cây bụi, cây tái sinh do người dân đốt nương vào thời điểm nắng nóng.