Khi những làn gió nhẹ mang hơi ấm bước sang tiết lập xuân Ất Tỵ, loáng thoáng mấy cây đào đang hé nụ chúm chím màu hồng rung rinh gọi nắng. Chúng tôi vào thăm tổ 15, phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai. Đây chính là bản của người Giáy trong thung lũng nhỏ, theo tiếng Quan hỏa gọi là bản Vĩ Kim, tức là Khe Vàng, vì ở đây có nhiều vàng sa khoáng.
Sống ở nơi có vàng nhưng bao đời nay người Vĩ Kim vẫn chuyên tâm “một nắng hai sương” cày cấy để gặt mùa vàng trong Khe Vàng. Bởi từ xưa, cha ông người Giáy đã dạy: “Thóc ở đất có nhiều. Người chăm không sợ chết đói”. Từ Vĩ Kim đi chợ Cốc Lếu hay chợ Pom Hán đều chừng 5 cây số nhưng chẳng ai đi buôn đi bán, vì ai cũng in trong đầu câu tục ngữ: “Người bán Đông bán Tây không bằng người cầm cày một chỗ”.
Nằm giữa tỉnh lỵ và khu công nghiệp khai thác apatit nhưng không ai đi làm cán bộ, làm công nhân, vì lo đi rồi ai làm ruộng nương nuôi bố mẹ già, con nhỏ. Lại nữa, tính tự ti ngự trị trong đầu như mùa đông u ám: Mình có giỏi bằng ai đâu, ra ngoài sợ xấu hổ lắm. Chỉ làm bạn với cày cuốc ruộng nương thì cần gì nhiều chữ. Vì thế mấy chục năm trước, xã đã có trường cấp hai nhưng chẳng mấy ai cho con đi học, dù học sinh dân tộc thiểu số không phải nộp học phí, được mượn sách giáo khoa Nhà nước. Chế độ khoán sản phẩm, tiếp đến là chính sách giao ruộng đất cho nông dân đã dẫn đường cho bồ thóc đầy gấp đôi so với ngày hợp tác bình công chấm điểm. Thế là vui rồi, không có chữ cũng chẳng sao, học làm gì cao cho mất tiền, tốn gạo…
Thị xã Lào Cai được nâng cấp lên thành phố tỉnh lỵ, khu đô thị Lào Cai - Cam Đường mở rộng như mở ra mùa xuân cho công cuộc phát triển của thời đại mới và cửa ngõ giao thương với Trung Quốc. Cũng như các thôn xã ngoại ô, Vĩ Kim nằm lọt vào khu mở rộng thành phố. Cây lúa nhường lãnh thổ cho xưởng thợ mở ra, nhà tầng mọc lên và dẫn đường phố chạy dọc, chăng ngang. Ngay từ khi có tin quy hoạch đô thị, làng Giáy vốn bình lặng trong Khe Vàng bỗng xôn xao rì rầm đủ chuyện.
Ngồi gói bánh chưng ăn tết, mấy bà cụ than thở: “Thế là từ tết sau ma ông ma bà không được ăn bánh gói từ thóc nếp gặt ở ruộng các ngài khai phá!”. Các cặp vợ chồng ở lứa tuổi trẻ chưa qua, già chưa tới thở dài: “Bố mẹ già, con còn nhỏ, không có ruộng, đầu óc không học được nghề mới thì lấy thóc đâu ăn, chưa nói đến ngày tết lấy tiền đâu để mua gạo nếp, thịt lợn cúng ông bà?”.
Bên cạnh nỗi lo, tiếng thở dài là dự tính cho chuyện làm ăn. Ngồi bên mâm ăn cỗ tết, một vài người hào hứng bàn với nhau lấy tiền đền bù ruộng đất mua xe máy đi xe ôm chở khách, mỗi ngày cũng kiếm được vài ba trăm nghìn, mua được bốn năm chục cân thóc, mười ngày làm ruộng làm sao có được số thóc ấy! Đặt chén rượu uống dở xuống mâm, chàng trai ngồi bên cạnh bảo đấy không phải nghề lâu dài, phải làm hồ sơ đi học nghề sửa chữa máy móc, nghề xây dựng, lái xe… Có tay nghề, đèo vợ đi phụ, kéo con lớn theo vừa học vừa làm chắc chắn sẽ hơn đi ruộng lên nương vất vả mà chắc gì đã được ăn với trời vì sâu bệnh, vì hạn hán, lũ lụt. Người lại nhẩm tính thuê một ô cửa hàng ngoài chợ, túc tắc buôn bán. Mưa không đến mặt, nắng chẳng đến đầu nhưng vẫn hơn làm mấy sào ruộng vì như người Kinh nói: Giàu nhà quê không bằng ngồi lê ngoài chợ.
Nghỉ cày ruộng, thôi cuốc bờ để đi làm công việc như người ngoài phố, nhiều người mới nhận ra rằng: Đời mình nghèo vì nghèo chữ nên phải lo cho con cháu học hành thành nghề nghiệp thì mình mới đáng ngồi ghế pò me (bố mẹ). Đáp lại mong ước của đấng sinh thành, lớp trẻ Vĩ Kim hăng hái rủ nhau cắp sách đến trường. Người đi trước để phá tung rào cản lạc hậu vô hình ngăn ở cổng làng chính là Lý Văn Thắng. Vì nhà nghèo nên học xong lớp 12, Lý Văn Thắng xin ra văn phòng UBND xã vừa làm việc vừa học Đại học Nông nghiệp tận Thái Nguyên. Sau khi tốt nghiệp, chàng trai tuổi Đinh Mùi được tuyển vào làm chuyên viên Sở Nội vụ. Chỉ là học trung cấp kế toán tài chính nhưng La Việt Thành, vừa làm vừa học trở thành kỹ sư kinh tế. Hiện nay anh là Chủ tịch Công đoàn Viettel Lào Cai. Dù không có điều kiện đi học tập trung, hai em của Thành là La Thị Thu và La Văn Định cũng đều học hết đại học. Bây giờ Thu là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc rất có uy tín của phường Bắc Cường.
Không cấy lúa trồng ngô, vợ chồng ông La Văn Siểng mua đồ nghề về làm đậu phụ. Chỉ có nồi đậu với chuồng lợn mà vợ chồng ông nuôi con gái La Thị Hoàn trưởng thành nhất bản. Từ lúc học phổ thông, Hoàn luôn luôn là học sinh giỏi. Cầm tấm bằng đỏ của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cô gái bản Vĩ Kim vinh dự được nhận vào Ủy ban Dân tộc không phải thi tuyển. Người con gái mang mệnh cây giữa rừng ấy luôn luôn trau dồi tri thức. Hiện nay, Hoàn là nghiên cứu sinh làm luận án thạc sỹ ở một trường đại học bên Mỹ. Đây là lần thứ hai Hoàn sang bên kia bờ Thái Bình Dương bằng học bổng của Chính phủ Hoa Kỳ.
Bố mất sớm, thương mẹ sớm hôm bán hàng lặt vặt ngoài chợ nên Phan Thị Trinh vừa học vừa làm thêm, cố gắng lấy tấm bằng đại học văn hóa loại giỏi, làm của hồi môn khi về Phú Thọ làm dâu. Noi gương chị ruột, chàng trai Phan Văn Trình cũng đưa tấm bằng đại học chuyên ngành công nghệ thực phẩm khoa thiết kế bao bì và quảng cáo sản phẩm về trả công cho mẹ. Hiện, anh là chủ xưởng quảng cáo có uy tín tại thành phố Lào Cai.
Bố già yếu, mẹ mất sớm nhưng Lương Thị Mến vẫn được anh trai đùm bọc nuôi cho ăn học xong đại học. Bố mẹ chỉ trông vào vài sào đất vườn, mùa nào rau ấy nhưng vẫn nuôi hai anh em Lùng Văn Quý tốt nghiệp đại học. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Qúy đành trở về Khe Vàng để đào đãi loại vàng vô giá. Chàng cử nhân kinh tế vừa làm dịch vụ ăn uống vừa tích cực tham gia công tác, nên anh vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Hiện tại, Quý là tổ trưởng tổ dân phố trẻ nhất phường Bắc Cường nhưng lại là cán bộ năng động, được mọi người yêu qúy, xứng đáng với cái tên Quý của chàng trai tuổi Mậu Thìn.
Đến nay, cả bản Vĩ Kim có 60 nóc nhà thì có 30 người có bằng đại học, chưa tính số sinh viên còn đang theo học tại các trường đại học và số người có bằng cao đẳng, trung cấp.
Ông La Văn Quáng đã sắp vào tuổi thất thập, là người tiêu biểu của dân tộc Giáy trong phường thường khoe với khách đến chơi: “Ngày trước người Giáy bản Vĩ Kim mình chẳng có chữ vì nghèo túng. Từ ngày được làm người phố, con gái con trai được học nhiều chữ nên biết làm kỹ sư, bác sỹ đấy. Này nhé, con gái có La Thị Huyền, Lý Thị Thùy Linh là luật sư; con trai có Lùng Văn Thực, Lùng Tiến Tưởng… đều có bằng đại học. Tốt nghiệp Học viện Quân sự, La Thế Huynh bây giờ đã là trung úy. Đến nay, cả bản Vĩ Kim mình có 60 nóc nhà thì có 30 người có bằng đại học, chưa tính số sinh viên còn đang theo học tại các trường đại học và số người có bằng cao đẳng, trung cấp. Dù rất bận rộn với công việc nhưng các anh chị ấy chăm lo chu đáo tới việc quý gấp nhiều lần vàng sa khoáng trong lòng đất làng Vĩ Kim này".
Chia tay bà con Vĩ Kim, chúng tôi ra tới cổng làng thì gặp chị Phan Thị Hợp. Tốt nghiệp Khoa Mầm non, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, chị về dạy ở Trường Mầm non Nam Cường. Chị Hợp cười với chúng tôi: Tối nay mời các anh ra nhà văn hóa khu dân cư Vĩ Kim hỗ trợ em hướng dẫn đội văn nghệ tập mấy tiết mục dân ca, dân vũ của dân tộc Giáy để biểu diễn chào mừng Xuân Ất Tỵ! Chúng tôi vui vẻ nhận lời và nhận ra rằng với tri thức của thời đại 4.0, lớp trẻ người Giáy ở Vĩ Kim đang làm nên những ca khúc mùa xuân hạnh phúc cho quê hương Khe Vàng của mình.